Tiền và Hàng 03/04/2014 19:54

Bộ Ngoại giao: Doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá cá tra

FICA - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá mặt hàng cá tra/cá basa cũng như các sản phẩm khác vào thị trường Mỹ.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 3/4/2014, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) công bố kết quả đợt xem xét hành chính thứ 9 đối với vụ kiện chống bán phá giá cá tra tại thị trường Mỹ, theo đó Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam tuy mức thuế có giảm xuống, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

"Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá mặt hàng cá tra/cá basa cũng như các sản phẩm khác vào thị trường Mỹ. Chúng tôi cho rằng các vấn đề trong quan hệ thương mại giữa hai nước cần được xem xét một cách công bằng, khách quan, phù hợp với tinh thần tự do thương mại cũng như quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước."

Trước đó, ngày 31/3/2014, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) vụ kiện chống bán phá giá cá tra tại thị trường Mỹ áp dụng đối với các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ 1/8/2011- 31/7/2012.

Theo quyết định này mức thuế của 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là 0,03 USD/kg (Vinh Hoan Corp) và 1,20 USD/kg (Hung Vuong Group); mức thuế suất toàn quốc là 2,11 USD/kg  không đổi so với kết quả sơ bộ; mức thuế riêng lẻ là 0,42USD/kg.

Với quyết định này cho thấy DOC vẫn giữ nguyên quan điểm và lập luận trong việc chọn Indonesia là quốc gia tính giá trị thay thế bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam do Indonesia không nằm trong danh sách các nước có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam khi chọn làm quốc gia thay thế tính biên độ phá giá.

Chỉ số GNI của Indonesia gấp đôi Việt Nam và GDP gấp 4 lần Việt Nam do đó các giá trị thay thế của Indonesia mà DOC áp dụng cho Việt Nam như giá cá sống con giống, thức ăn và phụ phẩm.. có sự chênh lệch lớn giữa ngành nuôi cá Việt Nam và Indonesia ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kết quả POR9 chứng tỏ DOC ngày càng siết chặt quy trình tính toán các dữ liệu, chọn quốc gia tính giá trị thay thế để tính biên độ phá giá áp cho Việt Nam 1 cách không thống nhất và  mang tính bảo hộ trong các kỳ xem xét gần đây gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.

VASEP kêu gọi DOC hãy xem xét thận trọng quá trình điều tra và áp thuế CBPG trong các kỳ xem xét hành chính trên tinh thần tôn trọng, dân chủ vì quyền lợi người tiêu dùng của Mỹ, đời sống hàng triệu người dân phụ thuộc vào ngành sản xuất, chế biến cá tra vùng ĐBSCL và mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *