Tiền và Hàng 03/04/2014 08:25

Thiếu công cụ phòng vệ: Việt Nam liên tiếp dính kiện tụng

FICA - Việt Nam đang phải đối phó với 73 vụ kiện về phòng vệ thương mại, trong đó có 43 vụ kiện chống bán phá giá, 15 vụ tự vệ, 10 vụ chống lẩn tránh thuế và 5 vụ chống trợ cấp.

Theo Phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại  – Cục Quản lý cạnh tranh (VCA), trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại. Các vụ kiện này đã gây ra những tác động lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, thể hiện ở sự tốn kém tài chính khi tham gia vụ việc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình trước nguy cơ xâm lấn của hàng nhập khẩu.

Do tác động của khủng hoảng kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng trên phạm vị toàn cầu. Cho đến nay, Việt Nam đang phải đối phó với 73 vụ kiện về phòng vệ thương mại, trong đó có 43 vụ kiện chống bán phá giá, 15 vụ tự vệ, 10 vụ chống lẩn tránh thuế và 5 vụ chống trợ cấp.

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, mặc dù là một quốc gia chủ yếu dựa vào xuất khẩu, trong đó 70% lượng xuất khẩu của Hàn Quốc vào các quốc gia mà Hàn Quốc đã đang tiến hành đàm phán FTA. Mặc dù vậy, trong các vụ kiện phòng vệ thương mại mức thuế áp đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc là khá thấp.

Điển hình trong vụ kiện chống bán phá ống dẫn dầu của Mỹ, mức thuế áp cho 2 doanh nghiệp của Hàn Quốc là 0 % trong khi đó mức thuế áp cho công ty SeaH Steel Vina của Việt Nam là 111,47% do đã không hợp tác với Bộ Thương mại Mỹ (DOC).

"Có thể thấy rằng, nếu có sự chuẩn bị và phối hợp tốt giữa các doanh nghiệp, cũng như có chiến lược thống nhất sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại đáng kể đối với các doanh nghiệp của Việt Nam", VCA cho biết.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tiến hành khởi xướng điều tra 3 vụ việc phòng vệ thương mại và có 2 vụ tiến hành áp thuế, cụ thế đối với vụ điều tra tự vệ về dầu ăn mức thuế là 5% và giảm dần trong 4 năm. Đối với vụ việc chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội, mức thuế tạm thời là: Trung Quốc: 6,45% - 6,99%; Malaysia:14,38%, Indonesia:: 12,03%, Đài Loan: 13,23% - 30,73%.

VCA cũng cho rằng, tại các quốc gia phát triển, công cụ phòng vệ thương mại được sử dụng khá phổ biến để bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thực sự quan tâm đến công cụ này để có thể đối phó với việc xâm lấn nhanh của hàng nhập khẩu.

Hầu hết các doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ các quy định về trình tự thủ tục nộp hồ sơ khởi kiện, tính toán biên độ phá giá, biên độ thiệt hại. Việc thu thập các số liệu về nhập khẩu, số liệu về giá bán của các nhà xuất khẩu vào thị trường Việt Nam cũng khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

VCA dự báo trong thời gian tới đây, khi Việt Nam tham gia ký kết một số các hiệp định FTA lớn như: TPP, Việt Nam – EU, Việt Nam – Hàn Quốc, ... , số lượng các vụ kháng kiện và khởi kiện về phòng vệ thương mại sẽ ngày càng gia tăng. Nếu các doanh nghiệp không có sự chuẩn bị tốt và có các biện pháp ứng phó kịp thời, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều trở ngại không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay cả thị trường trong nước.

 

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *