Tiền và Hàng 19/01/2015 14:02

Bến xe “cháy” vé hay doanh nghiệp vận tải “găm” vé Tết?

FICA - Hiện tại các xe thương hiệu về miền Trung đã hết vé các ngày cao điểm từ 24 - 28 Tết. Thậm chí xe tăng cường cũng hết. Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp vận tải găm vé bán theo kênh riêng với phụ thu lên tới 20%.

Đã hết vé cao điểm Tết

 

 

Nhiều người tập trung từ sáng sớm chờ
đợt bán vé bổ sung của nhà xe về miền Trung
Nhiều người tập trung từ sáng sớm chờ đợt bán vé bổ sung của nhà xe về miền Trung
 

 

 

Ngày 18/1, tại bến xe miền Đông, lượng khách mua vé Tết không còn đông như những ngày đầu tiên mở bán (10/1). Nhưng các nhà xe thương hiệu bán vé Tết ngày cao điểm không còn vé.

Dạo một vòng khu vực bến vé, hầu hết các nhà xe thương hiệu như: Thuận Thảo , Sao Vàng, Bình Tâm, Thiên Trang, Chín Nghĩa,… về miền Trung (Vinh, Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ngãi) đều dán thông báo “Vé Tết từ ngày 24 – 28 âm lịch hết vé”.

 

Theo kế hoạch sáng 18/1, xe Bình Tâm (về Quảng Ngãi) bán vé bổ sung. Rất đông người có mặt từ sớm chờ mua tấm vé về quê ăn Tết. Đến gần 8 giờ sáng, nhân viên hãng xe này mới mang bàn ghế, sổ sách ra cổng 1B bán vé. Mọi người hồ hởi, tuy nhiên sau khi nghe thông báo đợt này là vé tăng cường (ghế ngồi, giá bằng tuyến cố định) nhưng cũng chỉ còn các ngày 21, 22, 23… ai nấy đều thất vọng.

 

Nhiều người tập trung từ sáng sớm chờ
đợt bán vé bổ sung của nhà xe về miền Trung
Mọi người thất vọng vì mất công chờ đợi nhưng vé xe bổ sung là xe tăng cường nhưng ngày cao điểm đã hết vé (giá bằng xe ghế ngồi xe chạy tuyến cố định)
 

Anh Nguyễn Văn Tùng (quê Quảng Ngãi) cho biết, đã 6 năm rồi anh chưa về quê ăn Tết. Đợt này anh tranh thủ mua vé ngày 28 Tết. Tuy vé về chưa có nhưng anh đã đặt vé ngày mùng 2 Tết vào lại Sài Gòn. “Trong tuần mình bận đi làm công ty nên không có thời gian đi mua vé. Nửa tháng trước gọi xe Bình Tâm hỏi thì họ bảo chưa bán vé. Hai ngày cuối tuần tranh thủ đi mua vé lại chẳng còn”, anh Tùng thắc mắc là nhà xe bán vé khi nào mà hết nhanh vậy?  Không yên tâm đi xe tăng cường, anh quyết đi tìm một xe chất lượng cao về Đà Nẵng hoặc Huế để ghé về Quảng Ngãi.

 

Tương tự, chị Hạnh, làm công nhân tại khu chế xuất Linh Trung 2 cùng người bạn từ sớm tinh mơ đã có mặt ở bến xe miền Đông để mua vé về Quảng Ngãi. Tuy nhiên, ngày nghỉ cuối tuần coi như bỏ không vì hết vé. Chị ngậm ngùi ra về để chuẩn bị tăng ca, còn chuyện mua vé để đợt sau lên tính tiếp.

 

Lý giải về tình trạng hết vé sớm, các nhà xe cho rằng do hai ngày đầu mở bán vé Tết, hành khách đã đến mua hết. Có những công ty bán hơn nghìn vé mỗi ngày nên phải sắp xếp xe mới bán tiếp. Hành khách có nhu cầu về quê đã đặt vé sớm. Đến thời điểm này, vé những ngày cao điểm Tết đã không còn. Các nhà xe lớn như Phương Trang, Mai Linh, Thành Bưởi,… cũng chưa có lịch bán vé Tết.

 

Xăng giảm, giá vé vẫn tăng

 

Công ty Thiên Trang cho biết, giá vé từ ngày 12 – 16 tháng Chạp sẽ tăng 20% tuyến TPHCM – Quảng Ngãi. Nhưng cao điểm từ 22 – 30 tháng Chạp sẽ tăng giá vé 60% (xe giường nằm từ 370.000 đồng lên 590.000 đồng) Tương tự, công ty Hoàng Long, tuyến TPHCM – Hải Phòng tăng 60% giá vé từ ngày 21/30 tháng Chạp.

 

Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, tính tới thời điểm hiện tại mới chỉ có hơn 100 trong tổng số 207 doanh nghiệp vận tải hành khách kê khai giảm giá cước sau khi giá xăng dầu liên tục giảm, xuống hơn 30% qua các đợt. Mức giá giảm cước chỉ từ 5 – 10%, thậm chí có những doanh nghiệp chỉ giảm 2 – 3%.

 

Năm nay vé xe Tết ngày cao điểm hết rất
sớm vì nhu cầu tăng cao?
Năm nay vé xe Tết ngày cao điểm hết rất sớm vì nhu cầu tăng cao?

 

Nói về việc hết vé cao điểm Tết, ông Hải cho biết so với năm ngoái thì năm nay bán nhanh hơn do tâm lý hành khách sợ hết vé nên mua sớm. Bến xe miền Đông sẽ sắp xếp các doanh nghiệp lần lượt đăng ký bán vé Tết trong thời gian tới, bố trí tăng cường xe đảm bảo mọi người đều được về quê ăn Tết. Bởi ngoài xe thương hiệu, bến xe miền Đông còn bán vé ủy thác từ ngày 20/1.

 

Ông Hải cho biết thêm, dự báo sản lượng hành khách thông qua bến dịp Tết Nguyên đán 2015 có thể không tăng so với cùng kỳ năm trước, khoảng 339.400 khách. Lượng khách chủ yếu tập trung vào các ngày từ 24 đến 28 thánh Chạp. Những ngày này lượng khách có thể lên tới 100.00 lượt/ ngày.

 

Năm nay, mức phụ thu từ 20 – 60% giá vé, tính từ ngày 12/12 âm lịch tùy theo các tuyến. Cụ thể, đối với các tuyến từ Huế trở ra các tỉnh phía Bắc, phụ thu 60% từ ngày 21/12 đến hết 30/12 âm lịch; các tuyến từ Phú Yên ra đến Quảng Nam, Đà Nẵng và các tuyến thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum, phụ thu 60% từ ngày 22/12 đến hết 30/12 âm lịch.

 

Các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận phụ thu 60% từ ngày 24/12 đến hết 30/12 âm lịch.

 

Vé Tết TPHCM - Huế lên tới 1,2 triệu đồng

 

Anh Tiến đang tìm mua vé về Huế cho biết anh vô cùng bất ngờ khi giá vé năm nay tăng đột biến. Theo anh những năm trước anh về Huế giá vé là 540.000 đồng/vé, đến Tết phải chịu mua vé giá cao lên tới 720.000 đồng. Nhưng năm nay giá vé thấp nhất cũng là 1 triệu đồng, trong khi giá xăng dầu thì giảm kỷ lục.

 

Anh cho biết, anh mua vé xe Minh Phương chạy tuyến TPHCM – Huế, ra bến xe miền Đông thấy báo hết vé cao điểm Tết. Anh gọi điện cho nhà xe thì được biết hành khách có thể chọn lựa đi xe tại bến miền Đông hoặc tại nhà xe nhưng nhà xe không bán vé ở bến. Theo đó, nếu đi ở bến xe miền Đông giá vé là 1 triệu đồng. Nếu đi ở bến của nhà xe vé 1,2 triệu đồng (bao ăn 2 bữa). Dù rất bức xúc nhưng để có tấm vé về quê, anh đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

 

Chúng tôi đến điểm bán vé của nhà xe thì được cô nhân viên ở đây cho biết ngày cao điểm Tết vẫn còn vé. Thắc mắc với mức giá cao “cắt cổ”, cô nhân viên cho biết, giá như vậy là phù hợp, không mua thì người khác mua hết phần. Bởi nếu tính phụ thu là 60%, cộng thêm 2 bữa ăn, giá 1 triệu là đúng. Đi bến của nhà xe cao hơn 200.000 đồng vì tiện lợi hơn rất nhiều.

 

Khi được hỏi tại sao nhà xe không bán vé ở bến xe? Trong khi bán ở đây mà giá lại cao rất nhiều so với quy định chung? Cô nhân viên phân trần, vì ở bến xe chỉ có 1 ô bán vé, rất bất tiện, người mua phải xếp hàng mất thời gian, cực nhọc. Trong khi mua vé ở nhà xe thì vẫn được đảm bảo đi xe ở bến bình thường nên nhà xe chuyển địa điểm bán vé cho hành khách được tiện lợi (!?).

 

Còn việc hành khách lên xe ở quận Tân Bình, Tân Phú giá cao hơn 200.000 đồng là nhà xe tính chi phí “hộ” hành khách. Bởi hành khách không phải tốn công và chi phí di chuyển ra bến xe miền Đông. Dịp Tết này đi xe ôm mất cả trăm nghìn có khi người ta không chở. Đó là chưa nói việc làm thủ tục lên xe ở bến xe miền Đông vào dịp Tết thì càng rắc rồi, mất thời gian hơn.

 

Quả thật, nếu nhà xe nào cũng “quan tâm” đến thượng đế đến “tận răng” như nhà xe Minh Phương thì chuyện bến xe miền Đông hết vé cao điểm Tết sớm thì chẳng có gì lạ!

 

Quốc Anh

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *