Quốc tế 19/01/2015 14:30

"Chú Sam" sẽ lâm vào khủng hoảng?

Các thị trường lớn nhất trên thế giới đang gặp nhiều rắc rối và dù muốn dù không thì thực tế này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Giới chuyên gia trước nay vốn tin rằng khi “chú Sam” hắt hơi, nền kinh tế phần còn lại của thế giới cũng bị “cảm lạnh” theo. Tuy nhiên, năm 2015 rất có thể “gió xoay chiều”, tức Mỹ sẽ bị phần còn lại của thế giới ảnh hưởng. Câu hỏi được đặt ra là liệu “căn bệnh kinh tế” lây lan từ Nhật, Trung Quốc, châu Âu, Úc, Canada, các nước vùng vịnh và các thị trường mới nổi khác có khiến việc phục hồi kinh tế của Mỹ càng trở nên yếu ớt xuống mức kỷ lục trong lịch sử nước này hay không?

 

Trang gulfbusiness.com dẫn bài xã luận mang tên “Kinh tế Mỹ có thể phục hồi vào năm 2015?” của Peter Cooper, biên tập viên của trang mạng nổi tiếng ArabianMoney.net. Theo đó, nền kinh tế Mỹ năm 2015 tuy sẽ có những chuyển biến tích cực nhất định nhưng nền kinh tế nhiều “đối tác lớn” của Mỹ vẫn còn lao đao, dẫn đến “chú Sam” cũng không thể không bị vạ lây.

 

“Bạn bè lớn, nhỏ” của Mỹ đều suy thoái

 

Ở cấp độ khu vực, nền kinh tế châu Âu vẫn là lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, xét ở cấp độ quốc gia thì Trung Quốc dường như đã vượt mặt Mỹ để trở thành nước có nền kinh tế hạng nhất toàn cầu nếu tính theo chỉ số ngang giá sức mua năm 2014. Bám sát theo sau chính là nền kinh tế Nhật. Các thị trường mới nổi khác cũng đã có những đóng góp rất ấn tượng đối với nền kinh tế thế giới trong suốt thập niên vừa qua. Vì thế nền kinh tế chung toàn cầu sẽ khó lòng thịnh vượng nếu thiếu những cái tên nói trên.

 

Tuy nhiên, nếu nhìn lại suốt thời gian qua dễ thấy nền kinh tế những “ông lớn” Nhật, Nga, châu Âu đã trở nên suy thoái. Việc chính quyền Putin sáp nhập đảo Crimea vào lãnh thổ người Nga hồi tháng 3-2014 có thể là một “thành công” về mặt địa chính trị nhưng Moscow phải trả giá bằng sự trừng phạt kinh tế từ Mỹ, châu Âu khiến nền kinh tế Nga tổn thương không nhẹ. “Cái bắt tay” của Mỹ và châu Âu trên “chiến trường kinh tế” cùng với “thỏa thuận ngầm” giữa Mỹ và các nước vùng vịnh trên thị trường dầu mỏ khiến giá dầu giảm trên dưới 60% đã “hại” tỉ giá đồng ruble của Nga rớt thê thảm. Ngoài ra, 50% ngân sách Moscow “bốc hơi” khiến kinh tế Nga càng trở nên suy sụp.

 

Chú Sam sẽ lâm vào khủng hoảng?
Các thị trường đối tác chính của Mỹ dự kiến sẽ khó có thể “mở lòng” với hàng xuất khẩu của “chú Sam” khi họ lâm vào suy thoái, sức mua giảm nghiêm trọng. Ảnh: ft.com
 

Trong khi đó, việc kinh tế Moscow suy sụp đã khiến kinh tế châu Âu cũng lao đao theo. Nga là thị trường lớn nhất của hầu hết các mặt hàng tiêu dùng nguồn gốc từ châu Âu. Việc Nga “trả đũa” châu Âu trên đấu trường kinh tế đã khiến nguồn xuất khẩu của khu vực đồng euro suy giảm trầm trọng. Đây quả thật là tin xấu đối với nhiều thành viên EU vốn có nền kinh tế đứng trước bờ vực “phá sản” trước khi khủng hoảng Ukraine bắt đầu. Một lần nữa, “khủng hoảng nợ châu Âu 2011” dường như đang lặp lại và sẽ khiến người châu Âu trở nên ám ảnh và hoảng sợ vào năm 2015. Bất ổn chính trị và chiêu bài “cấm vận” khiến cả gấu Nga lẫn châu Âu thấm thía sự suy thoái, nhất là từ cuối năm 2014, đầu năm 2015.

 

Thê thảm nhất hiện giờ vẫn là Nhật. Giữa tất cả “ông lớn” kinh tế thế giới thì xứ sở Phù Tang đang đối mặt với những rủi ro “sát vách”. Chính sách in tiền tệ “vô thưởng vô phạt” theo học thuyết cải cách của Thủ tướng Shinzo Abe, tức Abenomics, sẽ mang về cho người Nhật một bài học đích đáng và hủy hoại giá trị của đồng yen Nhật. Vẫn chưa ai biết được sẽ mất bao nhiêu lâu nữa để sự cân bằng của đồng yen có thể bắt kịp sự suy thoái mạnh mẽ như hiện tại. Ngay cả khi Nhật muốn phá giá đồng yen để tăng cường xuất khẩu, thu về ngân sách để vượt qua “rắc rối” hiện tại thì chính quyền Abe cũng sẽ bế tắc khi các thị trường lớn của thế giới không ai có nhu cầu. Điển hình là châu Âu, Nga, hay thậm chí là thị trường Trung Đông cũng đang “chuyện mình chưa lo xong” thì việc vung tiền mua hàng hóa từ Nhật là hoàn toàn bất khả thi.

 

Còn các thị trường mới nổi khác, trong đó có thị trường Trung Đông thì sao? “Tất cả là một mớ hỗn độn”. Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn để chống lại hậu quả của tình trạng bong bóng bất động sản vỡ tung trong những năm gần đây, hiện chưa có dấu hiệu phục hồi. Brazil đang vật vờ trước những lo ngại về suy thoái kinh tế. Giá dầu giảm giúp Ấn Độ và các nhà sản xuất phi dầu mỏ tại châu Á có cơ hội phát triển, tuy nhiên các con đường hàng hóa toàn cầu dẫn đến các thị trường Malaysia, Canada, Úc, các nước vùng Vịnh và toàn bộ châu Phi, đặc biệt là Nigeria hiện đang “bế tắc”.

 

Chú Sam sẽ lâm vào khủng hoảng?
Washington dự kiến sẽ gặp cuộc đại khủng hoảng, nhất là thị trường tài chính trong năm 2015. Ông Obama sẽ còn đau đầu khi vừa giải quyết cải cách kinh tế, vừa đối diện cuộc chiến nội bộ. Ảnh: lagazzettadf.com
 

Mỹ không thể “né” vạ lây

 

Khi các thị trường trọng yếu là châu Âu, Nhật, Trung Đông, Nga hay Úc gặp khó khăn, tức các mắt xích liên kết kích thích nền kinh tế Mỹ trở nên rất yếu ớt. Có một thực tế là nền kinh tế Mỹ dễ bị tổn thương khi các nền kinh tế đối tác có vấn đề. Xuất khẩu chiếm đến 14% tổng cơ cấu của nền kinh tế. Việc tự cô lập nền kinh tế quốc gia để né suy thoái từ nước ngoài sẽ không phải là một lựa chọn đúng đắn cho Mỹ trong năm 2015.

 

Mỹ còn đối mặt với một vấn đề rất lớn về nợ trong nước. Nguy cơ trước mắt chính là sự suy sụp của ngành dầu khí đá phiến khi các nhà đầu tư ồ ạt vay vốn ngân hàng vượt định mức. Tất nhiên khi các nhà khai thác đua nhau cung cấp dầu khí cho thị trường, giá dầu sẽ giảm và có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, lợi ích ấy sẽ không thể diễn ra nếu “giá dầu giảm” đến từ việc hy sinh chịu phá sản của những nhà đầu tư - vay vốn suốt năm năm qua nhưng giá dầu giảm mạnh nên không có chút lợi nhuận nào, nếu không muốn nói là tăng trưởng âm trầm trọng. Ông chủ “các giếng dầu” của Mỹ gặp nạn cũng có nghĩa là hệ thống ngân hàng (người cho vay) và thị trường trái phiếu sẽ chịu thêm áp lực ngày càng lớn. Điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng “cho vay dưới chuẩn” ngành dầu khí. Điều này dường như tương tự khủng hoảng vay dưới chuẩn ngành bất động sản (tức chính sách cho vay quá dễ đối với nhà đầu tư) - nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng kinh tế vào năm 2008.

 

Cho đến hiện nay thị trường chứng khoán tăng mạnh là biểu hiện hiếm hoi của một nền kinh tế đang hồi phục. Nhiều chuyên gia nhận định thị trường cổ phiếu, trái phiếu ở phố Wall đang tăng trưởng vượt mặt so với sự phục hồi chậm chạp nhất của nền kinh tế trong lịch sử Mỹ. Nhiều người hy vọng rằng “chút ánh sáng” le lói này sẽ chứa đựng “sức mạnh thần kỳ” giúp Mỹ đảo ngược tình thế, vượt qua những khó khăn từ các thị trường lớn bên ngoài.

 

Một cách tổng thể, Peter Cooper nhận định sự giảm của nền kinh tế của Mỹ trong năm 2015 có thể sẽ không lớn như nhiều quốc gia khác trên thế giới phải đối mặt. Tuy nhiên, thị trường tài chính của Mỹ trong năm 2015 có lẽ sẽ “thê thảm” hơn rất nhiều. “Tôi không có ý định đưa ra bất kỳ số liệu nào chứng minh những suy đoán của mình, hay nói chính xác khi nào sự khủng hoảng sẽ xảy ra trong năm 2015. Tuy nhiên, người Mỹ đã và đang đối diện với một cuộc đại suy thoái, mở ra một thế giới 2015 đầy ảm đạm” - Peter Cooper khẳng định.

 

 Cuộc chiến nội bộ sẽ ghìm Mỹ xuống?

 

Tạp chí Forbes (Mỹ) nhận định thách thức của Mỹ không chỉ là hồi phục lại nền kinh tế như trước đây mà còn là phục hồi lại công thức tăng trưởng bền vững mà nước này từng có. Việc thị trường chứng khoán tăng mạnh nhưng lại tăng quá nhanh có thể dẫn đến nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, những trận chiến “chưa biết kết quả” giữa Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát và chính phủ Mỹ do Tổng thống Obama đứng đầu trong năm 2015 sẽ là thách thức lớn cho những chính sách cải tổ nền kinh tế. Hai “thái cực” của Mỹ hiện đang đối đầu ở hàng loạt chính sách liên quan đến ngân sách tài khóa năm 2016 (sẽ bắt đầu từ tháng 10-2015), chính sách nhập cư, y tế và giáo dục.

 

Theo Đại Thắng

Pháp Luật TPHCM
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *