Trung Quốc không dễ "cắt đứt" thương mại song phương với Việt Nam

Bài toán lớn nhất của tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau là phải tối đa hóa độc lập chủ quyền, nhưng đồng thời cũng phải tối đa hóa sự phát triển.

Tại Hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” diễn ra vào sáng 3/7 do VCCI tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần phải cẩn trọng, xem xét lại tất cả các mặt, cần thiết có những điều chỉnh nhất định trong chính sách, quan hệ kinh tế với Trung Quốc để giảm bớt rủi ro. 


Theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bài toán lớn nhất của tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau là phải tối đa hóa độc lập chủ quyền, nhưng đồng thời cũng phải tối đa hóa sự phát triển.

“Hội nhập chắc chắn có rủi ro, nhưng rủi ro lớn nhất là không hội nhập. Do đó, hội nhập là tất yếu nhưng phải hội nhập như thế nào phải có sự phù hợp với nhân loại, với những gì đã cam kết” – ông Thành nói.

“Rủi ro khi hội nhập thì rất nhiều” – ông Võ Trí Thành khẳng định. Ông lấy ví dụ như việc tham gia WTO và các hiệp định thương mại quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối diện chống bán phá giá. Ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng về tài chính, sự chuyển dịch bất thình lình của dòng vốn hay có thể là rủi ro xuất khẩu vào thị trường suy thoái… Như tình hình biển Đông hiện nay, cũng là một dạng rủi ro.

Về kinh tế Trung Quốc, ông Thành nhìn nhận ở 3 điểm. Thứ nhất, Trung Quốc hiện là một quốc gia đang trỗi dậy, một nền kinh tế lớn và hấp dẫn. Hấp dẫn đến mức “không thể không chơi””. Vì vậy có thể thấy ‘chơi’ với Trung Quốc vừa là cơ hội nhưng cũng rất nhiều thách thức.

Thứ hai, Trung Quốc là quốc gia phát triển nhưng chưa đến đỉnh. Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn chấp nhận luật chơi mà các nước phát triển đề ra mà muốn tự tạo luật chơi riêng theo cách của mình.

Thứ ba, thế giới muốn Trung Quốc phát triển một cách văn minh, đóng vai trò nước lớn, nhưng cũng rất lo ngại chính sách bá quyền của nước này.

Quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc hiện tại là khá sâu. Nhưng theo ông Thành, mặc dù Trung Quốc bắt đầu có những hành động không đẹp, nhưng không dễ ồ ạt gây hấn cắt 100% thương mại song phương với Việt Nam. Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế hiện nay không còn là quan hệ song phương mà là đa phương. Do đó, Trung Quốc không dễ xóa bỏ các hiệp định, cam kết quốc tế. Bản thân Trung Quốc phải giữ hình ảnh với thế giới khi chính họ cũng đang phụ thuộc thế giới, nếu hình ảnh xấu đi thì Trung Quốc cũng chịu thiệt hại.

Ông Thành cho rằng, trong điều kiện hiện nay đang là cơ hội cho Việt Nam đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế và hội nhập sâu rộng. “Chúng ta cần đấu tranh cả về pháp lý nhưng đồng thời cũng yêu cầu tính linh hoạt, uyển chuyển của thị trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy nhanh ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là hiệp định Việt Nam-EU và TPP” - ông Thành nói.

Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, Việt Nam “đang có và sẽ tiếp tục quan hệ với Trung Quốc với tư cách nền kinh tế thứ hai và là công xưởng của thế giới”. Để thực sự độc lập tự chủ, trong cuộc chơi kinh tế với thế giới, Việt Nam cần phải giữ chữ tín, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Do đó, sức mạnh nội lực của Việt Nam là rất quan trọng.

Ông cũng cho rằng, với các dự án có nhà đầu tư Trung Quốc tham gia, lợi ích nhóm chi phối mạnh trong khi “Trung Quốc là bậc thầy của ‘lại quả’”. Theo ông Doanh, việc để lợi ích nhóm chi phối trong các dự án có nhà đầu tư Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng có “quá nhiều sơ hở không đáng có dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc”. Theo đó, ông cho rằng cần sửa đổi, bổ sung luật Đấu thầu và các luật có liên quan (như về cho thuê rừng và đất rừng) để giảm mối lo ngại rủi ro này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng “Việt Nam phụ thuộc khá nặng vào xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong một số lĩnh vực, nhập siêu liên tục tăng cao. Lợi ích thương mại rơi phần lớn vào tay Trung Quốc, kể cả trong xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới".

Bà Lan cho biết, Trung Quốc chiếm 20% tổng thương mại của Việt Nam (24% của Hàn Quốc, 40% của Đài Loan). Trung Quốc là thị trường 25% nhập khẩu, 10% xuất khẩu của Việt Nam.

Theo bà Lan, sản xuất của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc do: 70% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng công nghiệp phụ trợ và máy móc; nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu cây – con giống,  phân bón, thức ăn gia súc; một số sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc với tỷ trọng cao (gạo, cao su, trái cây); nhiều dự án lớn do Trung Quốc làm tổng thầu, cung cấp từ A-Z; buôn lậu quy  mô lớn, nhiều hoạt động chui của người Trung Quốc ở Việt Nam không kiểm soát được.

Theo ý kiến chung của nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện nhiều ngành sản xuất tại hội thảo, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày nay, sự phụ thuộc của các nền kinh tế là không tránh khỏi, nhất là Việt Nam lại quá gần với một nền kinh tế lớn như Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia đề nghị phải cẩn trọng, xem xét lại tất cả các mặt, cần thiết có những điều chỉnh nhất định trong chính sách, quan hệ kinh tế với Trung Quốc để giảm bớt rủi ro.

Trong đó, có các đối sách cụ thể đã và đang ráo riết được triển khai như chủ trương đa dạng hóa thị trường, bao gồm cả thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu. Hiện nay chúng ta đã ký 8 hiệp định thương mại tự do FTA với nhiều quốc gia. Hiện đang tích cực đàm phán TPP với một loạt nước trong đó có Mỹ, Nhật, Hàn Quốc; đang đàm phán FTA với Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan và FTA với EU. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường nội địa…

Theo N.P

Diễn đàn doanh nghiệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *