HSBC: Việt Nam cải cách với "hai bước tiến và một bước lùi"

FICA - Theo đánh giá của HSBC, con đường tư nhân hóa tại Việt Nam còn lòng vòng khi phần lớn các công ty cổ phần hóa nhỏ, số lượng các công ty quốc doanh lớn vẫn áp đảo.

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam với tiêu đề "Thời của tư nhân hóa?" phát hành ngày 2/7/2014, HSBC đánh giá, con đường tới thịnh vượng của nền kinh tế còn nhiều bất ổn.

Trong báo cáo này, nhóm nghiên cứu đã cố gắng loại bỏ những nhầm lẫn đối với những nỗ lực tư nhân hóa của Việt Nam và phân tích vai trò của nhà nước trong đầu tư, sản lượng và các khu vực khác. Đồng thời, xem xét các biện pháp được thông qua để cải tổ đầu tư công, các công ty quốc doanh và lĩnh vực ngân hàng. Cải cách ngân hàng, sáp nhập và các nỗ lực tư nhân hóa cũng được xem xét. Cuối cùng là một danh sách các dự án tư nhân hóa sắp diễn ra. 
 
Báo cáo đánh giá, Việt Nam hầu như đã thành công trong việc tư nhân hóa các công ty nhà nước. Số lượng các công ty nhà nước giảm từ 12.000 năm 1996 xuống còn ít hơn 1.000. Thủ tướng đặt ra kế hoạch cổ phần hóa 432 công ty quốc doanh vào năm 2015. Thậm chí Tổng Công ty đầu tư vốn nhà nước (SCIC), một công ty đầu tư của nhà nước, cũng được chỉ định giảm danh mục đầu tư xuống còn ít hơn 100 công ty từ số lượng 376 công ty hiện tại. Phần đóng góp của khu vực nhà nước trong GDP giảm xuống còn 32,2% của GDP trong năm 2013 từ mức 40% năm 1996. 

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, những kết quả này vẫn cho thấy con đường tư nhân hóa còn lòng vòng. Phần đóng góp của khu vực nhà nước trong GDP giảm chủ yếu do hoạt động không hiệu quả dẫn tới tăng trưởng trì trệ hơn so với những khu vực hiệu quả hơn như các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Phần lớn các công ty cổ phần hóa nhỏ, trong khi số lượng các công ty quốc doanh lớn vẫn chiếm phần áp đảo trong nền kinh tế. Các công ty hàng đầu của Việt Nam vẫn là các công ty nhà nước. 

Tháng 11/2013, Quốc hội đã bỏ phiếu nhằm sửa đổi hiến pháp để khẳng định vai trò chủ đạo của cơ quan nhà nước đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo quan sát của HSBC, trong khi sản lượng sản xuất của các công ty nhà nước suy giảm, có hai xu hướng đáng lo ngại diễn ra kể từ khi bắt đầu tư nhân hóa các công ty nhà nước năm 1992: Một là, đầu tư của các công ty nhà nước tăng mạnh mẽ đến mức cao nhất chiếm 60% tổng giá trị đầu tư sản xuất trong năm 2001; hai là, trong những năm gần đây phần đầu tư trong nước tăng tính theo phần trăm của tổng đầu tư nhà nước. 

Vị trí chủ đạo của đầu tư nhà nước đã bị đảo ngược kể từ những năm 2000. Trong khoảng từ 2009 đến 2010, có nhiều bằng chứng thể hiện sự suy giảm vị trí đó nhưng phần đầu tư nhà nước trên tổng giá trị đầu tư vẫn chiếm một phần lớn đến 38%. Sản lượng sản xuất của các công ty nhà nước đạt 32,6% trên tổng sản lượng nhưng lại sử dụng đến 37,8% tổng vốn đầu tư. Điều này cho thấy kết quả quan trọng của việc tự do hóa nền kinh tế khi vào năm 2001, khối công ty nhà nước đóng góp 38% trong tổng sản lượng sản xuất nội địa nhưng lại sử dụng đến 60% tổng vốn đầu tư. 

Về mặt tích cực, chúng ta kỳ vọng phần đầu tư của nhà nước sẽ tiếp tục giảm và các công ty quốc doanh không hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho các công ty quốc doanh có năng suất cao hơn và khu vực kinh tế tư nhân được phát triển mạnh. Điều lo ngại thứ hai là các khoản đầu tư nội địa lãng phí. Rất nhiều khoản đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng công cộng vẫn chưa mang lại lợi ích thiết thực đối với kế hoạch công nghiệp hóa đến năm 2020. Điển hình là việc đầu tư vào nhiều công trình cảng biển nước sâu trong khi kết nối đường bộ đóng vai trò quan trong hơn để tháo gỡ tắc nghẽn hậu cần cho những ngành xuất khẩu chính như dệt may, tôm và cà phê. 
 
Tới thời điểm này, theo nhận định của HSBC, cải cách, do Bộ Tài chính dẫn dắt, đang được tiến hành để quản lý lại khu vực đầu tư công đang lãng phí, đặc biệt là đầu tư trong nước. Các cải cách cũng phải giảm đầu tư của khu vực nhà nước, chừa chỗ cho các chi tiêu của chính phủ vào cơ sở hạ tầng có tính thiết thực hơn. 
 
Chính phủ nhận ra rằng đầu tư công không hiệu quả, các doanh nghiệp quốc doanh, và ngân hàng là những mắt xích còn thiếu để thúc đẩy Việt Nam tiến hành công nghiệp hóa một cách nhanh chóng. Thế nhưng, theo nhóm nghiên cứu, cải cách một cách nhanh chóng cũng dẫn tới các chi phí chính trị cao. Từ góc độ nhà nước, trong ngắn hạn, có nhiều thứ để mất, từ doanh thu, sự ổn định chính trị, cho tới quyền sở hữu, và lại không có gì nhiều để bù lại. Do đó, cải cách ở Việt Nam đã được tiến hành với hai bước tiến và một bước lùi - báo cáo của HSBC đánh giá. 


Một ví dụ rõ ràng là cải cách lĩnh vực ngân hàng. Nợ xấu gia tăng là một trong những nguyên nhân chính hệ thống ngân hàng không thực hiện được vai trò của một nhà cho vay chính trong nền kinh tế. Vấn đề là phạm vi chật hẹp trong đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể quản lý hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng cổ phần. 

NHNN đang gia tăng khả năng giám sát của mình thông qua Quyết định 254, song song với đó là ban hành Nghị định 53 để thiết lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) để mua nợ xấu từ các ngân hàng. Trong khi NHNN thành công trong việc xác định các ngân hàng yếu và mạnh, thúc đẩy sự sát nhập các ngân hàng yếu, mua nợ từ các ngân hàng, ổn định tiền đồng, và gia tăng dự trữ ngoại hối, NHNN lại chưa đủ độc lập để tiến hành cải cách nhằm giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực tài chính. 

Ví dụ Thông tư 02 đã bị trì hoãn từ năm 2013 sang năm nay nhưng báo chí đã đưa tin các biện pháp chủ chốt sẽ được tiến hành để tránh gia tăng tỷ lệ nợ xấu. Nhìn về tổng thể, cải cách lĩnh vực ngân hàng còn trì trệ với nợ xấu vẫn chưa được giải quyết.

Tuy nhiên, bên cạnh thử thách về nợ xấu, HSBC vẫn tin rằng NHNN đã đạt được những tiến bộ tích cực, đặc biệt trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng năng lực thể chế. Về một mặt, nợ xấu gia tăng bắt buộc NHNN phải nâng cao khả năng giám sát hệ thống tài chính và củng cố lĩnh vực ngân hàng. Sẽ còn có những sáp nhập mặc dù vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào việc sát nhập các ngân hàng yếu có thể tạo ra một ngân hàng mạnh. NHNN đã tập trung nhiều hơn vào việc duy trì giá cả, tỷ giá và hệ thống tài chính ổn định hơn là vào việc đạt các chỉ tiêu tăng trưởng do chính phủ giao. Nếu NHNN áp dụng một cách tiếp cận từ từ, thì vẫn còn chưa rõ làm thế nào Việt Nam có thể giải quyết vấn đề nợ xấu. 
 
Thị trường rất trông đợi ở mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp quốc doanh mà Thủ tướng Chính phủ tuyên bố. "Nhưng những nhà quan sát Việt Nam cũng học được cách kiềm chế sự phấn khích vì trong quá khứ, cổ phần hóa đã được mô tả là rất thận trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà các nhà đầu tư quan tâm nhất" - HSBC nhận xét. 

Từ Nghị quyết 15, cho phép các công ty quốc doanh bán các lĩnh vực kinh doanh không trọng tâm theo giá thấp hơn giá sổ sách, tới Nghị định 201, củng cố trật tự của các công ty quốc doanh, số lượng rất nhiều các Nghị định và Thông tư để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa và quản trị các công ty quốc doanh bao gồm cả những nghị định chưa thông qua, tăng sở hữu nước ngoài từ 49% lên 60% đã làm gia tăng hy vọng rằng chính phủ đang tạo nền tảng cho quá trình tư nhân hóa quan trọng của các công ty quốc doanh. 

Gần đây nhất, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 631, bao gồm 127 dự án quốc gia kêu gọi đầu tư trước năm 2020. Các dự án đáng kể bao gồm: Nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong (8 tỷ USD), sân bay quốc tế Long Thành (5,6 tỷ USD), đường sắt Biên Hòa Vũng Tàu 120km (5 tỷ USD), đường cao tốc Ninh Bình tới Thanh Hóa và Thanh Hóa tới Nghi Sơn (1,9 tỷ USD), đường tốc hành Biên Hòa Vũng Tàu dài 78km (1,2 tỷ USD), đường Nội Bài Hạ Long dài 148km (1,8 tỷ USD), nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội TP Hồ Chí Minh (2,3 tỷ USD). 
 
Theo HSBC, Việt Nam đang đi đúng hướng để cải thiện quản trị, nâng cao năng lực thể chế và xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại và đầu tư. Và trong vòng 2 năm tới, các cải cách sẽ diễn ra một cách từ từbao gồm cả quá trình tư nhân hóa. 

Theo đó, điều lạc quan nhất là Chính phủ đang xây dựng một khung làm việc để tự do hóa nền kinh tế, nếu không nói là một thử nghiệm. Các lĩnh vực như điện và hậu cần được tự do hóa một cách chậm chạp. Nhưng nhà nước sẽ có thể duy trì cổ phần chính trong các lĩnh vực chiến lược. Tuy nhiên nhà nước cũng đang giảm các đầu tư lãng phí và giảm tổng đầu tư của mình, để các khu vực kinh tế khác được phát triển như khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài. 

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *