Tăng 15,1% lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp lo lắng

Phản ứng trước thông tin lương tối thiểu vùng 2015 tăng 15,1%, nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra lo lắng.

Ngay sau khi Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất phương án tăng mức lương tối thiểu vùng 2015 tối đa 15,1%, nhiều doanh nghiệp và người lao động đã có những phản ứng khá khác nhau. Trong khi công nhân vui ít thì doanh nghiệp lại lo lắng nhiều hơn.

Đối với những người chưa xây dựng gia đình như chị Nguyễn Hồng Mến - công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long thì mức lương hơn 3 triệu/tháng nếu chi tiêu tiết kiệm vẫn đủ sống: "Với mức lương tăng thêm 15% là được 3 triệu 100 nghìn đồng thì tôi thấy là vừa đủ so với mức lương hiện tại. Nhưng đối với những gia đình có con nhỏ thì đời sống bây giờ nhiều khó khăn sẽ không đủ sống nên cần tăng thêm nữa. Đối với tôi, mức lương như thế là tạm đủ thôi."

Tăng lương tối thiểu, công nhân vui ít, doanh nghiệp lo nhiều. (Ảnh minh họa: Sa Oanh)

Tuy nhiên, với những cặp vợ chồng công nhân đã có từ 1 đến 2 con thì bày tỏ niềm vui với việc tăng lương nhưng cho biết vẫn còn không ít khó khăn trong cuộc sống. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, công nhân làm việc tại khu công nghiệp Quang Minh và chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, tăng lương là một dấu hiệu đáng mừng nhưng dù tăng thêm 300 đến 400 nghìn đồng/tháng thì vẫn chưa cải thiện được mức sống tối thiểu của người lao động:

Anh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Nếu mức lương như vậy thì vẫn không đủ. Vì vợ chồng tôi có 2 con nhỏ, cháu lớn 5 tuổi đang học mẫu giáo lớn, cháu nhỏ mới 1 tuổi. Một mình tôi đi làm, lương thấp như vậy thì không thể đủ chi tiêu, đấy là gia đình tôi ở đây, không phải thuê trọ. Thi thoảng chật vật vẫn phải đi vay."

Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ sự đồng với việc tăng lương tối thiểu hàng năm. Tuy nhiên, theo ý kiến của các doanh nghiệp, trong điều kiện hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn, việc tăng lương sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty may Hưng Yên cho biết: Công ty may Hưng Yên có 2000 lao động, nếu tăng thêm 15,1% tiền lương tối thiểu vào năm 2015 thì mỗi năm công ty phải nộp thêm 3 tỷ đồng, người lao động phải nộp 1,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm và quỹ công đoàn.

Như vậy, doanh nghiệp sẽ giảm lợi nhuận 3 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp kinh doanh không có lãi sẽ lỗ thêm 3 tỷ đồng. Theo ông Dương, tăng lương cũng là một vấn đề có thể nói là làm khó cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có năng suất chưa cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương. Để đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động cũng như doanh nghiệp, ngoài vấn đề tăng lương tối thiểu, Nhà nước cần chú trọng đến việc làm thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp làm ăn có lãi, phát triển bền vững:

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết: "Hiện nay, năng suất lao động của chúng ta quá thấp nên nếu như tăng lương như thế này mà không cho các điều kiện để người lao động tăng giờ sản xuất lên sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Nếu nhìn ra nước ngoài như Nhật Bản, họ cho phép người lao động làm thêm giờ (1 năm có thể làm thêm 720 giờ). Tại sao ở Việt Nam lại không cho phép người lao động làm thêm để cải thiện đời sống cho họ, để tăng tiền lương cho họ. Đây là một cách giải thoát cho doanh nghiệp, trong khi hiện nay nhu cầu được làm thêm giờ của các lao động là rất lớn."/.

Theo Kim Thanh
VOV
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *