Thời sự 10/04/2020 12:20

Thủ tướng: Không có biện pháp mạnh mẽ thì nền kinh tế dễ bị “đổ gãy”!

Đó là cảnh báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay (10/4). Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế.

Cần biện pháp mạnh

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dịch Covid-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nước, các đối tác lớn của chúng ta đều bị ảnh hưởng rất trầm trọng.

Nhiều nước được dự báo gặp suy thoái kinh tế, kể cả Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) nếu dịch không sớm kết thúc. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng Giám đốc IMF, WB, các hãng xếp hạng tín nhiệm cảnh báo thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái toàn cầu.

Kinh tế thế giới có thể mất tới hơn 5.000 tỷ USD. Tổ chức Fitch gần đây dự báo trong năm 2020, tăng trưởng GDP toàn cầu âm 1,9%, Mỹ âm 3,3%, EU âm 4,2%, Hàn Quốc 0,2%, Trung Quốc chỉ tăng trưởng trên 1,5%... So với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 thì lần này thế giới khó khăn hơn nhiều.

“Một cú sốc toàn cầu, một cuộc suy thoái đang diễn ra nghiêm trọng nếu như dịch tiếp tục lan ra.Trong bối cảnh đó, tất cả các nước trên thế giới gần như đều đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp mạnh để kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay” - Thủ tướng cho biết.

Đối với Việt Nam, Thủ tướng khẳng định nước ta có độ mở nền kinh tế cao, dịch COVID-19 tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong quý I, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, đây là mức tăng cao nhất khu vực.

Trước hết, các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng.

Thủ tướng: Không có biện pháp mạnh mẽ thì nền kinh tế dễ bị “đổ gãy”! - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh: VGP)

Thủ tướng nêu rõ, những vấn đề như vậy đặt ra cấp bách đối với nước ta, thời gian tới rất hệ trọng, mang tính sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh và phần lớn các loại hình doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế xã hội, kể cả bất ổn xã hội.

“Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển” - Thủ tướng cảnh báo và cho rằng hội nghị hôm nay là hội nghị “4 trong 1” hay có thể gọi là “tất cả trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh Covid-19; đồng thời nỗ lực vươt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nhiệm vụ của chúng ta là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Không chỉ có vậy, phải làm sao biến nguy thành cơ, sau dịch Covid-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Kịch bản "vực dậy" nền kinh tế

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch, đồng thời phác thảo kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tác động của dịch Covid-19 cộng hưởng với đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới. Với Việt Nam, tác động của dịch là rất nghiêm trọng. GDP quý I ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ - thấp nhất từ năm 2011 tới nay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%.

Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỷ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do “cầu” của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hướng đầu tư an toàn hơn.

Về những việc cần triển khai ngay trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh chưa nghiên cứu thành công vaccine và thuốc điều trị thì khả năng thời điểm kết thúc dịch của các quốc gia là rất khác nhau.

Một số quốc gia có thể kiểm soát sớm được dịch, nhưng chỉ cần một vài quốc gia còn dịch thì chính sách phòng vệ vẫn còn tiếp tục, việc phục hồi nhanh nền kinh tế trở lại như thời điểm trước dịch vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có các giải pháp mạnh hơn hỗ trợ nền kinh tế.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.

Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tiếp tục giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung giảm các loại phí, giá dịch vụ; mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất... Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thương mại trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực. Giải quyết nhập cảnh cho chuyên gia, cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật... theo đúng quy định.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *