Thời sự 09/04/2020 21:04

Covid-19 “càn quét”, kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp nhất 10 năm qua

Do đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội nên tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2020 của Việt Nam chỉ đạt 3,82%. Đây là mức tăng thấp nhất 10 năm qua.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3, trong đó nhấn mạnh dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta.

Do đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, GDP quý I/2020 đạt 3,82%, mức tăng thấp nhất 10 năm qua. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới đây là mức tăng trưởng khá, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Kinh tế vĩ mô giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát...

Quan điểm của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành là luôn coi sức khỏe, tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu, quyết tâm ngăn chặn, kiểm soát không để dịch bệnh Covid-19 bùng phát; bảo đảm an sinh xã hội, nhu cầu sống tối thiểu của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người mất việc làm.

Chính phủ tiếp tục kiên trì, nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời tận dụng thời cơ, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục hồi, bứt phá ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.

Covid-19 “càn quét”, kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp nhất 10 năm qua - 1

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua

Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhất là các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời khẩn trương thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã.

Nắm chắc tình hình, kiểm soát chặt chẽ lạm phát

Nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh, các bộ, cơ quan quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tiếp tục nắm chắc tình hình, chủ động phương án, kịch bản điều hành, kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo mục tiêu đề ra, kiên quyết giảm giá thịt lợn, miễn giảm chi phí thủ tục hành chính để chia sẻ với người dân và doanh nghiệp, không tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, nhất là đối với các dự án trọng điểm, quy mô lớn. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư của các dự án giải ngân chậm; xử lý nghiêm các trường hợp làm chậm, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ; chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-TTg, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp với nhu cầu vốn của nền kinh tế, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các đối tượng chính sách, ưu tiên; đảm bảo thanh khoản cho nhu cầu tín dụng và thanh toán của người dân, doanh nghiệp; duy trì hoạt động giao dịch ngân hàng an toàn, thông suốt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các kịch bản phù hợp với diễn biến tình hình, có giải pháp ứng phó kịp thời, nhất là những giải pháp đột phá khi dịch bệnh được ngăn chặn;

Sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ tổng thể, trong đó bổ sung vốn đầu tư cho các dự án thiếu vốn, đầu tư cho các công trình xã hội, nhất là nhà ở xã hội.

Khẩn trương ban hành chính sách giãn, hoãn thuế, phí

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đặc biệt chi thường xuyên, không bố trí chi cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết, hạn chế chi tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài; quản lý chặt chẽ dự phòng ngân sách nhà nước, ưu tiên cho công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xem xét các khoản vay cho cân đối ngân sách từ các tổ chức tài chính quốc tế, đáp ứng nhu cầu đầu tư, phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội. Chủ trì, phối hợp Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là đối với những mặt hàng phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan đánh giá đầy đủ hiện trạng và dự báo cung cầu gạo để có phương án bảo đảm lương thực cho xuất khẩu, tiêu dùng và dự trữ; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 theo đề xuất của Bộ Công Thương.

Bảo đảm an ninh lương thực

Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan có các giải pháp đồng bộ để bình ổn giá thịt lợn, đẩy mạnh tái đàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu phù hợp; sớm gỡ thẻ vàng của EU đối với thủy sản.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, có giải pháp phòng ngừa trục lợi chính sách. 

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *