Thời sự 13/03/2020 22:38

Thiết kế chính sách trong thời buổi dịch bệnh Covid ra sao?

Câu hỏi quan trọng là Chính phủ các nước, bao gồm Việt Nam, sẽ đưa ra biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh lây lan mạnh mẽ, căng thẳng thương mại chưa chấm dứt và xung đột địa chính trị âm ỉ.

Hiện nay, ngày càng nhiều tổ chức điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung với biên độ dao động lớn và theo chiều hướng đi xuống.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), điều này thể hiện hai đặc điểm kinh tế-xã hội, gồm 1) Độ bất định lớn và 2) Triển vọng kinh tế xấu đi.

Câu hỏi quan trọng là Chính phủ các nước, bao gồm Việt Nam, sẽ đưa ra biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh lây lan mạnh mẽ, căng thẳng thương mại chưa chấm dứt và xung đột địa chính trị âm ỉ.

Cập nhật về điều hành chính sách tại các quốc gia trên thế giới, VDSC đã đề cập đến Trung Quốc, nơi khởi nguồn của hai dịch bệnh liên tiếp, dịch tả lợn Châu Phi (AFC) và dịch cúm nCoV-2019. Cùng với ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại với Mỹ, kinh tế Trung Quốc đang bị suy kiệt với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2019 chỉ đạt 6,1% so cùng kỳ, mức thấp nhất trong 30 năm qua.

Trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế nước này dự báo khó đạt được con số 6% và khả năng sẽ có sự điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào kỳ họp thường niên Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc.

Theo sau đó là Thái Lan, nơi ghi nhận những biến cố thay đổi chính trị liên tục trong 5 năm trở lại đây cùng mức tăng trưởng kinh tế “lẹt đẹt”.

Trong 2020, tăng trưởng kinh tế Thái Lan dự báo ở mức 2,2% song cùng kỳ, cách khá xa so với mức 3-5% trong giai đoạn 2017-2019. Điều này cũng giải thích một phần diễn biến mất giá 3,4% YTD của đồng Bath kể từ đầu năm.

Với sự sụt giảm mạnh trong tăng trưởng kinh tế cùng triển vọng u ám, việc giảm lãi suất điều hành, tác động mạnh trên mọi phương diện, là điều cần thiết để hỗ trợ khu vực tư nhân và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, Malaysia và Đài Loan được dự báo sẽ đưa ra những gói chính sách hỗ trợ nhắm vào một số nhóm ngành cụ thể chịu tác động mạnh từ dịch cúm Covid-19, thay vì cắt giảm lãi suất điều hành trên diện rộng.

Cụ thể, Đài Loan công bố kế hoạch chi 2 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt lĩnh vực vận tải và du lịch với các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp tổ chức tour du lịch hay giảm thuế cho các hãng vận tải. Nguồn thu từ lĩnh vực du lịch ở mức 30 tỷ USD, tương đương 2% tổng quy mô nền kinh tế Đài Loan trong năm 2019.

Tại Malaysia, dự kiến ngày 27/02 tới, Chính phủ nước này sẽ công bố gói kích cầu tập trung vào 03 lĩnh vực trọng yếu, hàng không, bán lẻ và du lịch.

Trở lại Việt Nam, theo VDSC, sự thận trọng là cốt yếu trong thiết kế chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tránh vội vàng đưa ra những điều chỉnh lớn với tác động trên diện rộng.

Việc huy động hệ thống ngân hàng giúp duy trì dòng tiền của doanh nghiệp và gói hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong các lĩnh vực cụ thể, vận tải, du lịch và nông nghiệp, là điều cần thiết để hạn chế tối đa rủi ro về “hiệu ứng domino”.

Trong bối cảnh hiện tại, các dự báo kinh tế thiếu tính đồng nhất và dao động trong biên độ lớn do các giả định đều đặt ra dựa trên khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Dư địa cắt giảm lãi suất vẫn còn nhưng thời điểm có lẽ sẽ diễn ra trong quý 2 khi các mô hình dự báo kinh tế được cập nhật các dữ liệu thực tế nhằm đánh giá quá trình tái sản xuất tại Trung Quốc và tác động lan tỏa tới nền kinh tế các nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam.

Trong thế giới có tính kết nối cao hiện tại, sợi dây tác động liên thông đa chiều giữa Trung Quốc với các nước khác (Spillover), giữa các nước đó với nhau (Spillins), và tác động ngược trở lại Trung Quốc (Spillbacks).

Dù ở bất cứ sợi dây nào, Việt Nam cũng thuộc nhóm nước chịu ảnh hưởng hàng đầu. Do đó, chuyên gia VDSC cho rằng, đặt ra chính sách tiền tệ ổn định hỗ trợ dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế cùng chính sách tài khóa mở rộng hướng vào lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng được xem là giải pháp khả dĩ tại thời điểm này.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự , Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *