Thời sự 13/12/2013 07:45

Thất thu từ các giao dịch giả hiệu

Hóa đơn, đặc biệt là hóa đơn GTGT là sự quan tâm của hàng trăm nghìn DN, cơ quan quản lý... bởi nó liên quan đến toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của DN và quá trình quản lý thu của cơ quan thuế các cấp. Tuy nhiên, các giao dịch giả hiệu đã và đang gây thất thu lớn ngay từ hóa đơn - phương thức quản lý thuế của các cơ quan chức năng.

 

Hóa đơn không phải là “hàng hóa” để mà “mua – bán”

Về mặt dân sự, hóa đơn thanh toán nói chung, hóa đơn GTGT nói riêng thể hiện mặt hình thức của một giao dịch thương mại, mua bán, cung ứng hàng hóa giữa các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Đối với Nhà nước, việc nắm bắt (hay quản lý) sẽ thông qua tác động bằng các quy phạm pháp luật để mọi thành viên trong xã hội tuân thủ. Hóa đơn thể hiện mặt hình thức của giao dịch, nên nó cần và phải thể hiện được nội dung ẩn chứa thực chất đằng sau các giao dịch đã diễn.

Không phải là hàng hóa

Về mặt bản chất, hóa đơn GTGT được bên bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ xuất cho bên mua khi có giao dịch thực tế xảy ra, trong đó đã có phần nghĩa vụ thuế GTGT nộp cho Ngân sách nhà nước mà bên mua trả, thông qua bên bán thu hộ để nộp cho Nhà nước theo quy định của pháp luật thuế. Chính vì vậy, hóa đơn không phải là “hàng hóa” để mà “mua – bán”. Nếu không xảy ra thực chất các giao dịch mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà vẫn có hóa đơn GTGT được phát hành, lưu hành thì đó là những giao dịch giả hiệu. Những hóa đơn này đã bị vô hiệu theo Điều 129 Bộ Luật dân sự 2005 quy định về “Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo”.

Về mặt hình sự, những hành vi của “bên bán” và “bên mua” hóa đơn GTGT đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự về hành vi được quy định tại điều 164 a, 164 b của Bộ Luật Hình sự 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009…

Cần phải đẩy các giao dịch giả hiệu này về chính thời điểm hành vi mua – bán” hóa đơn GTGT phát sinh để kịp thời xử lý, ngăn chặn, cảnh báo kịp thời sai phạm và tội phạm.

Về mặt hình thức, hóa đơn - thể hiện mặt hình thức của giao dịch cần được ban hành sao cho khoa học, giản tiện.  Đồng tình với tác giả Hải Lê trong bài viết đăng tải trên DĐDN số ra ngày Thứ tư, 04/12/2013, trang 12 “hóa đơn GTGG – Lằn ranh... gạch chéo” liên quan đến đường “gạch chéo” trên hóa đơn, chỉ cần kết thúc bằng dòng “- HET -” thay cho quy định về gạch chéo trên hóa đơn sẽ quy chuẩn hóa cách gạch chéo hiện nay vốn chỉ mang tính ước lệ và thủ công đã diễn ra từ 15 năm nay, gây khó khăn cho việc phát hành, sử dụng hóa đơn. Đó có thể xem là một sáng kiến khá hữu ích, là cách để giản tiện “mặt hình thức” hàng tỷ giao dịch này trong 1 năm.

Bản chất của hóa đơn

Về mặt bản chất, hóa đơn GTGT liên quan đến nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế phải nắm được thực chất các thông tin về giao dịch của các đối tượng quản lý: đối tượng giao dịch là ai?, các giao dịch có thực sự diễn ra hay không?… Những câu hỏi này đặt ra trách nhiệm của cơ quan thuế thông qua việc kiểm soát thực sự dòng tiền của bên bán, bên cung ứng dịch vụ và cả của bên mua, bên được cung ứng dịch vụ. Dòng lưu chuyển tiền tệ này ví như “dòng nước”, DN “mua - bán” hóa đơn GTGT sẽ “bốc mùi”, không trong xanh như “dòng nước” của những DN có giao dịch thực sự, có hoạt động thực sự. Cũng chính từ đây, cơ quan thuế có thể loại bỏ toàn bộ các giao dịch giả hiệu ngay từ thời điểm giao dịch này phát sinh.

Khoảng thời gian kể từ thời điểm giao dịch giả hiệu hoàn thành đến khi cơ quan thuế, cơ quan công an… phát hiện ra có thể là vài ngày, vài tháng hay vài năm? thậm chí không phát hiện ra? Và số tiền thuế GTGT bị các đối tượng này lợi dụng chiếm hưởng sẽ lên đến cả hàng nghìn tỷ, thậm chí có thể nhiều hơn nữa.

Do đó, áp dụng pháp luật trong trường hợp này phải là loại bỏ toàn bộ các giao dịch giả hiệu đã hình thành, kể cả khi cá cơ quan chức năng chưa phát hiện ra. Hãy đặt những kẻ “bán”, “mua” hóa đơn GTGT vào nỗi sợ hãi từ sự trừng phạt của pháp luật để khống chế lòng tham qua việc chiếm hưởng tiền thuế GTGT của Nhà nước thông qua hành vi sử dụng hóa đơn GTGT bất hợp pháp.  

Hãy để những đồng tiền thuế của người dân, của DN chân chính không bị chui vào túi những kẻ lợi dụng sự thông thoáng của Luật DN hay quy định đối với hóa đơn GTGT mà lòng tham lam cộng với sự liều lĩnh đã lợi dụng thời để chiếm hưởng tiền thuế của NSNN. Cần phải đẩy các giao dịch giả hiệu này về chính thời điểm hành vi “mua – bán” hóa đơn GTGT phát sinh để kịp thời xử lý, ngăn chặn, cảnh báo kịp thời sai phạm và tội phạm. Điều này chắc chắn sẽ góp phần vào nhiệm vụ quản lý thu; thúc đẩy việc thu đúng, thu đủ cho NSNN thêm hàng nghìn tỷ đồng từ chính các giao dịch giả hiệu đã và sẽ phát sinh.

Theo Song Văn

DDDN

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *