Doanh nghiệp 13/12/2013 07:36

Sử dụng lao động kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”

Lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, nhiều ngành nghề thừa nhân lực, đâu đâu cũng cắt giảm nhân sự, áp lực mất việc đè nặng lên vai người lao động (NLĐ)… các chủ doanh nghiệp (DN) đã nghĩ ra đủ cách chèn ép NLĐ như cho nhân viên lâu năm nghỉ việc, sa thải người cũ nhưng không tuyển người mới, làm thêm việc của nhân viên vừa nghỉ nhưng không được tính lương… Biết chủ DN hành xử kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, nhưng NLĐ vẫn cắn răng chịu đựng bởi “chống đối vào lúc này chỉ có đường thiệt thân”.

 

 

Có nghiệp vụ, kinh nghiệm lâu năm vẫn... mất việc

Chị Âu Kim Ngọc, đang là chuyền trưởng, làm việc hơn 10 năm tại Cty may T, KCN Tân Bình, TPHCM không ngờ rằng tên chị lại có trong danh sách những người được “ưu tiên” cắt giảm nhân sự đợt này. Không những chị Ngọc mà hơn 50 lao động khác đang giữ các vị trí như tổ trưởng, quản lý xưởng, có kinh nghiệm lâu năm cũng được Cty “vận động” ra đi. “Đầu tháng 10, phòng nhân sự cứ lần lượt gọi từng người chúng tôi lên để “tâm sự” về tình hình khó khăn của Cty.

Năm nay kinh tế tiếp tục khó khăn, đơn hàng mới không có, hàng xuất đi thu hồi vốn trầy trật, lương thưởng cuối năm sẽ rất eo hẹp. Chúng tôi có kinh nghiệm đi nơi khác sẽ được ưu đãi tốt hơn, ở lại Cty chỉ thiệt thòi. Quanh co một lúc thì cô nhân sự Cty nói thẳng ra là việc trả lương, thưởng cho những người có thâm niên hàng chục năm như chúng tôi ảnh hưởng rất nhiều đến quỹ lương của Cty nên chúng tôi phải ra đi, công việc mà chúng tôi làm, người mới sẽ vào thay thế, quan trọng là tiền lương để trả cho các nhân viên mới đó chỉ bằng một nửa lương của chúng tôi…”, chị Ngọc không giấu vẻ bức xúc, kể lại.

Không “vận động” NLĐ nghỉ việc, nhưng cách thuyên chuyển nhân sự trái khoáy đã khiến nhiều nhân viên ở một ngân hàng cổ phần tại TPHCM tự nguyện nghỉ việc. Anh Trần Ngọc T, nguyên là trưởng phòng giao dịch, kể: “Tôi buộc phải tự nguyện nghỉ việc vì nhận thấy mình không tài nào hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh không tưởng từ trên ấn xuống. Không hoàn thành là bị giảm lương, giáng cấp, giáng riết rồi mình tự “thấy xấu hổ” mà tự nguyện xin nghỉ việc”.
 
Chị L.M.H, nhân viên tín dụng phòng giao dịch một ngân hàng TMCP trên quận Gò Vấp, than thở: “Qua bao nhiêu thử thách từ nhân viên học việc, đến thử việc rồi mới được nhận vào làm chính thức ở một phòng giao dịch. Làm được vài năm khi lương tăng lên được một chút thì ở trên siết lại, cứ giao chỉ tiêu kinh doanh trên trời, phấn đấu kiểu gì cũng không được, lương thì cứ giảm liên tục... Khổ lắm, nhưng giờ không dám nghỉ bởi nghỉ là không biết đi đâu, làm gì khi mà đâu đâu, ngân hàng nào cũng cắt giảm”.
 
Làm thêm giờ, nhưng giảm lương
 

Mấy tháng cuối năm, chị Yến Thanh, ngụ Tân Bình phải chi thêm mỗi tuần 300.000 đồng tiền gửi con ngoài giờ vì chị bận việc ở Cty, thường xuyên về trễ. Là nhân viên lâu năm một Cty ở quận 3, gắn bó với Cty đã lâu, nhưng chị không giấu nỗi vẻ mệt mỏi, bộc bạch: “Đợt vừa rồi, giám đốc Cty đầu tư vào một vụ lớn, cứ nghĩ là “ngon ăn”, ai ngờ thua lỗ lớn. Thay vì nói rõ cho nhân viên hiểu sự việc, để nhân viên thông cảm, đằng này giám đốc cứ lẳng lặng nợ lương, nợ phụ cấp... 

Nhân viên than phiền thì sếp quát lên bảo ai muốn đi đâu thì đi. Quá bất mãn, nhân viên cứ lần lượt ra đi. Thay vì tuyển người mới, giám đốc lại thấy “vui” vì nhiều người ra đi, Cty “tiết kiệm” được một số tiền chi trả lương đáng kể. Chỉ khổ những người ở lại, gắn bó sống chết với Cty”.

Theo lời của chị Thanh, hiện nay đa số nhân viên ở Cty làm việc gấp rưỡi, gấp đôi lúc trước, làm quần quật suốt ngày, có hôm làm tới 22h mà việc vẫn còn ngập đầu. “Phòng nhân sự trước đây có 2 người, giờ chỉ còn một, kế toán 3 người giờ cũng chỉ còn 1..., tất tật phải ôm hết vào người nhưng lương thì vẫn vậy!”.
 

Tương tự như trường hợp của chị Thanh, anh Hoàng Nhân, nhân viên một hợp tác xã thương mại, quận 8, kể: “Hàng ế chất đầy kho. Cty không đủ tiền trả lương. Giám đốc phải cho nhiều người nghỉ việc, những người chấp nhận ở lại phải kiêm nhiệm, choàng gánh thêm việc của người khác. Bản thân tôi, ngoài việc chính là trưởng phòng kỹ thuật, vừa kiêm luôn việc thu hồi công nợ, chạy đi giao hàng… 

Ngay cả cô nhân viên tiếp tân cũng phải làm thêm công việc pha trà tiếp khách, quét dọn văn phòng sau giờ làm. Quá mệt nhưng nhìn qua Cty mấy đứa bạn, đứa nghỉ việc, đứa đi làm đủ ngày mà bị nợ lương, gia đình khó khăn chồng chất, tôi vẫn thấy mình được an ủi hơn ở chỗ thà làm mệt, vẫn được trả lương đầy đủ, đúng hạn để có tiền lo cho gia đình”.

Theo Lê Tuyết
Lao động

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *