Thời sự 07/06/2019 16:12

SSI Research: Tăng trưởng quý II đối mặt nhiều khó khăn

Tại báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 5/2019, các chuyên gia phân tích từ SSI Research các số liệu vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu năm có thể thấy tăng trưởng của quý 2 sẽ tiếp tục khó khăn bởi nông nghiệp, thủy sản và bán lẻ đang chậm lại.

Theo SSI, mặc dù giá lúa trung bình trong 2 tháng 4 và 5 đã cao hơn so với quý 1 nhưng sản xuất nông nghiệp quý 2 gần như chắc chắn sẽ tăng trưởng thấp. Nắng nóng tại miền nam và thời tiết bất thường tại miền bắc khiến năng suất và sản lượng lúa vụ đông xuân giảm.

Ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn Châu Phi lan rộng và chưa có hồi kết. Tại ngày 23/5/2019, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 40/63 tỉnh với tổng số lợn bệnh buộc phải tiêu hủy là 1,7 triệu con, chiếm 6,1% tổng đàn lợn. Lo ngại về dịch bệnh khiến giá lợn giảm rất nhanh.

Giá lợn hơi tại các tỉnh Đông nam bộ vào cuối tháng 5 đã rớt xuống xấp xỉ 32 nghìn đồng/kg, giảm gần 40% so với mức đỉnh đạt được hồi đầu năm. Dịch bệnh và rớt giá đã khiến tổng đàn lợn cả nước giảm 5,5% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam đang gặp khó

Xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 vẫn chưa có tiến triển và tiếp tục giảm 1,4% so cùng kỳ. Đây là tháng sụt giảm thứ 4 liên tiếp. Xuất khẩu sang các thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc chậm cộng với việc gia tăng vùng nuôi đã khiến cho giá cá tra giảm mạnh. Vào cuối tháng 5, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã xuống 21-23 nghìn đồng/kg, giảm hơn 10 nghìn đồng/kg so với đỉnh hồi tháng 2 là 33 nghìn đồng/kg.

Điểm tích cực là ngành công nghiệp điện thoại đang lấy lại đà tăng trưởng. Không có sản phẩm mới mang tính đột phá, sản xuất điện thoại nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc và rất có thể là những rào cản về công nghệ mới từ Mỹ với các nhà sản xuất điện thoại như Huawei.

Xuất khẩu điện thoại tháng 5 tăng 19,5% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 9 tháng. Dù mức tăng trưởng này có được nhờ nền thấp của cùng kỳ (tháng 5/2018 xuất khẩu điện thoại giảm 21,8%) nhưng nhìn ở khía cạnh tích cực thì điều này vẫn mang lại sự khởi sắc nhất định cho ngành sản xuất điện thoại.

Sản lượng điện thoại tháng 5 tăng 15% và chỉ số công nghiệp điện tử tăng trưởng dương 6,5% sau 2 tháng âm. SSI đánh giá, nhìn về tương lai, sản xuất điện thoại và công nghiệp điện tử vẫn còn hy vọng khi nhập khẩu linh kiện điện thoại trong tháng 5 tăng rất mạnh, 36,2%, mức cao nhất 16 tháng.

Sản xuất điện thoại thường có độ trễ 1-2 tháng so với nhập khẩu linh kiện nên sự gia tăng nhập khẩu trong tháng 5 là chỉ báo cho sự gia tăng sản lượng điện thoại vào khoảng cuối quý 2, đầu quý 3.

Dù vậy, theo SSI Research, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã diễn ra gần 1 năm nhưng các tác động đến kinh tế Việt nam nhìn ở thương mại và đầu tư vẫn chưa thực sự rõ nét. Sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc nếu có xảy ra lại nằm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm nên khó có thể ước lượng được sức tăng tổng cầu với hàng hóa Việt nam sẽ cải thiện tới mức nào.

Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng, bên cạnh tận dụng tối đa cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu, Việt nam cũng cần đặc biệt chú ý đến nội lực mà cụ thể là giải ngân tài khóa.

Sau 4 tháng, giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt 16% kế hoạch năm và chỉ tăng 5,4% trong khi cùng kỳ năm 2017 đạt 19,2% kế hoạch và tăng 20%. Từ năm 2018, giải ngân vốn đầu tư phát triển đã chậm lại và đây cũng có thể coi là một nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế không được như kỳ vọng.

“Sức ép với kinh tế Việt nam đang ngày một gia tăng với những biến số bên ngoài rất khó lường. Trong bối cảnh này việc tận dụng tối đa nội lực, bao gồm nguồn lực tư nhân và nguồn vốn ngân sách cần là ưu tiên số 1 nhằm tạo sự chủ động và chắc chắn cho tăng trưởng. Những nỗ lực tạo thuận lợi ở bên ngoài cần phải được song hành với những nỗ lực tháo gỡ rào cản ở bên trong mới có thể giúp kinh tế Việt nam vững bước đi lên”- báo cáo của SSI nhận định.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự , Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *