Thời sự 07/06/2019 16:05

Giám đốc WB Việt Nam: Thế giới đang thay đổi, Việt Nam cần bắt kịp nếu không muốn tụt lại phía sau

Đại diện WB cho rằng, thế giới đang thay đổi nhanh chóng và Việt Nam cần bắt kịp hoặc sẽ có nguy cơ tụt lại phía sau.

Trong bài phát biểu tại Hội thảo "Hướng tới tăng trưởng có chất lượng trong giai đoạn 2021-30: Các phương án chính sách và ưu tiên" diễn ra hôm nay (7/6), ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới cho biết, khi hướng tới thập kỷ sắp tới, ông nhìn thấy nhiều cơ hội, nhưng cũng thấy cả những rủi ro.

"Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và Việt Nam cần bắt kịp hoặc sẽ có nguy cơ tụt lại phía sau" - ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Theo ông, mô hình thương mại toàn cầu đang thay đổi. Châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng và dự kiến sẽ trở thành trung tâm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới. Các thị trường tiêu dùng châu Á đang trỗi dậy mang đến những cơ hội lớn cho Việt Nam.

Đồng thời, việc áp dụng ngày càng nhiều các công nghệ tiên tiến trong sản xuất - như robot, in 3D, sản xuất thông minh - tại các nền kinh tế khan hiếm lao động và ở Trung Quốc có thể thách thức khả năng Việt Nam tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu.

Tuy nhiên điều này cũng có thể tạo ra những cơ hội mới để bắt kịp công nghệ nhanh hơn và thậm chí nhảy vọt. Ở trong nước, Việt Nam sẽ phải đối mặt với dân số già hóa nhanh chóng, tăng năng suất chậm lại và tăng trưởng đầu tư thấp, ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam.

Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Ousmane Dione

Ông Ousmane chỉ ra rằng, nhiều động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của đất nước trước đây sẽ giảm dần trong thập kỷ tới. Những lợi ích thu được từ quá trình chuyển đổi cơ cấu - công nhân chuyển từ hoạt động nông nghiệp năng suất thấp sang sản xuất và dịch vụ với năng suất cao hơn – đang diễn ra và sẽ kết thúc một cách tự nhiên. Tiền lương đang tăng lên và sẽ bắt đầu làm xói mòn lợi thế so sánh hiện nay của Việt Nam tại những phân khúc có giá trị gia tăng tương đối thấp và sử dụng nhiều lao động trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Vì vậy, theo ông, mặc dù có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của đất nước, Việt Nam sẽ phải nắm bắt cơ hội, quản lý rủi ro và thúc đẩy các cải cách mạnh mẽ. Chiến lược PTKT-XH và Kế hoạch PTKT-XH là những cơ hội vàng của Việt Nam vì các tài liệu này sẽ định hình lộ trình phát triển của đất nước trong thập kỷ tới.

"Chúng ta không thể bỏ lỡ những cơ hội này. Thập kỷ này là thời điểm quan trọng đối với Việt Nam khi phải đương đầu với những thách thức mới và tìm con đường hiện thực hoá tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045" - đại diện WB phát biểu.

Ông Ousmane cũng đặt ra những vấn đề: Làm thế nào để Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng cao nhưng có chất lượng? Làm thế nào để Việt Nam có thể hiện đại hóa các thể chế thị trường trong nước để tạo ra một môi trường kinh doanh, nơi các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước, có thể phát triển?

Lực lượng lao động Việt Nam cần những kỹ năng gì để có thể cạnh tranh, không chỉ trong sản xuất cơ bản mà còn tiến lên trên chuỗi giá trị, bắt kịp với các công nghệ thay đổi nhanh chóng, đồng thời không để lại các nhóm người bị tụt lại phía sau? Làm thế nào để Việt Nam có thể đảm bảo sự tăng trưởng của đất nước mà không gây hại cho môi trường, đồng thời giải quyết được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu?

Theo đó, tìm ra giải pháp chính sách cho những câu hỏi này không hề dễ dàng và thực hiện chúng có lẽ còn khó hơn. Đại diện WB bày tỏ, với tư duy đúng đắn, cùng sự quyết tâm và phối hợp mạnh mẽ giữa các ngành, các cấp, Việt Nam có thể làm được.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự , Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *