Thời sự 20/12/2013 06:34

Phó Tổng Vietcombank: Xu hướng nhận kiều hối bằng VND ngày càng phổ biến

FICA - Theo ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), xu hướng lĩnh kiều hối bằng VNĐ ngày càng phổ biến. Với sự ổn định của tỷ giá, việc chuyển đổi sang VND với mức lãi suất cao hơn là một lựa chọn tốt.


Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Thanh Hà   


Với những đồng ngoại tệ (Won, Yên…), Ngân hàng có những cách quy đổi như thế nào cũng như có những ưu đãi quy đổi như thế nào nhằm thu hút khách hàng, thưa ông?

Ông Phạm Thanh Hà: Với đồng ngoại tệ Won chuyển về, khách hàng có thể nhận bằng VND theo tỷ giá chuyển khoản công bố của Vietcombank. Một số đồng ngoại tệ mạnh và phổ biến trên thế giới như Yen, USD, EUR, CAD, khách hàng có thể nhận bằng nguyên tệ.


Theo ông, bà con Việt kiều, người lao động xuất khẩu nên gửi loại tiền gì là thích hợp và có lợi nhất vào thời điểm này (tiền bản địa hay quy đổi ra USD…)?

Ông Phạm Thanh Hà: Thời điểm cuối năm thường là mùa nhận kiều hối, người lao động xuất khẩu có thể gửi các loại ngoại tệ khác nhau, nhưng cân nhắc một số yếu tố sau: Nên gửi các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi để dễ dàng thực hiện chuyển đổi sang VND ở Việt Nam. Trên thực tế, người lao động xuất khẩu Việt Nam thường lựa chọn gửi tiền USD. Ngoài lý do USD là ngoại tệ tự do chuyển đổi và phổ biến nhất thế giới, ưu điểm quan trọng khác của việc chuyển đồng USD là sự ổn định tỷ giá USD/VND ở Việt Nam trong thời gian qua và dự báo trong thời gian tới sự ổn định này vẫn tiếp tục được duy trì.

Thời gian qua, xu hướng lĩnh kiều hối bằng VND ngày càng phổ biến. Với sự ổn định của tỷ giá trong thời gian qua, vị thế của đồng nội tệ được nâng cao, nên việc chuyển đổi sang VND với mức lãi suất cao hơn là một lựa chọn tốt.

Lượng kiều hối năm nay so với năm ngoái được gửi về Việt Nam vẫn ở mức tương đương, thậm chí còn cao hơn. Xin ông cho biết nguyên nhân nào khiến cho lượng kiều hối duy trì ổn định như vậy? Chênh lệch lãi suất có phải là nguyên nhân khiến cho kiều hối chảy về Việt Nam hay không?

Ông Phạm Thanh Hà: Theo thống kê, lượng kiều hối về Việt Nam tăng ở mức cao qua các năm và năm nay cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Nguyên nhân khiến cho lượng kiều hối đạt được mức tăng trưởng ổn định được nhiều chuyên gia nhận định bao gồm: Thứ nhất, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài khá đông đảo bao gồm cả Việt Kiều và người lao động xuất khẩu, đa số đang sinh sống và làm việc tại các nước phát triển.

Thứ hai, chính sách của nhà nước về khuyến khích Kiều bào về nước đầu tư. Thứ ba, chính sách của nhà nước cho việc nhận kiều hối khá thông thoáng: cho phép người nhận kiều hối trực tiếp bằng ngoại tệ, không bắt buộc phải chuyển đổi ngay ra nội tệ, không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng thương mại, không bắt buộc phải bán ngay cho ngân hàng…

Thứ tư, dịch vụ chuyển tiền kiều hối khá phát triển, với nhiều ngân hàng và công ty cung cấp dịch vụ chi trả với mức phí cạnh tranh, chất lượng dịch vụ tốt và mạng lưới chi trả rộng khắp. Thứ năm, chênh lệch lãi suất ngoại tệ ở Việt Nam so với nước ngoài cũng như việc chênh lệch lãi suất giữa ngoại tệ và VND ở Việt Nam cũng là yếu tố thu hút nguồn ngoại tệ đổ về Việt Nam.

Thưa ông, lượng kiều hối về Việt Nam qua Vietcombank thì tỷ trọng chuyển đổi sang VND là như thế nào?

Ông Phạm Thanh Hà: Với sự ổn định của tỷ giá, vị thế của đồng nội tệ được nâng cao, xu hướng nhận kiều hối bằng VND ngày càng phổ biến. Đáng ghi nhận trong năm 2013, lượng kiều hối chuyển đổi sang VND tại Vietcombank có sự tăng trưởng rõ rệt với mức chuyển đổi khoảng 25% so với tỷ lệ chuyển đổi là 20% của năm 2012 và tỷ lệ từ 10-15 % của các năm trước.

Xin cảm ơn ông.

 Thục Anh

Theo SBV

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *