Thời sự 11/12/2013 07:56

Ngân hàng sẽ đi đúng hướng

Ngành ngân hàng (NH) đang đón nhận nhiều đại gia mới, thể hiện trong các thương vụ mua bán cổ phần gần đây. Nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm cho rằng, ngành này rất tiềm năng nếu có ý chí.

Thưa ông, ông có nhận xét gì về thực trạng chung ngành NH 2013?

2013 là năm NH có nhiều biện pháp cải thiện những hạn chế của ngành và bắt đầu giải quyết được một số vấn đề. Thứ nhất, là đã sắp xếp được cơ bản các NH yếu kém (khoảng 10/11 NH). Tất nhiên chúng ta mới giải quyết ở bước tránh cho chúng khỏi đổ vỡ, còn để nó đi lên được thì phải có chiến lược lâu dài, cần một quãng thời gian nữa. Tuy nhiên, nút thắt đó đã tháo ra được cũng coi là một thành công lớn. Nút thứ 2 đã tháo được là nợ xấu. Chúng ta đã bắt đầu hình thành được công ty mua bán nợ, đã có những phương án giải quyết nợ bài bản hơn. Các NH đã tự cơ cấu lại nợ; trích rủi ro bù đắp. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra được Thông tư 780 - cho doanh nghiệp (DN) giãn nợ để khả năng tiếp cận vốn tốt hơn và lùi thời hạn thực hiện Thông tư 02 - phân loại nợ mới theo tiêu chuẩn quốc tế sang năm 2014.

 

Ông Cao Sỹ Kiêm.

 

Nút thắt thứ 3 được giải quyết là thị trường vàng. NHNN đã quản lý được vàng miếng; một bước thực hiện được vàng hóa. Tức là giải quyết được cung - cầu vàng tốt hơn; làm cho giá đỡ biến động mạnh hơn; khả năng đầu cơ mức độ hơn; khả năng vàng hóa co lại. Thứ 4 là đã kéo được lãi suất xuống và cơ cấu lại nợ và lãi suất cũ. Thứ 5 là đã ổn định đươc tỷ giá giúp cho xuất khẩu và khả năng tín dụng tốt hơn; dự trữ tăng lên; cán cân thanh toán cải thiện tốt hơn…

 

Tóm lại, cách điều hành của NHNN đã bắt đầu đi vào quỹ đạo theo hướng kinh tế thị trường. Tập trung giải quyết những tồn tại về mặt tín dụng, trước hết là nợ xấu và mô hình các NH yếu kém. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận những mặt chưa được của hệ thống NH trong năm nay. Nợ xấu vẫn là vấn đề lớn nhất và vẫn là gánh nặng cơ bản lên nền kinh tế. Việc tiếp cận vốn của các DN chưa được nhiều nên khả năng giúp họ thoát khỏi khó khăn vẫn hạn chế; lãi suất vẫn còn cao; khả năng lạm phát quay trở lại vẫn có…

 

Trong khi đó, chất lượng kinh doanh các NH chưa được nâng lên. Vừa rồi cũng chỉ mới thay đổi một chút lãi suất. NH từ lãi nhiều thành lãi ít; có anh từ lãi thành lỗ. Điều này thể hiện chất lượng kinh doanh kém. Đạo đức kinh doanh của một số cán bộ sút giảm. Số vi phạm bị xử lý nhiều hơn. Tuy đã tránh được sự đổ vợ của các NH yếu kém nhưng hệ thống NH nói chung vẫn còn lủng củng nên cần phải củng cố nhiều hơn nữa. Các anh mạnh cũng không phải không có vấn đề.

 

Thưa ông, thời gian qua, việc tái cơ cấu hệ thống NH dường như chưa tiến gần đến các NH có vốn của Nhà nước. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

 

Những ông lớn không phải là không có yếu kém có thể gây ảnh hưởng không tốt đến toàn bộ hệ thống. Hệ thống các NH này không phải độc lập mà cần có sự đổi mới, cải cách, sắp xếp lại toàn bộ thì mới đảm bảo được yếu tố cạnh tranh lành mạnh và mới bền vững. Theo tôi, các NH quốc doanh, các NH nước ngoài cũng phải được xử lý những yếu kém vì NH mang tính hệ thống rất cao, chỉ cần một chỗ tắc lại hoặc một chỗ nào đó bị chi phối thì sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống.

 

Vậy nên phải giải quyết đồng bộ nữa và phải gắn với mục tiêu tái cơ cấu chung của nền kinh tế.

 

Ngành NH đang chứng kiến nhiều làn sóng cắt giảm nhân sự, giảm lương, cắt thưởng… Ông nghĩ gì về câu chuyện này và liệu điều này còn xảy ra trong năm 2014?

 

Trong khó khăn, việc cắt giảm chi phí là hết sức cần thiết đối với doanh nghiệp và càng cần thiết với ngành ngân hàng, khi nợ xấu tăng cao, tín dụng không tăng trưởng, lợi nhuận giảm.

 

Nếu sang năm sau, tồn kho trong nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều, sức mua thị trường vẫn yếu, nhu cầu vốn của doanh nghiệp không tăng thì khả năng làn sóng giảm nhân sự của NH vẫn tiếp diễn do không thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng.

 

Mấy năm nay lĩnh vực NH liên tiếp sa vào những bế tắc, theo ông đâu là nguyên nhân chính?

 

Có 3 lý do khiến hệ thống NH bộc lộ nhiều yếu điểm. Một là, quản lý tín dụng không chặt chẽ, đôi khi buông lỏng, chạy theo thị trường một cách vô lối nên chất lượng kinh doanh thấp, gây mất vốn và sinh nợ xấu. Thứ hai, phát triển hệ thống NH của mình hơi mạnh. Hệ thống cho phép chuyển từ NH nông thôn lên NH thành thị quá nhiều. Chất lượng đã kém lại kinh doanh bành trướng thì không kham nổi.

 

Thị trường có bằng này thôi, mình đưa rất nhiều NH tranh nhau thành ra vô lối. Anh đang yếu không tồn tại được sẽ đi vơ khách hàng. Mà muốn huy động vốn được thì phải nâng lãi suất. NH này nẫng vốn của NH kia. Điều này sẽ tạo ra ngòi nổ dây chuyền đua lãi suất. Đây chính là lỗi về hệ thống và mặt tổ chức.

 

Thứ ba, trong quá khứ, các NH không tập trung khai thác món chính, món sở trường của mình mà sa đà vào các món sở đoản quá nhiều. Chuyện vàng hóa và đôla hóa là hạn chế lớn nhất của các NH nhưng bị bỏ lỏng một thời gian. Thời gian vừa rồi có thắt lại nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu và làm chưa đến nơi đến trốn nên chưa giải quyết được một cách cơ bản. Trong khi đó, công tác thanh kiểm tra, kiểm soát của chúng ta quá lỏng lẻo…

 

Đó là những lý do cơ bản gây mất an toàn cho hệ thống NH. So với thế giới, chúng ta có những quãng quá cách xa.

 

Vậy điểm nổi bật của các NH yếu kém là gì khiến nó rơi vào tình trạng này?

 

Có 3 lý do chung mà tất cả các NH khi rơi vào tình trạng yếu kém sẽ mất khả năng thanh toán và chất lượng kém. Thứ nhất, trình độ quản lý quá thấp kể cả người lãnh đạo; thứ hai, hệ thống nhân sự không nâng lên, không chuyên nghiệp, đạo đức kém; thứ ba, hệ thống công nghệ, dịch vụ không cải thiện. Chúng ta cứ ra rả chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt nhưng chất lượng dịch vụ kém thì ai muốn dùng. Hệ thống ATM không tốt, không có kết quả cao nên thanh toán tiền mặt vẫn là chủ yếu. Không thể trách người dân được vì chất lượng không tốt cứ bắt họ dùng thì ai nhìn được.

 

Những NH yếu thường không có khách. Không có khách thì lại nâng chi phí lên để thu hút. Nâng chi phí lên khiến lợi nhuận không đảm bảo, lại thả lỏng tất cả các khâu kia ra. Thả lỏng lại có hiểm họa cho NH. Tất cả như mớ bòng bong không thoát ra được. Có thể lúc đầu cho vay thoải mái, doanh số tăng nhưng đến khi nợ không thu được sẽ vỡ toang.

 

Gần đây nhiều tham nhũng trong ngành bị phanh phui, đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến các NH đã yếu càng yếu? Theo ông nên xử lý thế nào?

 

Có lý do đó vì mình quản lý lỏng lẻo. Khâu rèn luyện cán bộ của họ không tốt. Khi NH nó đã mất mát nhiều, vi phạm nhiều thì lòng tin giảm xuống. Tồn tại trong NH thì có. Chúng ta phải xác định là do cơ chế sơ hở hay do đạo đức yếu kém hay do cố tình lừa đảo để có xử lý đúng. Nếu do cán bộ mất phẩm chất thì phải thay đổi; nếu do điều hành thì phải có sửa chữa. Đã làm thì phải mạnh mẽ, rõ ràng theo luật pháp.

 

Có cách nào khắc phục để năm tới NH thực sự là một ngành đầu tàu của nền kinh tế không, thưa ông?

 

Chúng ta cần phải nâng cao trình độ quản lý chất lượng tín dụng. Tập trung đào tạo cán bộ chuyên nghiệp; phải chọn lọc, bố trí sắp xếp lại những cơ sở làm ăn không hiệu quả. Ngay cả những anh làm tốt rồi cũng có mặt yếu nên cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Các NH phải thực sự kinh doanh có hiệu quả, đội ngũ NH phải thực sự có nghề thì mới trụ vững được. Ngoài ra, NH phải luôn tiếp cận công nghệ, dịch vụ mới trên thế giới. Không thể để tình trạng ATM mãi quá tải hay muốn gửi, nhận tiền phải tất tưởi chạy qua chạy lại được…

 

Giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư, thương mại cần phối hợp nhuần nhuyễn. Phải gắn việc sắp xếp hệ thống NH đồng bộ với việc sắp xếp các DN thì mới có tác động đồng chiều.

 

Không thể phủ nhận, bên cạnh những NH yếu kém vẫn có nhiều NH làm ăn hiệu quả. Ông có đánh giá gì về cách làm của các NH này?

 

NH tốt, có chất lượng kinh doanh tốt thường có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có trình độ quản lý ăn nhập nên tránh được nhiều rủi ro. Đó là những NH tiến sát với thông lệ, tiêu chuẩn thế giới. Những NH này thường đã có nhiều thắng lợi. Tất nhiên, làm NH có rủi ro chứ không phải đều thắng lợi nhưng độ rủi ro trong khả năng cho phép. Họ có những chiến lược về con người rất bài bản, chỉn chu về mặt cán bộ, chính sách, đãi ngộ nên kinh doanh thuận lợi hơn.

 

Ông có thể nói rõ hơn về cách làm của những NH tốt mà các NH yếu không có?

 

NH khôn khéo, thận trọng thì có kết quả tốt hơn. Họ kinh doanh cho vay rất chặt chưa không buông tuồng. Khi cho vay, họ phải nhìn thấy khả năng thu nợ được ngay, không gây nợ xấu nợ quá hạn. Việc quản lý chi phí của những NH này rất tốt, không có chuyện lãng phí những khâu không cần thiết.

 

Tất cả điểm mạnh của họ sẽ được ghi nhận và người dân tin trưởng sử dụng nhiều. Lợi nhuận chi phí nhiều, các NH có điều kiện trang bị cơ sở, vật chất tốt nâng chất lượng kinh doanh lên. Tất cả đều làm trong một quy trình khép kín, không sơ hở là họ đã chiến thắng.

 

Hệ thống NH nói chung và các NHTM nói riêng cần làm gì để phát triển tốt hơn trong năm 2014, thưa ông?

 

Hệ thống NH phải chú ý các chính sách, cơ chế; thanh kiểm tra; tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Trách nhiệm của NHNN là kiểm tra quản lý và ra chính sách. Còn các NHTM phải tổng kết lại mình xem có điểm mạnh điểm yếu gì, thành công thất bại cái gì, sửa gì trước, sửa gì sau… Tất cả phải thẳng thắn mới mong sửa chữa được khiếm khuyết.

 

Ngành NH đang đón nhận nhiều đại gia thể hiện trong các thương vụ mua bán cổ phần gần đây, phải chăng ngành NH vẫn còn quá nhiều tiềm năng?

 

Đúng. Kinh doanh NH là loại hình kinh doanh có điều kiện và sinh lời rất tốt nhưng cũng có nhiều rủi ro cao. Thế nên những người nào mà có ý chí, có trình độ, có cái nhìn tốt thì kinh doanh NH vẫn là địa bàn tốt họ phát huy tài năng. Nhưng nó chỉ đáp ứng cho người có tầm nhìn, khả năng kinh doanh, khả năng quản lý. Kể cả đối với những người tham gia mua cổ phiếu NH thì cũng vậy.

 

Nếu té nước theo mưa, theo phong trào, đầu tư chộp giật thì không thể làm được. Trước sau cũng phá sản hoặc mất vốn.

 

So với thời điểm ngày trước khi ông là Thống đốc NHNN và thời điểm hiện nay điều hành có nhẹ nhàng hơn không thưa ông?

 

Mỗi thời kỳ có một nội dung, có những mặt thuận lợi khó khăn khác nhau. Ngày trước, tôi làm trong giai đoạn mới chuyển đổi kinh tế, mới đang chỉ phải tìm ra cách làm, điều kiện làm hay nói cách khác lúc đó đang tìm hiểu nên yêu cầu lúc đó là phải đánh giá được thực tiễn, phát hiện vấn đề nhanh, đặt vấn đề chuẩn xác như người đặt đường ray. Khó ở chỗ đó. Đối với bây giờ, ta đã hội nhập, kinh tế thị trường, đường đi nước bước đã rõ. Thế nên, mình chỉ căn cứ vào tình hình đất nước mà điều hành cho phù hợp thôi. Cái khó trong giai đoạn này là phải hiểu kinh tế thị trường, tăng cường năng lực quyết đoán và khả năng điều hành. Tiêu chuẩn về người điều hành mỗi thời nó đã khác nhau rồi.

 

Năm 2014, liệu ngành NH đã sáng sủa chưa thưa ông?

 

Nó chỉ sáng sủa hơn nếu NH giải quyết được và sắp xếp được lại toàn bộ hệ thống; sắp xếp ổn định lại thanh kiểm tra; tập trung đào tạo bồi dưỡng, nâng trình độ hiểu biết nghiệp vụ và đạo đức lên, phát huy tài năng và kiềm chế được vi phạm. Nếu làm quyết liệt, có phương pháp, lộ trình độ vài năm, từ nay đến năm 2015 thì cơ bản NH sẽ đi đúng hướng và phát triển tốt.

 

Dù các NH đã có nhiều gói hỗ trợ cho vay nhưng các DN vẫn khó tiếp cận, phải làm sao cho hai bên gặp nhau được?

Lý do mà các DN hiện nay không vay được là không đủ tiêu chuẩn. NH là đơn vị kinh doanh nên cho vay phải có tài sản thế chấp, phải có dự án, tính toán xem DN có khả năng trả không?... DN đều mắc vào cái này mới không vay được. Thực ra, nếu bắt các NH hạ tiêu chuẩn xuống, cho vay mà không thu được ai chịu cho nó. Nếu gỡ thì phải gỡ tất cả nền kinh tế chứ không riêng chỉ NH và DN.

 

Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, NH càng phải chú trọng tới việc đưa nguồn vốn tới đúng địa chỉ. Bởi, quan trọng là tạo ra sức mua cho nền kinh tế, từ đó mới có thể kích thích sản xuất. Tuy nhiên, trong khâu xét duyệt, điều kiện và thủ tục vay vốn phải có đột phá. Theo đó, trong tình hình điều kiện thế chấp tài sản đảm bảo nợ khó khăn, giá trị tài sản giảm sút nghiêm trọng như hiện nay, NH và DN phải có vận dụng linh hoạt, tìm cách giải quyết mới thông qua hoạt động bảo lãnh để không bỏ quên các DN có phương án kinh doanh tốt, song đang gặp khó khăn tạm thời về tài chính.


Các NHTM nên xem xét những DN có dấu hiệu kinh doanh tốt để tạo điều kiện cho vay. Nếu DN chỉ có một vài yếu tố không quan trọng thì có thể tiến hành cho vay để giải quyết nút thắt về vốn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi trình độ và đạo đức của các cán bộ tín dụng của ngành NH.

 

Xin cảm ơn ông!

CĂN CỨ THEO DỮ LIỆU THỐNG KÊ CỦA NHNN, SỨC KHỎE CÁC NHTM NHÌN CHUNG ĐANG TRONG TÌNH TRẠNG KHẢ QUAN NHẤT KỂ TỪ ĐẦU NĂM ĐẾN NAY

Qua kênh giám sát và báo cáo từ các tổ chức tín dụng, các chỉ số tài chính cơ bản của các khối trong hệ thống đều có sự cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khối NHTM CP (không tính những thành viên mà nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối).

Ở tình hình chung, trước thời điểm bước vào mùa cao điểm chi trả cuối năm - thường gắn với mối lo thanh khoản những năm trước, “hàn thử biểu” LDR (tỷ lệ cho vay so với huy động) của toàn hệ thống ở mức 86,19%. Những năm từ 2011 trở về trước, tỷ lệ này từng được phản ánh lên tới trên 100%, mà phía sau đó là các cuộc đua lãi suất và khó khăn thanh khoản thường trực.

Cùng với tăng trưởng tín dụng mạnh lên những tháng gần đây, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) toàn hệ thống có giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức khá cao với 13,76% tính đến 30/9, cao hơn nhiều so với quy định tối thiểu 9% mà NHNN đang áp dụng.

Khối NH quốc doanh vẫn cho thấy sự gia tăng mạnh về quy mô tổng tài sản và vốn tự có, bao gồm cả vốn điều lệ. Khối này đến 30/9 có tổng tài sản đạt tới 2,35 triệu tỉ đồng, tăng 7,04% so với cuối năm 2012; tương ứng, vốn tự có tăng trưởng tới 18,44%, vốn điều lệ tăng trưởng 10,66%. Tốc độ tăng trưởng quy mô vốn tự có một phần được ghi nhận từ kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ đi cùng với khoản thặng dư lớn trong các kế hoạch phát hành của VietinBank, Vietcombank thời gian qua…

Trong khi đó, khối NHTM CP cũng có sự bám đuổi, khi quy mô tổng tài sản cũng đã đạt tới 2,22 triệu tỉ đồng, nhưng tăng trưởng thấp hơn với 2,88% so với cuối năm 2008.

Điểm đáng chú ý nhất trong dữ liệu thống kê tháng 9/2013 là sự cải thiện rõ nét nhất về tình hình vốn tự có của khối NHTM CP, cũng là kết quả sau những nỗ lực thể hiện ở các tháng liền trước.

Nếu như tháng 1/2013, tổng quy mô vốn tự có của khối NHTM CP bất ngờ sụt giảm tới 8,93% so với cuối năm 2012. Thì sang đến tháng 9, tổng quy mô vốn tự có của khối này đã tăng mạnh và tiến gần bằng tổng quy mô vốn điều lệ; tương ứng 181.979 tỉ đồng so với 182.244 tỉ đồng. Vốn tự có, được xem là chốt chặn cuối cùng bảo vệ tổ chức tín dụng cũng như khách hàng, đã có sự cải thiện. Điều này có thể gắn với nỗ lực giảm lỗ ở những thành viên nào đó.

 

Theo Trung Sơn
Năng lượng mới

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *