Đầu tư 05/08/2014 10:31

Nông dân “chê” 11.000 tỉ đồng

Trong 3 năm 2011-2013, Nhà nước hỗ trợ hơn 11.000 tỉ đồng để nông dân bảo vệ đất lúa. Tuy nhiên, nông dân chê gói hỗ trợ này, vì chính sách phi thực tế và không đi vào cuộc sống…

Hỗ trợ… 1.078 đồng!

Mấy năm nay, ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng ấp Bình Lợi (thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, Long An) - niêm yết công khai danh sách hơn 300 hộ dân được nhận tiền hỗ trợ trồng cây lúa nước ngay tại nhà. Nhưng treo vậy chứ nông dân chẳng ai quan tâm. “Tui cầm danh sách, lội muốn sạt bờ để kêu bà con làm thủ tục nhận tiền, nhưng có nhà đi 3 - 4 lần họ cũng không muốn lấy, vì tiền ít mà thủ tục thì nhiều. Tiền hỗ trợ của nửa đầu năm 2012, đến giờ còn nhiều gia đình không nhận” - ông Tám phân trần.

Cầm danh sách niêm yết đã ố vàng, đóng một lớp bụi, phóng viên hiểu vì sao nông dân không quan tâm đến chuyện được hỗ trợ. Trong danh sách này, hầu hết các hộ dân nếu làm đủ thủ tục (photocopy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cũng chỉ nhận được số tiền vài chục ngàn đồng. Cá biệt, như hộ ông Trương Thế Hiền, có thửa được hỗ trợ... 1.078 đồng, thửa còn lại được nhận 1.638 đồng; hộ ông Trương Ngọc Ẩn đất rộng hơn một chút, có thửa nhận 3.435 đồng, thửa còn lại nhận 2.828 đồng...

Tại huyện Cần Đước (Long An), nông dân Nguyễn Văn Lai (khu phố 1B, thị trấn Cần Đước) ngán ngẩm: “Ở trên đẻ ra đủ thứ chính sách, nói là giúp nông dân làm giàu, nhưng tôi thì thấy phiền phức lắm. Nhà báo thấy đó, hỗ trợ như vầy thà đừng có còn hơn. Nhà tôi thuộc diện đất rộng ở xóm này, có 0,2ha, được hỗ trợ 50.000 đồng. Ông trưởng khu phố năn nỉ tôi làm thủ tục nhận tiền để địa phương hoàn thành chỉ tiêu. Nhưng nhận xong không đủ tiền đi xe ôm thì nhận làm gì!”.

Ông Lai kể, ông có người bạn, đi xe ôm từ chợ xã lên ngân hàng huyện hết 100.000 đồng, photocopy 2 bản sao giấy đỏ hết 100.000 đồng (vì giấy đỏ đang nằm trong ngân hàng, phải thông qua “dịch vụ” mới photocopy được), xong thủ tục thì nhận được... 50.000 đồng, lỗ nặng.

 Người dân cần những chính sách sát hơn với cuộc sống.

Nhiều nông dân cho biết, nếu họ không làm thủ tục nhận tiền thì bị coi là “gây khó” cho địa phương, vì không đạt chỉ tiêu. Trong khi đó, nếu mang tiếng nhận thì mất thời gian, mà số tiền không đáng là bao. Dân ít ruộng chê hỗ trợ đã đành, dân nhiều ruộng cũng không mặn mà gì khi được kêu nhận tiền.

Ông Huỳnh Việt Cư (thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, Long An) nói: “Tôi có 60ha đất, mỗi năm cho thuê cũng cả tỉ đồng. Giờ nhận hỗ trợ thì tôi thấy vô duyên lắm”. Ông Trần Văn Tráng (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An) có hơn 100ha đất lúa cũng cho biết, nông dân nhiều đất mà nhận hỗ trợ thì chẳng giống ai, mà số tiền so với thu nhập cũng không đáng là bao.

Cần thay đổi chính sách

Thực hiện Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 205/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa. Theo đó, đối tượng, điều kiện hưởng hỗ trợ là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất lúa trên diện tích đất nằm trong quy hoạch đất trồng lúa.

Hằng năm ngân sách nhà nước hỗ trợ người sản xuất lúa từ nguồn kinh phí chi thường xuyên mức: Hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước. Hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa. Cả hai mức hỗ trợ này đều được chia làm 2 kỳ nhận trong năm.

Tính trong 3 năm 2011-2013, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ người sản xuất lúa tổng số tiền là 11.082 tỉ đồng. Cụ thể, năm 2011, tổng kinh phí hỗ trợ là 2.589 tỉ đồng từ nguồn cân đối ngân sách địa phương; năm 2012 là 4.246,8 tỉ đồng, trong đó ngân sách địa phương là 2.589 tỉ đồng, kinh phí bổ sung là 1.657,8 tỉ đồng.

Năm 2013, số kinh phí đầu tư tương đương như năm 2012. Nếu tính con số 11.082 tỉ đồng thì sẽ là con số rất lớn. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành nông nghiệp, tính bình quân mỗi nông hộ ở ĐBSCL chỉ từ 0,3 - 0,5ha đất, do đó số tiền hỗ trợ tách ra cho từng người gần như không mang lại ý nghĩa gì. Vùng ĐBSCL diện tích đất lúa lớn nhất cả nước còn như thế, thì nông dân miền Bắc, miền Trung, mức hỗ trợ còn thấp hơn nhiều.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Hùng - Phó GĐ Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang - cho biết, nông dân Tiền Giang không hưởng lợi nhiều từ chính sách này. “Không chỉ Tiền Giang, mà nhiều tỉnh kêu dữ lắm. Thay vì chẻ nhỏ, Nhà nước nên có chính sách gộp lại, đầu tư cho nông dân những khoản thiết thực hơn”.

Trong rất nhiều cuộc họp tại địa phương cũng như với Trung ương, ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An - đều kiến nghị nên có sự thay đổi đối với chính sách hỗ trợ nông dân, sửa đổi Nghị định 42 cho phù hợp với thực tế. “Năm nay, Long An được phân bổ hơn 120 tỉ đồng để bảo vệ và phát triển đất lúa. Đây là số tiền lớn, nhưng nếu chẻ nhỏ thì từng hộ nông dân cũng không phát triển được gì. Chúng tôi đã có kiến nghị nên tập trung đầu tư thủy lợi, phát triển giao thông nông thôn thì có lợi hơn cho dân” - ông Đức nói.

Theo Hữu Danh

Lao động

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *