Đầu tư 21/08/2018 15:14

Dự án gần 1 tỷ USD bị từ chối: Bí thư thành ủy tiết lộ lý do

Nhiều địa phương quyết liệt “nói không” với dự án nguy cơ ô nhiễm, cho dù dự án có vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu đô la, hứa hẹn nộp ngân sách trăm tỷ. Nhưng các doanh nghiệp, và cả lãnh đạo ngành có dự án thuộc diện bị “ghẻ lạnh” kiểu vậy, lại tỏ ý không hài lòng.

Đồng loạt nói không

Mới đây, Bí thư thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết: Thành ủy sẽ từ chối dự án nhà máy giấy Cửu Long - Trung Quốc vì sợ ảnh hướng xấu đến môi trường.

Dự án này, nếu được chấp thuận, sẽ có tổng vốn đầu tư 800 triệu USD triển khai sản xuất giấy và bột giấy tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, với công nghệ được quảng cáo là “hiện đại nhất thế giới, theo tiêu chuẩn công nghiệp 4.0 của châu Âu”.


Những dự án ảnh hưởng đến môi trường đang được các địa phương từ chối. Ảnh minh họa

Những dự án ảnh hưởng đến môi trường đang được các địa phương từ chối. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa rồi cũng có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận đầu tư dự án Nhà máy dệt - nhuộm của Tập đoàn TAL trên địa bàn tỉnh; đây là lần thứ 4 tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Thủ tướng không chấp thuận dự án này.

Dự án Nhà máy dệt - nhuộm do Tập đoàn TAL (Hong Kong) làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 350 triệu USD, dự kiến triển khai tại Khu công nghiệp Bá Thiện II.

Trước khi chọn Vĩnh Phúc, ròng rã mấy năm nay, tập đoàn này cũng đã lặn lội khảo sát ở một loạt địa phương như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Quảng Nam,... để tìm địa điểm đặt nhà máy trên. Mục đích của TAL là để mở rộng đầu tư kinh doanh sau hơn 10 năm đưa nhà máy tại tỉnh Thái Bình vào hoạt động. Vĩnh Phúc được tập đoàn này “chấm”, nhưng cuối cùng địa phương này đã quyết liệt nói “không”.

Địa phương thì “nói không” với các dự án có khả năng gây ô nhiễm, song đại diện các hiệp hội, kể cả lãnh đạo ngành, đều tỏ ý không hài lòng.

Tại Hội nghị bàn về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu, do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), bày tỏ sự không hài lòng khi các địa phương ngại tiếp nhận và cấp phép đầu tư đối với các dự án dệt nhuộm. Dự án của Tập đoàn TAL tại Vĩnh Phúc cũng là dẫn chứng được đại diện VITAS đưa ra như một điển hình.

"Nếu các địa phương không cấp phép, ngành dệt may vẫn chủ yếu gia công, làm gì có sợi, vải mà xuất khẩu", ông Cẩm than thở.

Theo ông Cẩm, khâu nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu dự án được đầu tư công nghệ xử lý nước thải tốt thì nên xem xét cấp phép. Các địa phương cần tạo điều kiện ưu tiên các DN đầu tư dệt nhuộm có công nghệ hiện đại xử lý nước thải.

Chịu chung số phận với giấy, dệt nhuộm là nhiệt điện. Tại cuộc làm việc của Tổng bí thư với Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Bộ này là ông Hoàng Quốc Vượng đã đứng lên trình bày khó khăn vì địa phương “ghẻ lạnh” nhiệt điện.

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Hoàng Quốc Vượng lo ngại nhu cầu điện tăng cao trong khi hầu hết các dự án lớn đều chậm tiến độ. Ông Vượng còn nói rằng: “Đi đến đâu cũng nghe không được làm điện than. Nay để xây dựng một nhà máy điện than rất khó. Địa phương mà có lựa chọn là họ nói không nhưng Nhật, Mỹ hiện họ đóng các nhà máy cũ nhưng vẫn làm các dự án điện than mới”.


Những dự án ảnh hưởng đến môi trường đang được các địa phương từ chối. Ảnh minh họa

Những dự án ảnh hưởng đến môi trường đang được các địa phương từ chối. Ảnh minh họa

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất, ông Nguyễn Phú Cường, cũng than phiền chuyện những dự án về sản xuất axit, xút, ắc quy,... đều bị nhiều địa phương, nhất là các thành phố, từ chối do lo ngại môi trường.

Theo ông Cường, đây là các sản phẩm không phải phục vụ tiêu dùng nhưng là nguyên liệu chính cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp, song nếu phải đặt ở nơi hẻo lánh thì rất khó để cạnh tranh. Do vậy, Chủ tịch Vinachem cam kết các dự án sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường và mong muốn các địa phương, người dân có cách nhìn thiện cảm hơn.

Nỗi lo có thật

Những lo ngại của các địa phương về dự án ô nhiễm là chính đáng. Không thiếu bằng chứng của việc địa phương “rước” dự án khủng về rồi phải è cổ giải quyết vấn đề ô nhiễm. Bãi rác Đa Phước ở Sài Gòn liên tục gây ra mùi hôi thối, khiến người dân khiếu kiện ròng rã. Nhà máy giấy Lee&Man ở Hậu Giang cũng liên tục khiến người dân vùng lân cận khốn khổ,...

Hệ quả là, ô nhiễm môi trường ở Việt Nam trở thành vấn đề khiến các nhà đầu tư quốc tế cũng e ngại.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức mới đây, ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), cho rằng: Tình hình môi trường của Việt Nam có thể nói ngày càng trở nên tồi tệ hơn,... Không chỉ các thành viên của JCCI mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác ở Việt Nam đang quan ngại về vấn đề môi trường như tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường đất đang ngày càng tăng sau từng năm”, báo cáo của Hiệp hội này nêu rõ.

Nhật Bản từng có thời kỳ phải đối mặt với những vấn đề môi trường nghiêm trọng trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, khi quy mô sản xuất, tiêu dùng, lượng rác thải lớn gây ô nhiễm. Nhưng theo đại diện JCCI, Nhật Bản đã khắc phục được vấn đề này chủ yếu nhờ các “công nghệ môi trường hiện đại" và "chính sách khuyến khích doanh nghiệp có hoạt động thân thiện với môi trường”.

Đó là cách mà ông Koji Ito cho rằng Việt Nam có thể học hỏi để xử lý vấn đề môi trường.

Cũng chung nỗi lo về ô nhiễm ở Việt Nam, ông Tomaso Andreatta - đồng chủ tịch VBF - cảnh báo: Người tiêu dùng trên khắp thế giới ngày càng ngần ngại không muốn mua sản phẩm đến từ các nước có tình trạng khẩn cấp về môi trường.

Theo Lương Bằng
VietnamNet

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *