Đầu tư 17/04/2015 19:18

Doanh nghiệp Việt vẫn “e ngại” vào Phần Lan

FICA - Chính sự yếu kém về trình độ công nghệ, rào cản thương mại, ít hiểu biết về thị trường… đang là những thách thức đánh mất tiềm năng hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Phần Lan hiện nay.

Tại hội thảo “Cơ hội hợp tác với DN Phần Lan” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn ra ngày 17/4, trước cơ hội hợp tác ngày càng rộng mở thì rất ít DN Việt Nam tỏ rõ tự tin đầu tư vào nước này.

 

 

Ông Đỗ Đình Khang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH tư vấn và phát triển công nghệ CKL, cho biết DN hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với thị trường Phần Lan (nói thẳng ra là DN không làm được).

 

Một trong những vật cản khi hợp tác với DN Phần Lan được ông Khang cho biết là do DN yếu kém về công nghệ. “Sở dĩ DN vẫn chưa hợp tác kinh doanh với các DN Phần Lan là vì hiện nay DN vẫn đang gặp khó khăn ở khâu bảo quản sản phẩm sau chế biến. Cụ thể, muốn xuất khẩu quả vảo thiều sang Phần Lan thì phải bảo quản quả vải tươi ngon từ 35-40 ngày. Tuy nhiên, do trình độ công nghệ bảo quản sau chế biến của DN nói riêng và công nghệ trên cả nước nói chung còn quá yếu. Do vậy, hiện nay DN vẫn ngậm ngùi chấp nhận xuất khẩu quả vải qua thị trường Trung Quốc – một thị trường đầy rủi ro vì cứ được mùa lại mất giá”, ông Khang chia sẻ.

 

Cùng với đó, theo ông Khang thị trường Phần Lan nói riêng và EU nói chung cũng rất khắt khe trong quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nên nếu không cẩn thận, DN Việt rất dễ bị “tuýt còi” vi phạm tồn dư chất bảo quản trong sản phẩm.

 

Đánh giá về kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước hiện nay, ông Kimmo Lähdevirta, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho rằng mối quan hệ thương mại tốt nhưng kim ngạch thương mại giữa 2 nước vẫn còn dưới mức tiềm năng của 2 quốc gia rất nhiều.

 

Các DN Việt Nam nếu muốn kinh doanh tại thị trường Phần Lan thì trước hết phải đảm bảo vượt qua 3 rào cản. Thứ nhất, về ngôn ngữ, các DN Việt Nam phải có vốn tiếng Anh nhất định mới có thể trao đổi hợp tác làm ăn với DN Phần Lan. Thứ hai là DN Việt Nam cần phải hiểu biết về văn hóa của Phần Lan, từ cách mọi người nói chuyện như thế nào đến hành động nào được xem là lịch sự, hành động nào được xem là bất lịch sử. Và cuối cùng là DN Việt Nam cần phải tìm hiểu luật pháp của Phần Lan để kinh doanh đúng pháp luật.

 

Phần Lan hiện là 1 trong 3 nước ít tham nhũng nhất thế giới, công nghệ thông tin và viễn thông phát triển, đặc biệt là nếu thâm nhập thành công thị trường này, các DN Việt Nam có thể làm bàn đạp để thâm nhập thành công thị trường của các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU).

 

Từ ngày 12-15/5, phái đoàn DN Phần Lan đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực Giáo dục và Công nghệ thông tin và Viễn thông sẽ đến Việt Nam, tiếp nối cho phần thảo luận mà Thủ tướng Phần Lan đã trao đổi với Thủ tướng Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái. Phái đoàn DN Phần Lan lần này nhằm tìm hiểu cách hoạt động kinh doanh ở Việt Nam như hợp tác với công ty nào, ai sẽ là đại diện cho công ty của họ tại thị trường Việt Nam và đặc biệt là nhu cầu thị trường Việt Nam như thế nào để DN Phần Lan đưa ra quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *