Đầu tư 22/12/2013 16:00

DN quốc phòng không đứng ngoài cuộc chơi

Ý kiến chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ đối với Đề án Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng giai đoạn 2013 - 2015, đã cho thấy, dù có đặc thù, nhưng các doanh nghiệp quốc phòng cũng không thể đứng ngoài xu hướng hội nhập của nền kinh tế.

 

Nhiều bước đi cụ thể đã được chỉ rõ khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giải thể Công ty 7/5 - Quân khu 7; thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty 36 và Công ty TNHH một thành viên Trường An; thực hiện thoái vốn nhà nước tại 9 doanh nghiệp cổ phần khác, trong đó có những doanh nghiệp tên tuổi như Công ty An Bình, Công ty Misoft, Công ty Hà Đô... Cùng với đó là việc tổ chức lại công ty TNHH một thành viên, đồng thời cổ phần hóa 5 đơn vị phụ thuộc Tổng công ty Thành An.

Đáng chú ý là, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo duy trì 90 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng, gồm Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng 17 tổng công ty và 72 công ty TNHH một thành viên.

Có thể thấy, trong số các doanh nghiệp được chỉ đạo đổi mới, sắp xếp hay giải thể đợt này có cả những doanh nghiệp yếu, nhưng cũng có những doanh nghiệp mạnh, đã thể hiện vai trò đầu tàu không những trong hàng ngũ doanh nghiệp quốc phòng, mà cả trong nền kinh tế đất nước, như Tập đoàn Viettel, Tổng công ty 36…

Đánh giá của Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) cũng cho thấy, mặc dù trong năm 2012, suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến sức phát triển chung của doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp quân đội vẫn phát triển vượt kế hoạch. Tính đến ngày 20/12/2012, các doanh nghiệp quân đội 100% vốn nhà nước đạt doanh thu hơn 228.500 tỷ đồng, tương đương 112% kế hoạch, nộp ngân sách đạt 15.500 tỷ đồng, tương đương 110% kế hoạch. Trong đó, doanh thu tại Viettel tăng 18,5%, lợi nhuận tăng gần 40%, vượt VNPT. Năm 2013, doanh thu của Vietel tiếp tục vượt năm 2012 và tăng trưởng khá khả quan.

Điều đó cho thấy, yêu cầu đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp quốc phòng là đòi hỏi khách quan, không loại trừ bất kỳ doanh nghiệp trong lĩnh vực nào. Đó còn là yêu cầu sắp xếp, tái cơ cấu với không chỉ doanh nghiệp yếu.

Đáng nói là, các doanh nghiệp quốc phòng thường được biết đến với vai trò “doanh nghiệp lưỡng dụng”, đứng chân trên các địa bàn trọng điểm, kết hợp giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội trên địa bàn. Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có bề dày 69 năm hình thành và phát triển, thì đặc thù này càng đòi hỏi doanh nghiệp quốc phòng phải đổi mới nhanh hơn, hiệu quả hơn để đảm đương nhiệm vụ đó.

Chính vì thế, việc một mặt duy trì những doanh nghiệp quốc phòng 100% vốn nhà nước để đảm bảo các nhiệm vụ đặc thù, đồng thời cổ phần hóa, sắp xếp lại những đơn vị khác để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh là phù hợp với xu hướng phát triển, hội nhập kinh tế.

Theo Huy Hào

Đầu tư

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *