Đầu tư 06/11/2014 11:42

Công ty y khoa Mỹ chi 2,2 triệu USD để dành hợp đồng: “Chỉ sợ không phát hiện được ra”

FICA - “Tôi hi vọng qua đợt này ta sẽ tìm ra tiêu cực ở lĩnh vực nào, dược hay thiết bị y tế, hay cái gì”, đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho biết.

Bên lề Quốc hội sáng nay 6/11, đại biểu Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao đổi về thông tin một công ty y khoa của Mỹ đã hối lộ quan chức.

Ông Tiên cho hay: Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị làm rõ thông tin trên. Việc này cần phải xác định cho rõ, vì thực tế năm ngoái Trung Quốc cũng phạt một công ty tới mấy tram triệu USD liên quan đến tội hối lộ.

Việc này liên quan đến Việt Nam nên phải làm rõ đó là hoạt động nào, thiết bị y tế, thuốc, hóa chất hay cái gì…vì trong 5 năm mà có 2,2 triệu USD thì còn quá nhỏ vì nguyên chuyện bảo hiểm xã hội ta đã công bố đấu thầu thuốc lại với giá đã dư ra mấy nghìn tỷ rồi.

Chúng ta phải kiểm tra rõ xem vì thực tế hiện nay vấn đề về chi hoa hồng cho những người bán thuốc, bác sĩ kê đơn thuốc khá phổ biến.

Nhưng làm thế nào để kiểm soát được việc này, đây là vấn đề rất lớn. Các nước như Mỹ họ công bố đấy, họ kiểm soát ngay từ công ty, kiểm tra xem danh sách đã chi hoa hồng như thế nào, chi những ai, từ đó họ mới phạt ngược lại.

Phía Việt Nam mình muốn kiểm soát lắm nhưng rất khó. Tôi hi vọng qua đợt này ta sẽ tìm ra tiêu cực ở lĩnh vực nào, dược hay thiết bị y tế, hay cái gì.

Thưa ông, nếu phát hiện ra thì phải xử lý thế nào?

Phát hiện ra thì phải xử thôi. Chỉ sợ không phát hiện được ra thôi. Nhưng công ty này có hình thức hối lộ rất khó. Một là tài trợ cho các bác sĩ đi dự hội thảo cũng cộng vào thì mới thành ra mấy triệu đô. Ví dụ một hãng nào đó tài trợ cho mấy trăm ông đi dự hội thảo, mỗi ông mấy nghìn đô, cộng lại đã thành như thế rồi. Vậy phát hiện và xử lý cái đó như thế nào? Rất khó đối với chúng ta. Nhưng tôi nghĩ việc họ công bố như thế cũng là một cái dịp tốt cho Việt Nam tìm cách đưa giá thuốc và những giá thiết bị y tế về giá trị thực mà không bị chi phối bởi hoa hồng.

Chúng tôi cũng muốn Quốc hội ban hành luật đấu thầu, trong đó mục riêng về đấu thầu thuốc cũng muốn kiểm soát chặt chẽ cái này. Vì cái này đã phổ biến ở nhiều nước, mà Trung Quốc cũng là một ví dụ.

Theo đánh giá của ông, liệu đây là vụ việc duy nhất liên quan tới việc đấu thầu thuốc ở Việt Nam hiện nay?

Có hàng mấy chục công ty dược họ bán thuốc ở Việt Nam, mà tôi nghĩ là chỗ nào cũng có hoa hồng chứ không phải không, nhưng vấn đề là chúng ta làm thế nào để phát hiện ra là một cái rất khó.

Hiện có tình trạng chi hoa hồng khi ký hợp đồng thì tiền cứ chảy vào tài khoản của họ, ông nghĩ sao về thực trạng này?

Họ trả hoa hồng thì có nhiều cách lắm, tài trợ đi nước ngoài, trả tiền trực tiếp chứ không chỉ mỗi trả tiền vào tài khoản. Đúng là nhiều nơi vẫn có tình trạng trả hoa hồng từ đơn thuốc.

Tại sao chúng ta lại không phát hiện ra những vụ việc như thế mà lại chủ yếu từ nước ngoài?

Trong nước rất khó, họ có cơ chế trả hoa hồng tinh vi, khó phát hiện và điều này đã phổ biến ở nhiều nước và rất khó phát hiện ra.

Theo ông, Luật của chúng ta cần ban hành những nội dung gì để cấm, hạn chế tình trạng này?

Cái này khó. Vì doanh nghiệp làm việc ở lĩnh vực đó, họ mời với danh nghĩa đi tham dự một hội nghị khoa học về lĩnh vực chuyên môn nào đó, đó là dịp tốt cho cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, còn tài chính khó kiểm soát. Chủ yếu là tính tự giác, y đức và công tác quản lý cán bộ của chúng ta.

Vậy phải có cơ chế nào kiểm soát tài sản thu nhập của quan chức hiện nay?

Ta đã có luật thuế thu nhập và chính sách kiểm soát kê khai tài sản, nhưng văn hóa tiền mặt của ta rất khó. Nhật họ nói thu nhập của các bác sĩ bệnh viện kiểm soát chặt nên lương của họ cao hơn gấp 3 lần so với mức bình quân của xã hội, nhưng người ta kiểm soát rất chặt. Còn ở ta, lương thế này thôi nhưng lương các bác sĩ trong một số bệnh viện lớn rất cao. Trong khu nhà ở Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức nhiều ô tô cá nhân lắm. Việt Nam ta rất khó kiểm soát thu nhập cá nhân của nguồn nào, mặc dù nhà nước ta đang triển khai nhưng cũng rất vất vả.

Chỉ sau này chúng ta kiểm soát được thu nhập cá nhân qua tài khoản thì mới có thể chống được tham nhũng.

  • Xin cảm ơn ông!

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội:  Đến giờ tôi chưa tiếp cận được với thông tin này. Nhưng quả thực nếu có như thế thì phải làm thật nghiêm như các dự án ODA về giao thông. Tuyệt đối không thể để như thế được! Dù là viện trợ hay tiền ngân sách nhà nước thì cũng chính là tiền thuế của nhân dân.

Chúng ta phải bỏ ra một khoản tiền lớn như thế nhưng nó lại chảy vào túi cá nhân. Rồi có thể giá các thiết bị y tế đó nâng lên, lúc đó ai sẽ là người phải hứng chịu? Chính là người dân, những người tham gia vào dịch vụ y tế người ta sẽ lãnh đủ. Vì số tiền thất thoát ấy cuối cùng rơi vào giá thành.

Cuộc sống người dân đã khó khăn rồi, lại phải sử dụng các dịch vụ y tế như vậy thì không thể chấp nhận được. Dân gánh chịu hệ quả, còn lợi ích lại rơi vào túi cá nhân.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *