Đầu tư 12/07/2014 00:21

Bộ máy kinh tế tiêu tốn 3,4 triệu tỷ vốn FDI

FICA - Tại thời điểm 31/12/2013, trong khi số doanh nghiệp FDI tăng gấp 6 lần năm 2000 thì số lao động gấp gần 8 lần và tổng vốn sử dụng cho SXKD tăng gấp 14,2 lần.

Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam giai đoan 2000-2013 trong đó cho biết, tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc thời điểm 31/12/2013 đã lên đến con số 9.093 doanh nghiệp, gấp 6 lần năm 2000. Bình quân giai đoạn 2000-2013 mỗi năm tăng xấp xỉ 16%. 

Trong số này, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là 7.543 doanh nghiệp (chiếm 83% toàn bộ doanh nghiệp FDI) gấp 8,8 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000 - 2013 mỗi năm tăng xấp xỉ 20%. Doanh nghiệp liên doanh là 1.550 doanh nghiệp (chiếm 17% số doanh nghiệp FDI) gấp 2,3 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 mỗi năm tăng 6,7%. 

Số doanh nghiệp FDI đang hoạt động thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng hiện chiếm tỷ lệ cao nhất với 73% (riêng ngành công nghiệp chiếm 66,4%). Tiếp đến là khu vực dịch vụ với 25,7%. Trong khi số doanh nghiệp FDI hoạt động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 123 doanh nghiệp, chiếm 1,4%.

Lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI tại thời điểm 31/12/2013 trên 3,2 triệu người, gấp gần 8 lần năm 2000, trong đó doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 92% (năm 2000 là 70,2%), doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài chiếm 8% (năm 2000 là 29,8%), bình quân mỗi năm thu hút thêm 216.500 lao động, góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm của nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng hiện thu hút lao động khu vực FDI đạt tỷ lệ cao nhất với 91% (riêng ngành công nghiệp 90,2%).

Tổng số vốn của khu vực doanh nghiệp FDI sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh thời điểm 31/12/2013 là 3.411.000 tỷ đồng, gấp 14,2 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 tăng 22,4%/năm. Trong đó vốn FDI đầu tư vào khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 55,2% (riêng công nghiệp là 54,1%); tiếp đến là khu vực dịch vụ 44,5% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 0,3%.

Doanh thu thuần năm 2013 của khu vực doanh nghiệp FDI là 3.138.000 tỷ đồng, gấp 19,4 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 tăng 25,3%/năm. Theo khu vực, công nghiệp và xây dựng có số doanh thu FDI cao nhất với 81,5%, tiếp đến là khu vực dịch vụ 18,2% và thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 0,3%.

Lợi nhuận trước thuế năm 2013 của khu vực FDI đạt 248.000 tỷ đồng,  gấp 11,5 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 tăng 15,4%/năm.

Đóng góp vào ngân sách Nhà nước của khu vực này năm 2013 là 214,3 nghìn tỷ đồng, gấp 9 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 tăng 18,1%/năm.

Hiệu suất sinh lời vượt xa DNNN và doanh nghiệp nội

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp FDI tăng nhanh về quy mô và kết quả sản xuất kinh doanh nhưng tỷ trọng chiếm trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2000-2013 thay đổi không nhiều

Đây cũng là khu vực doanh nghiệp được đánh giá là sản xuất kinh doanh năng động, ổn định và hiệu quả. Chỉ số quay vòng vốn (tính bằng doanh thu trên vốn) của khu vực FDI cao hơn các khu vực còn lại. Chỉ số này của khu vực FDI năm 2013 đạt 0,9 lần (năm 2000 là 0,7 lần), trong khi khu vực DN ngoài nhà nước là 0,7 lần và thấp nhất là các DNNN chỉ có 0,5 lần. 

Hiệu suất sinh lợi trên vốn và trên doanh thu của khu vực FDI cũng cao hơn nhiều so với các khu vực còn lại. Cụ thể, hiệu suất sinh lời trên vốn và trên doanh thu của khu vực FDI năm 2013 đạt 7,3% và 7,9% trong khi khu vực DNNN đạt 3,2% và 6%, thấp nhất là khu vực DN ngoài nhà nước với 0,8% và 1,2%. Thu nhập bình quân một lao động một tháng năm 2013 đạt 6,6 triệu đồng, thấp hơn mức 9,6 triệu đồng của khu vực DNNN, nhưng cao hơn mức 5,1 triệu đồng của khu vực DN ngoài nhà nước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, mặc dù khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng không cao trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp về các chỉ tiêu như số doanh nghiệp, lao động, vốn và doanh thu, nhưng khu vực này lại chiếm tỷ trọng cao về lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước. Năm 2013 các doanh nghiệp FDI chiếm tới 45,4% tổng lợi nhuận và 30,5% tổng số nộp ngân sách nhà nước của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.  

Do tăng trưởng nhanh hơn các khu vực kinh tế khác nên khu vực FDI đóng góp tỷ trọng ngày càng vào GDP. Năm 1995 tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực FDI chỉ đạt 6,3%, tăng lên 15,2% năm 2000 và 19,6% năm 2013.

Chỉ 0,3% vốn FDI chảy vào nông nghiệp!

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tích cực, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, khu vực doanh nghiệp FDI thời gian qua vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Các doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung vào hoạt động gia công, lắp ráp, nguyên vật liệu chủ yếu nhập ngoại nên giá trị gia tăng chưa cao, điển hình là các hoạt động lắp ráp ô tô, xe máy, điện - điện tử, may mặc, da giầy, trong khi Việt Nam là một nước có thế mạnh về nông nghiệp thì tỷ trọng vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào sản xuất kinh doanh ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản rất thấp và có xu hướng giảm dần, năm 2000 chiếm 0,6% tổng vốn FDI giảm xuống còn 0,3% năm 2013.

Thêm vào đó, kỳ vọng rất lớn của Việt Nam là các doanh nghiệp FDI sẽ góp phần tích cực nhất vào việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng cho các nhà quản lý doanh nghiệp của Việt Nam. Đồng thời với kỳ vọng phát triển nhanh chóng các ngành có công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, giúp đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê thì các kỳ vọng trên hầu như còn khá lâu mới đạt mục tiêu. Tỷ lệ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thời điểm 31/12/2013 chiếm 83% (còn lại 17% là DN liên doanh với nước ngoài), trong khi tỷ lệ này năm 2000 chỉ có 56% cho thấy mô hình liên doanh không hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, hoặc khi mới thành lập là liên doanh để tận dụng các điều kiện thuận lợi của các đối tác trong nước về đất, miễn giảm thuế, cơ sở hạ tầng và các ưu đãi khác, dần dần mua lại toàn bộ cổ phần để trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. 

Các doanh nghiệp FDI hiện nay chủ yếu tập trung vào hoạt động ở các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động phổ thông có chi phí nhân công thấp. Mặc dù đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã được gần 30 năm, nhưng chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, khai thác dầu khí, gia công, lắp ráp với các trang thiết bị, dây chuyền công nghệ trung bình hoặc đã lạc hậu.

Mặt khác, Việt Nam đã và đang áp dụng các qui định về môi trường dành cho các nước đã và đang phát triển. Song, vẫn còn không ít các doanh nghiệp FDI không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết khi đăng ký kinh doanh về đầu tư trang thiết bị và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. 

Tổng cục Thống kê ghi nhận, trong 30 năm đổi mới, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của nền kinh tế và khu vực này vẫn tiếp tục có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động; nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. 

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Tổng cục, trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục rà soát môi trường đầu tư, tạo yếu tố minh bạch và ổn định cho các nhà đầu tư nước ngoài để Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư.


Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *