Đầu tư 03/09/2014 20:49

“Cái mất lớn nhất qua vụ sập trần nhà thi đấu là uy tín!”

FICA - Thiệt hại về mặt vật chất có thể lên đến hàng tỷ đồng, nhưng theo ông Nguyễn Minh Hoàng điều đấy vẫn không lớn bằng tổn hại về mặt uy tín của trung tâm này.

Thiệt hại sau vụ sập trần nhà thi đấu (NTĐ) Phan Đình Phùng hiện tại ở mức nào, thưa ông?

Rất khó nói con số chính xác, nhưng theo ước tính, không dưới hàng tỷ đồng. Diện tích khu vực bị sập ở trần và diện tích bị ảnh hưởng ở mặt sàn là vào khoảng 60m2 – tương đương với diện tích của một căn hộ loại vừa ở các chung cư. Ngoài phần trần phải khắc phục, thì phần mặt sàn bị ảnh hưởng vừa nêu chắc chắn cũng không thể tiếp tục để thi đấu được nữa rồi. Rất may mắn là không có ai bị thương.
 

“Cái mất lớn nhất qua vụ sập trần nhà thi đấu là uy tín!”
Vụ sập trần NTĐ Phan Đình Phùng xảy ra ở một giải đấu quốc tế, khiến uy tín của NTĐ này bị tổn hại (ảnh: Quang Tài)


Với tình trạng tạm đóng cửa hiện nay, ông có thể ước tính mỗi ngày NTĐ Phan Đình Phùng sẽ bị thiệt hại bao nhiêu không?

Nếu nói về thiệt thòi, thì không phải là về kinh tế, mà phong trào sẽ bị thiệt thòi. Phan Đình Phùng là nơi diễn ra các giải đấu của các ban, ngành, thậm chí lễ khai giảng của một số trường cũng đưa về đây, nên không thể tính theo giá trị kinh tế thông thường được. Ngoài ra, thiệt hại lớn nhất theo tôi, đó là về mặt uy tín.

Cụ thể là gì, thưa ông?

Sự cố xảy ra ở một giải đấu quốc tế. Bây giờ, chắc chắn các VĐV và HLV nước ngoài không dám quay lại đây thi đấu nữa đâu. Có sửa xong phần trần và sàn thi đấu họ cũng không dám quay trở lại, không chỉ ở môn cầu lông mà còn nhiều chương trình thi đấu khác. Khán giả cũng vậy, họ không dám tới nữa đâu, từ giờ họ cũng sợ sự cố chứ! 
 

“Cái mất lớn nhất qua vụ sập trần nhà thi đấu là uy tín!”
GĐ trung tâm TDTT Phan Đình Phùng Nguyễn Minh Hoàng (giữa) thừa nhận việc trung tâm đang mất uy tín (ảnh: Trọng Vũ)


Cho đến giờ, nguyên nhân của vụ sập trần nhà là gì?

Chúng ta phải hiểu là NTĐ Phan Đình Phùng đã hoạt động hơn 30 năm nay, cơ sở vật chất đã cũ, nhiều chỗ đã mục. Hàng năm hoặc trước các giải đấu chúng tôi đều làm công tác bảo dưỡng, nhưng chủ yếu là chống mối, mọt ở trần và mặt sàn là chính. Còn về kết cấu, nói thật là ít dám đụng vào, vì đồ cũ thì đụng cái này lại sợ hư cái khác.

Vậy thì phương án khắc phục của trung tâm TDTT Phan Đình Phùng sau sự cố sập trần nhà nói trên ra sao, thưa ông?

Chúng tôi đang làm báo cáo trình lên cơ quan chủ quản và các cấp có liên quan. Trước mắt sẽ là 2 phương án. Phương án thứ nhất là sửa chữa và khắc phục sự cố như hiện nay. Nhưng như thế cũng khó, vì như đã nói ở trên, người ta cũng sợ, sửa xong cũng ít người dám vào, trừ khi có hình ảnh mới hoàn toàn về NTĐ Phan Đình Phùng.

Chính vì thế, chúng tôi sẽ đề xuất tiếp phương án 2 là xây mới công trình này. Đây là đề án đã có từ năm 2010, nhưng cho đến giờ vẫn chưa được thông qua. Dù vậy, việc xây mới hay không còn phải chờ cấp trên xem xét. Tôi cũng xin nói thêm rằng ngoài các giải quốc tế mở rộng, còn lại các giải chính thức NTĐ Phan Đình Phùng không còn đủ tiêu chuẩn để tổ chức theo thông lệ quốc tế, vì mặt sàn nhỏ hơn so với tiêu chuẩn, các phòng chức năng cũng không đủ!

Xin cám ơn ông!
 

Trọng Vũ
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *