Thời sự 05/01/2014 08:49

Đầu tư ra nước ngoài phải mở tài khoản vốn bằng ngoại tệ

FICA - NHNN quy định, mọi giao dịch chuyển ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 36 quy định việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ 14/2 tới.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải mở 1 tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng (TCTD) được phép và thực hiện đăng ký với NHNN hoặc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố.

Mọi giao dịch chuyển ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua tài khoản này.

Đặc biệt, nhà đầu tư có nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp riêng biệt cho từng dự án.

Trường hợp dự án có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp riêng biệt tại cùng một TCTD được phép để chuyển ngoại tệ trong phạm vi giá trị vốn theo Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Cũng theo thông tư của NHNN, tài khoản vốn đầu tư trực tiếp được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu sau: Thu từ tài khoản ngoại tệ của nhà đầu tư; Thu từ nguồn ngoại tệ mua từ TCTD được phép phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; Thu từ nguồn ngoại tệ đi vay (bao gồm các khoản vay trong và ngoài nước) phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, tài khoản vốn đầu tư trực tiếp còn được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu sau: Thu từ lợi nhuận chuyển về nước từ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; Thu vốn bằng ngoại tệ đã đầu tư về Việt Nam khi giảm vốn, thanh lý hoặc kết thúc hoạt động đầu tư ở nước ngoài; Thu nợ gốc và lãi của các khoản cho vay cổ đông đối với dự án đầu tư ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; Các giao dịch thu khác liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển lợi nhuận; chuyển vốn đầu tư về nước sau khi thanh lý, giải thể, giảm quy mô vốn, chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư.

Trường hợp muốn sử dụng lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư trực tiếp vào dự án đang đầu tư hoặc đầu tư vào dự án khác, nhà đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh hoặc xin cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho dự án đó và thực hiện báo cáo NHNN theo quy định tại Thông tư này.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3/2013 đã có 742 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 15,5 tỷ USD.

Các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam tập trung phần lớn vào ngành công nghiệp khai khoáng với 99 dự án, tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ USD, (chiếm 13,3% về số dự án và 46% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là ngành nông, lâm, thủy sản chế biến với 80 dự án, tổng vốn đầu tư 1,9 tỷ USD (chiếm 10,8% số dự án và 12,6% tổng vốn đầu tư). Lĩnh vực công nghiệp điện đứng thứ ba với 1,8 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 12,1%.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng không chỉ tập trung vào đầu tư ở các nước láng giềng hay đối tác quen thuộc như Lào, Campuchia hay Nga mà phát triển ra những khu vực xa hơn như các nước khu vực châu Phi, châu Mỹ, thậm chí cả những nước kinh tế phát triển như Australia, Mỹ, Singapore, Nhật Bản… với tổng số là 59 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *