Thời sự 10/07/2014 10:32

Bức tranh nợ xấu vẫn mù mờ

FICA - Việc mua lại nợ chưa phải là bước đi cuối cùng để giải quyết nợ xấu, VAMC vẫn cần phải xử lý hay bán được nợ, đặc biệt là cho các đối tác nước ngoài.

Theo tính toán của Chứng khoán BIDV (BSC) tại Báo cáo chiến lược vĩ mô và thị trường 6 tháng 2013, với tỷ lệ nợ xấu được công bố gần đây nhất của NHNN hiện ở mức 7%, con số tuyệt đối vào khoảng 240.000 tỷ đồng. 

Đáng lưu ý là vấn đề thống kê và chuẩn tính toán khác nhau nên số liệu về nợ xấu của Việt Nam có sự chênh lệch lớn giữa các nguồn công bố. Nhóm phân tích dẫn 3 nguồn số liệu: Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng gửi lên NHNN, tỷ lệ này chỉ ở mức 4,03% (cho đến thời điểm cuối tháng 4). Theo Moody (một trong 03 cơ quan đánh giá, xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới), tỷ lệ nợ xấu ở mức cao hơn nhiều là 15%, tuy nhiên con số của NHNN vẫn được coi là có tính pháp lý chính thức cao nhất. Còn nếu dựa vào số liệu do các tổ chức tín dụng báo cáo NHNN, thì nợ xấu đang có xu hướng tăng kể từ thời điểm đầu năm (từ 3,74% lên 4,03%), nhưng vẫn thấp hơn mặt bằng nợ xấu cả năm 2013 (trung bình 4,5%). 

Nửa đầu năm 2014 cũng là thời gian NHNN ban hành nhiều văn bản quan trọng quy định vấn đề phân loại nợ ngân hàng. Thông tư 09 sửa đổi Thông tư 02 có hiệu lực từ 1/6 đã có những quy định về việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện 01 lần. Điều 
này chặt chẽ hơn so với trước đó khi một số tổ chức tín dụng đã lợi dụng Quyết định 780 để quay vòng gia hạn nợ những vẫn giữ nguyên nhóm 
nợ nhiều lần, theo BSC.

Tuy vậy, một số điểm sửa đổi trong Thông tư 09 lại tiếp tục đẩy lùi thời hạn hiệu lực với một vài quy định (khoản 3 Điều 8 & khoản 1 Điều 9) sang tới đầu năm 2015. 

Theo đó, các tổ chức tín dụng vẫn chưa phải thực hiện phân loại nợ và thực hiện điều chỉnh phân loại theo kết quả của CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng) cho tới hết năm 2014. BSC cho rằng, điều này phần nào khiến bức tranh nợ xấu toàn hệ thống vẫn chưa được hiển thị một cách rõ ràng và gây khó khăn cho công tác xử lý nợ. 

"Có lẽ cũng vì sự trì hoãn này mà sức ép bán nợ của các ngân hàng cho VAMC đang giảm mạnh" - báo cáo của BSC nhận xét. Theo số liệu công bố gần nhất, tính từ đầu năm đến nay, VAMC đã mua được hơn 10.000 tỷ đồng nợ xấu từ 20 tổ chức tín dụng, nâng tổng nợ mua lên 50.000 tỷ đồng. 

Có thể thấy tốc độ mua nợ chậm đáng kể khi mới đạt khoảng 25% so với năm trước. Theo dự đoán của BSC, khả năng trong quý III, thị trường vẫn sẽ tiếp tục chứng kiến sự thu hẹp hoạt động mua nợ của VAMC nhưng tới quý IV sẽ tăng trở lại khi tới sát hạn phân loại nợ theo Thông tư 02 nói trên. 

Cá nhân VAMC đặt ra mục tiêu mua khoảng 70 nghìn - 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm nay và việc đạt được mục tiêu này hay không còn phụ thuộc nhiều vào độ chặt hay tính khuyến khích của các biện pháp gắn với lợi ích kinh tế áp dụng đối với các tổ chức tín dụng. 

"Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại rằng việc mua lại nợ chưa phải là bước đi cuối cùng để giải quyết nợ xấu", theo BSC. VAMC vẫn cần phải xử lý hay bán được nợ, đặc biệt là cho các đối tác nước ngoài. 

Trong nửa đầu năm 2014, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hành lang pháp lý cho việc bán nợ xấu (VAMC cần phải sớm xác định các vấn đề cụ thể liên quan tới việc bán nợ như: Sẽ bán ra cho những đối tượng nào? Bán bằng cách nào? Cơ chế bán là gì?...) nên đây tiếp tục là thách thức đối với kinh tế trong nước trong thời gian tới. 

Do phải đối mặt với nhiều vấn đề mới và phức tạp nên thời gian xây dựng có thể còn kéo dài, nhưng một lộ trình rõ ràng cần sớm được vạch rõ để thực hiện để tránh tình hình xấu đi và có thể gây ra các tổn thất lớn hơn. 

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *