Thời sự 11/01/2014 09:07

Bán tiền lẻ lấy… tiền chẵn

Không biết từ bao giờ, dịch vụ đổi tiền lẻ xuất hiện và ngày càng phát triển, biến tướng tại hầu hết các điểm tham quan, du lịch, lễ hội. Khách du lịch, dù là “tây” hay “ta”, đến bất cứ điểm du lịch lễ hội nào nếu cần tới tiền lẻ sẽ được đáp ứng tức thì...

Vẫn như mọi năm, cứ năm hết Tết đến, tiền lẻ lại trở thành “hàng tết” được trao đổi, thậm chí mua bán nhộn nhịp trên thị trường. Tiền khi được thành tâm dắt khắp tượng phật, khi bị rải ra đường đuổi vận đen, khi “biến” thành kẹo, thành vé gửi xe... Kinh tế ngày càng phát triển, thu nhập bình quân của người dân đã lên đến gần 2.000 USD/người/năm… Thế nhưng văn hóa tiêu tiền, dùng tiền của người Việt Nam lại không hề “phát triển”. Có lẽ, đã đến lúc mở chiến dịch nhằm nâng cao ý thức người dân trong sử dụng tiền.

 

 


Ảnh minh họa

 

“Tỷ giá”: Hai ăn một!

 

Không biết từ bao giờ, dịch vụ đổi tiền lẻ xuất hiện và ngày càng phát triển, biến tướng tại hầu hết các điểm tham quan, du lịch, lễ hội. Khách du lịch, dù là “tây” hay “ta”, đến bất cứ điểm du lịch lễ hội nào nếu cần tới tiền lẻ sẽ được đáp ứng tức thì. Tại Đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh), bất kể ngày thường hay mùa lễ hội cuối năm và đầu xuân, chỉ bước vào khu vực gần đền là du khách đã được chào mời đủ loại hình dịch vụ như: viết sớ, bê mâm, mua tiền vàng… và, tất nhiên: đổi tiền lẻ.

 

Giá đổi tiền lẻ ở đây với tiền mệnh giá nhỏ 200 đồng và 500 đồng quanh mức 10 đồng “ăn” 5 đồng. Có nghĩa là 100 nghìn đồng sẽ đổi được 50 nghìn đồng tiền mệnh giá nhỏ trên. Song theo ghi nhận của phóng viên TBNH, có lẽ sôi động hơn cả là tại một số chùa lớn ở Hà Nội như chùa Phúc Khánh, chùa Hà.

 

Mặc dù, sau khi NHNN công bố năm nay không in tiền mệnh giá từ 2000 đồng trở xuống, cùng với sự vào cuộc của ngành Công an, Quản lý thị trường, nhưng những người làm dịch vụ này vẫn “thoắt ẩn, thoắt hiện” nhằm trốn tránh lực lượng chức năng. Tham khảo mức giá một số điểm đổi tiền lẻ khu vực chùa Phúc Khánh, các loại tiền có mệnh giá nhỏ 200 và 500 đồng được chủ cửa hàng “ra giá” 100 nghìn đồng chỉ đổi được 55 nghìn đồng. Tương tự, mệnh giá 1.000 và 2.000 đồng cũng được các “nhà kinh doanh tiền lẻ” đưa ra mức giá 100 nghìn đồng “ăn” 60 - 65 nghìn đồng.

 

Chị Nguyễn Thị Hà (Ngõ 58, Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy) – người đi lễ cho biết, chị thường xuyên đi lễ ở chùa Hà và là khách quen của những người bán tiền lẻ lấy tiền chẵn trước cổng chùa. Quan niệm “tiền xuất, phật biết” nên mỗi khi đi lễ tại bất cứ chùa nào, chị cũng đổi tiền lẻ để rải ra các ban.

 

Theo một số người đi lễ chùa và chị Hà, thì gần đây mức phí đổi tiền lẻ đã tăng lên so với trước. Mặc dù là khách quen nhưng chị Hà vẫn phải chịu “tỷ giá” tăng. Trước đây, giá đổi tiền lẻ các mệnh giá dưới 5.000 đồng là khoảng 110 nghìn đồng ăn 100 nghìn đồng. Nhưng hôm nay chị Hà phải bỏ ra từ 130 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng mới được 100 nghìn đồng mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng. Còn loại mệnh giá 500 đồng thì tỷ lệ “ăn” còn thấp hơn – tức “tỷ giá” ở mức cao hơn.

 

“Đi chùa thì không nên trả giá nên mức phí cao hay thấp tôi không mặc cả” – chị Hà tỏ vẻ duy tâm.

 


Dịch vụ đổi tiền lẻ gần chùa Hà hoạt động công khai

 

Phố tiền lẻ

 

Ngoài khu vực gần chùa, thì tại Hà Nội, người dân đều biết tới phố Đinh Lễ - còn có cái tên: “phố tiền lẻ”. Có lẽ do bị các cơ quan chức năng đưa vào “tầm ngắm” nên thời điểm này hoạt động đổi tiền ở đây không công khai như trước và những người bán tiền lẻ hoạt động thận trọng hơn.

 

Trong vai người đi uống nước vỉa hè, lân la vài câu chuyện, chúng tôi được chị chủ quán “bật mí”: mấy ngày gần đây đài báo nói công an sẽ vào cuộc dẹp các địa điểm đổi tiền nên họ tạm thời hoạt động bí mật. “Nếu cần thì chị đổi giúp. Có tất cả loại mệnh giá, nguyên sê – ri. Giá sàn ở đây với mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống là 55%, em cho chị xin công 5.000 đồng nữa”.

 

Không chỉ đổi trực tiếp, mà một số website cũng đăng thông tin dịch vụ đổi tiền lẻ. Chúng tôi vào một trang web và đọc được những lời rao hấp dẫn như: “Đổi tiền lẻ trong cả năm không phân biệt thời gian, giá cả hợp lý, cam kết không hét giá”…, hay “Chuyên đổi tiền lẻ với từng cọc tiền mới tinh, nguyên đai, nguyên kiện cho mọi người có nhu cầu với các mệnh giá như: 500 đồng (rất hiếm nhưng chúng tôi có), 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng”; “Cung cấp tiền có số sê - ri đẹp như ngày sinh, tứ quý, tam hoa, số tiến, số lùi với mức giá ưu đãi nhất. Chỉ cần gọi số điện thoại 0164464xxxx.”…

 

Hỏi một chủ dịch vụ đổi tiền lẻ sao lại tăng mức phí đổi tiền, phóng viên TBNH nhận được câu trả lời: mức phí tăng cao từ khi có thông báo năm nay NHNN sẽ không in tiền lẻ mệnh giá thấp, nên tất cả các sạp đổi tiền lẻ đều tăng mức phí, tùy thuộc vào từng mệnh giá.

 

Là người có tuổi và thường xuyên đi lễ chùa, bà Trần Thị Tuyết (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết, bà được chứng kiến nhiều người đi lễ rải tiền lẻ khắp nơi. Cứ chỗ nào có bát hương là rải tiền. Thậm chí người đi lễ rải cả tiền lẻ lên các mâm hoa quả, đặt vào tay, vào chân tượng, thậm chí dắt vào cổ tượng phật… “Ở đây cũng một phần do ý thức của người dân. Nhà chùa có những quy định về đặt tiền tại các ban chính, nơi đặt hòm công đức, nhưng tiền lẻ vẫn được rải khắp nơi” – bà Tuyết lắc đầu nói và cho rằng, gần đây các bạn trẻ có xu hướng rải tiền lẻ nhiều hơn.

 

“Theo tôi, mọi người đi lễ là thành tâm, không nên theo phong trào, chỗ nào cũng đặt tiền. Nếu có tâm công đức góp tiền xây dựng và ủng hộ cho chùa thì ở các chùa đều có hòm công đức chứ không nên rải tiền khắp nơi như vậy” – bà Tuyết nói.

 

Một người đi lễ khác, bà Nguyễn Thị Ngọt (Quan Nhân, Cầu Giấy) bày tỏ quan điểm: đài báo nói ngân hàng có chủ trương không in tiền mệnh giá nhỏ, theo tôi là đúng đắn. Tuy nhiên, cũng phải cần tuyên truyền mạnh ở các lễ hội thì mới hiệu quả. Vì rải tiền lẻ đã trở thành thói quen. Khi đã là thói quen thì nói cái thực hiện ngay là không thể.

 

“Tỷ giá” trao đổi giữa tiền lẻ và tiền mệnh giá lớn ngày càng tăng cũng không khiến người đi lễ bớt rải tiền. Điều đó chứng tỏ họ rất lòng thành. Nhưng có ai đặt nghi vấn rằng, liệu những đồng tiền lẻ sau khi đã được dâng Phật, lại quay vòng ra cổng chùa, rồi quay lượt tiếp… thì Phật có “tính” mà phù hộ cho những người đến sau, lại đổi tiền “to” lấy chính những đồng “tiền lẻ”, để dâng không? Ý nghĩa thực sự của việc người đi lễ dâng tiền giọt dầu là gì?

 

Và, thêm một câu hỏi từ những người đi lễ chùa nhưng lại chỉ có Tâm dâng Phật, muốn biết: Cơ quan chức năng làm gì trước thực trạng “rải” tiền lẻ của người dân?

Theo Thời báo Ngân hàng

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *