Thời sự 04/07/2014 17:02

Một loạt đại gia sở hữu ngân hàng vượt mức cho phép

Ở không ít ngân hàng, cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu dẫn đến nguy cơ thao túng, chi phối hoạt động của ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại Luật Các TCTD năm 2010 và yêu cầu các ngân hàng xử lý dứt điểm tình trạng này trước 31/3/2015, nhằm khắc phục tình trạng cổ đông lớn thao túng hoạt động ngân hàng.
 
 

Giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn bằng M&A

Theo quy định tại Luật các TCTD 2010, cổ đông là cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ; tổng số cổ phần của họ và người liên quan sở hữu cũng không được vượt 20% vốn điều lệ của một ngân hàng. Tuy nhiên, đã 3 năm kể từ khi Luật Các TCTD có hiệu lực, hiện vẫn còn 5 ngân hàng có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu 5%; 5 ngân hàng có cổ đông tổ chức nắm quá tỷ lệ 15% vốn và 8 ngân hàng có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu vượt tỷ lệ 20%.

Kết quả thanh tra của NHNN cũng cho thấy, ở không ít ngân hàng, cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu dẫn đến nguy cơ thao túng, chi phối hoạt động của ngân hàng, nhằm phục vụ cho lợi ích của cổ đông lớn, đẩy ngân hàng đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch hoặc quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc thận trọng và các quy định của pháp luật.

Vì vậy, NHNN yêu cầu các ngân hàng xử lý dứt điểm tình trạng này, chậm nhất trước 31/3/2015 (trừ ngân hàng thực hiện theo phương án tái cơ cấu đã được Thủ tướng, NHNN duyệt). Nếu quá thời hạn, cổ đông cá nhân, tổ chức và người có liên quan bị buộc chuyển nhượng cổ phần cho NHNN và sẽ mất quyền biểu quyết cũng như không được ứng cử làm thành viên HĐQT, Ban kiểm soát.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại Luật các TCTD cũng đề xuất cấm TCTD cấp tín dụng mới cho cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần và nếu đang có dư nợ với các đối tượng này, ngân hàng phải thu hồi sớm toàn bộ khoản tín dụng.

Theo một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng, những năm trước, nhiều cổ đông thâu tóm ngân hàng chủ yếu để phục vụ lợi ích của mình, dẫn đến lũng đoạn ngân hàng. Điều đó cũng có nghĩa “con nợ và chủ nợ” là một, để lại hậu quả lớn về nợ xấu cho ngành ngân hàng hiện nay.

“Sở hữu chéo bản chất không xấu, nếu biết dừng đúng lúc và không lạm dụng để tư lợi cho mình. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, không ít cá nhân, cổ đông đầu tư vào cổ phiếu của ngân hàng đã lợi dụng sở hữu chéo để tư lợi, dẫn đến khó khăn cho ngân hàng”, vị lãnh đạo trên nói và cho biết thêm, có thể nói sở hữu chéo đến thời điểm này đã giảm so với 2 năm trước thời điểm NHNN tái cơ cấu, nhưng chưa thể khẳng định mức độ nghiêm trọng của sở hữu chéo đã giảm hay chưa. Vì thế, giải pháp để xóa tình trạng sở hữu chéo và vượt trần tỷ lệ cổ phần nắm giữ là đẩy mạnh tái cơ cấu. Bởi sâu xa của việc tái cơ cấu ngành ngân hàng là do sở hữu chéo.

Tới đây, sẽ có nhiều ngân hàng phải sáp nhập, hợp nhất, nhất là với các nhà băng có cùng chung dáng dấp của một chủ sở hữu như: Southern Bank - Sacombank hay Maritime Bank- Mekong Bank…

Đến nay, đề án sáp nhập Southern Bank – Sacombank chưa hoàn tất và tỷ lệ cổ phần chuyển đổi vẫn là một ẩn số, nhưng điều dễ thấy là giúp một số cổ đông lớn đang chi phối cùng lúc 2 ngân hàng xóa được sở hữu chéo và đưa tỷ lệ sở hữu về mức quy định của pháp luật. Trong đó, có cá nhân ông Trầm Bê và người thân trong gia đình. Ông Bê hiện nắm 8,36% vốn điều lệ của Southern Bank, tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Bê tại Southern Bank vượt 20% cho phép. Tại Sacombank, ông Trầm Bê và các thành viên trong gia đình hiện sở hữu 6,78%.

Còn Maritime Bank hiện là một trong những cổ đông lớn đang nắm tỷ lệ cổ phần trên 10% tại MeKong Bank. Đồng thời, CTCK Maritime Bank, công ty con của Maritime Bank cũng nắm giữ 7,39% cổ phần MeKong Bank. 2 nhà băng này cũng có dáng dấp một chủ sở hữu nên việc sáp nhập giữa hai ngân hàng được cho là sẽ không quá mất nhiều thời gian, nhất là khi cổ đông chiến lược nước ngoài của MeKong Bank đã có kế hoạch thoái 20% vốn và chuyển nhượng lại cho Maritime Bank.

Bên cạnh đó, một số cổ đông lớn đang tìm cách thoái vốn để giảm tỷ lệ về mức cho phép. Bà Thái Hương, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc BacA Bank (hiện nắm tỷ lệ 7% cổ phần của nhà băng này) cho biết sẽ giảm dần tỷ lệ sở hữu về dưới 5% vào năm 2015. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường khó khăn, nhà đầu tư cạn tiền mặt, việc thoái vốn của cổ đông lớn là không dễ.

Có triệt được tận gốc?

Để có thể xóa được tình trạng cổ đông lớn thao túng ngân hàng cũng như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại một ngân hàng, giải pháp trước hết là tăng cường sáp nhập, hợp nhất ngân hàng.

Theo một chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, áp lực tăng vốn điều lệ theo quy định của Nghị định 141 đã làm tăng sở hữu chéo, vốn ảo và tạo cơ hội cho nhiều cổ đông lớn trong ngành thao túng các ngân hàng khiến nợ xấu gia tăng.

Thực tế, nhiều cổ đông nắm giữ cổ phần vượt quy định, nhưng trong 3 năm qua, chưa có trường hợp nào bị xử lý. Liệu khi hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại Luật các TCTD 2010 được ban hành có triệt được tận gốc cổ đông lớn thao túng ngân hàng?

Theo vị lãnh đạo trên, việc giảm tỷ lệ sở hữu về 5% với cổ đông cá nhân và 20% đối với một tổ chức tại một ngân hàng chưa đảm bảo rằng sẽ triệt tiêu được tình trạng thao túng hoạt động ngân hàng của một cổ đông, nhóm cổ đông. Bởi cổ đông lớn có thể chuyển nhượng cổ phần từ “tay phải” sang “tay trái”.

Trong bối cảnh hiện nay, việc cổ đông lớn của ngân hàng muốn thoái vốn không dễ, vì giá cổ phiếu sụt giảm, đáng chú ý những nhà băng mà cổ đông lớn nắm tỷ lệ cổ phần vượt trần hiện nay chủ yếu có quy mô nhỏ, yếu kém, nên càng khó tìm đối tác mua lại.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, xu hướng trong thời gian tới chắc chắn các ngân hàng nhỏ, yếu kém cũng sẽ phải sáp nhập, vì chủ trương của NHNN là đẩy mạnh tái cơ cấu, giảm số lượng ngân hàng để lành mạnh hóa hệ thống ngành. Thực tế đã cho thấy, lãi suất vượt trần quy định làm thị trường rối loạn chủ yếu do các ngân hàng quy mô nhỏ, yếu cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất,  nhưng sau khi tiến hành tái cơ cấu, hệ thống đã lành mạnh hơn.      

Theo Thùy Vinh
ĐTCK

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *