Thời sự 04/07/2014 16:54

Vốn ngân hàng đổ vào trái phiếu hơn sản xuất kinh doanh

FICA - 87% - 90% nguồn huy động của các ngân hàng trong sáu tháng đầu năm đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và tín phiếu hơn là cho vay sản xuất kinh doanh.

Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 2/7/2014, tăng trưởng tín dụng cả hệ thống là 3,6% so với cuối năm 2013.

Con số này nếu so với mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2014 ở mức từ 12% - 14% được coi là tương đối thấp. Tuy nhiên, nếu như so với con số tăng trưởng tín dụng được đưa ra ngày 23/5 là 1,31% thì con số 3,6% đang cho thấy dấu hiệu tích cực.

Đánh giá về mức độ tăng trưởng tín dụng thời gian qua, tại báo cáo vừa công bố, Ngân hàng Bản Việt cho rằng, tín dụng tăng trưởng trong tháng sáu nhưng vẫn chưa theo kịp mục tiêu đã đề ra. Con số tăng trưởng tín dụng hiện nay chỉ bằng khoảng một nửa kết quả tăng trưởng đã đạt được nếu so với cùng kỳ năm trước (tăng 4,7%). Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán (M2) và huy động tăng 6% tính đến ngày 25/6/2014, gần gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Do đó, bản tin của Ngân hàng Bản Việt cho rằng, 87% - 90% nguồn huy động của các ngân hàng trong sáu tháng đầu năm đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và tín phiếu hơn là cho vay sản xuất kinh doanh. Xu hướng này đã được ghi nhận trong Quý 1/2014 khi các ngân hàng niêm yết báo cáo tăng trưởng huy động đạt trung bình 2,7% tính từ đầu năm 2014, trong khi dư nợ tín dụng lại giảm 0,1% và các khoản đầu tư (chủ yếu là trái phiếu và tín phiếu) tăng 10%.

“Lãi suất cho vay cho các khoản vay cũ và mới tuy tiếp tục giảm nhưng dường như đã không đủ thấp để đẩy mạnh tín dụng. Tăng trưởng tín dụng tháng sáu vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm mà Ngân hàng Nhà nước đề ra là 12%”, bản tin nhấn mạnh.

Bình luận về tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho hay, đầu năm tín dụng tăng chậm là do yếu tố “lịch sử” như đã từng diễn ra ở các năm trước. Thêm vào đó, trong quý cuối năm 2013 tín dụng tăng tới 7% nên sang năm 2014 cũng cần thời gian để doanh nghiệp hấp thụ lượng tín dụng.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tín dụng, đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% trong năm 2014 như mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Trong đó, việc triển khai các chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại các địa phương với sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách thuận lợi với nhiều chính sách ưu đãi. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng chủ động đưa ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất rất thấp nhằm khuyến khích doanh nghiệp phục hồi sản xuất và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Gần đây nhất, vào chiều 2/7, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước, 5 ngân hàng thương mại nhà nước và Ngân hàng TMCP Bắc Á đã ký hợp đồng tín dụng trị giá trên 2.370 nghìn tỷ đồng với 6 doanh nghiệp thuộc 5 tỉnh, thành phố tham gia chương trình cho vay thí điểm các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu nông nghiệp.

Đây là lần thứ hai, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Lễ ký kết các hợp đồng tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm này, sau Lễ ký kết đợt 1 diễn ra vào chiều 29/5 giữa Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam với 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang tham gia Chương trình cho vay thí điểm mô hình tín dụng này.

“Đây là một lĩnh vực kinh tế quan trọng, được Chính phủ và các ngành, các cấp quan tâm hàng đầu. Vì thế, chương trình tín dụng thí điểm này mở ra cơ hội bứt phá cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, là nền tảng đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững trong dài hạn”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *