Tài chính ngân hàng 05/03/2019 15:46

Ngân hàng dồi dào tiền mặt, lãi suất đứng trước khả năng giảm nhẹ

BVSC dự báo lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ ổn định trong thời gian tới, thậm chí có thể giảm nhẹ tại một số ngân hàng có thanh khoản dồi dào.

Sau Tết, thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định

Báo cáo trái phiếu do Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới phát hành cho hay, trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện hút ròng 9.710 tỷ đồng qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Cụ thể đã có 28.681 tỷ đồng đáo hạn trong khi có 18.972 tỷ đồng được phát hành thêm.

Kênh tín phiếu tiếp tục không có hoạt động phát hành mới hay đáo hạn. Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, tuần qua, NHNN đã hút ròng 9.710 tỷ đồng từ thị trường. Mức hút ròng này thấp hơn rất nhiều so với mức hơn 72 nghìn tỷ đồng trong tuần từ 18/2 đến 22/2 trước đó.

Xu hướng bơm ròng giảm tuần thứ 3 liên tiếp

Tính lũy kế kể từ đầu năm 2018 đến nay thì tổng lượng vốn bơm ròng qua kênh OMO và tín phiếu tiếp tục giảm xuống, còn 33.106 tỷ đồng vào cuối tuần qua.

“Xu hướng bơm ròng giảm đã duy trì tuần thứ ba liên tiếp, cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trong trạng thái khá ổn định, không cần sự hỗ trợ nhiều từ phía NHNN” – báo cáo nhận định.

Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất trong tuần tiếp tục xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm giảm từ mức 4,05% xuống còn 3,95%; kỳ hạn 2 tuần giảm xuống 4,1% từ mức 4,15% của tuần trước đó, riêng kỳ hạn 1 tuần thì vẫn đi ngang ở mức 4,05%/năm.

Theo dự báo của BVSC, xu hướng giảm của lãi suất liên ngân hàng có thể sẽ duy trì trong các tuần sắp tới và giảm về mức trung bình quanh 3%/năm đối với tất cả các kỳ hạn.

Lãi suất huy động trên thị trường 1 vẫn đi ngang trong mặt bằng đã thiết lập từ cuối năm 2018. So với thời điểm cuối năm trước, nhóm 4 NHTM gốc Nhà nước vẫn giữ nguyên mức lãi suất trung bình của kỳ hạn 1 năm là 6,83%/năm. Nhóm chung các ngân hàng TMCP có lãi suất huy động tăng nhẹ 0,22% trong tháng 2.

Tuy vậy, nhóm ngân hàng TMCP có quy mô vốn nhỏ hơn 5.000 tỷ đồng lại giảm nhẹ lãi suất 0,03%. BVSC dự báo lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ ổn định trong thời gian tới, thậm chí có thể giảm nhẹ tại một số ngân hàng có thanh khoản dồi dào.

Kiều hối dồi dào, tỷ giá ngân hàng ổn định

So với tuần trước đó, tỷ giá trung tâm tăng 17 đồng trong tuần qua, từ mức 22.906 VND/USD lên mức 22.923 VND/USD. Ngược lại, tỷ giá giao dịch tại các NHTM lại có dấu hiệu ngược lại khi giảm 14 đồng, từ mức 23.215 VND/USD xuống còn 23.201 VND/USD.

Nhìn chung, theo quan sát của chúng tôi, tỷ giá vẫn đang trong xu hướng khá ổn định kể từ đầu năm 2019 đến nay. Nguyên nhân chính là do nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam khá dồi dào trong dịp Tết Nguyên Đán.

Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI giải ngân và FII ghi nhận diễn biến khá tích cực trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, vốn FDI giải ngân đạt mức 2,58 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018 trong khi trên sàn HSX và HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng 3.527 tỷ đồng từ đầu năm 2019 tới nay.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu cũng được mua ròng 3.942 tỷ đồng cũng từ đầu năm 2019. Với cung ngoại tệ vẫn đang tương đối tích cực, chúng tôi cho rằng tỷ giá sẽ có xu hướng đi ngang, dao động trong biên độ hẹp trong ngắn hạn.

Trong tuần qua, USD có xu hướng diễn biến trái chiều với các ngoại tệ khác trên thị trường.

Trong khi EUR, CNY lần lượt tăng 0,26% và 0,11% so với USD thì JPY và IDR lại lần lượt giảm 1,08% và 1,18%. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 01/03/2019, chỉ số USD Index ở mức 96,46, gần như không đổi so với mức đóng cửa 96,51 của tuần trước đó.

Đồng USD tăng giá mạnh so với JPY, IDR trong tuần qua chủ yếu nhờ thông tin về GDP của Mỹ được công bố vượt kỳ vọng. Cụ thể, GDP của Mỹ tăng 2,6% trong quý IV so với mức kỳ vọng 2,3% của giới đầu tư. Riêng với CNY, đồng tiền này tăng giá so với USD do kỳ vọng của giới đầu tư liên quan đến kết quả tốt đẹp của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

EUR cũng có diễn biến tích cực trong tuần do kỳ vọng cuộc họp của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) vào ngày 07/03 tới sẽ có thể thông qua các chính sách để kích thích nền kinh tế khu vực Eurozone.

So với đầu năm 2018, tại thời điểm hiện tại thì VND có mức mất giá ít hơn tương đối so với các đồng tiền của các nước mới nổi khác trong khu vực châu Á. Trong khi đó, các đồng tiền khác như IDR, CNY và EUR đều có mức mất giá lớn hơn, đặc biệt là EUR khi mất giá 5,39%. Trong số các đồng tiền mà BVSC theo dõi thì duy nhất có JPY tăng giá so với USD, (0,69% so với đầu năm 2018).

Mai Chi

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *