Tài chính ngân hàng 28/08/2019 14:56

Chiến tranh thương mại leo thang: Liệu có thêm rủi ro cho thị trường tiền tệ?

Việc chiến tranh thương mại leo thang lần này không còn là thông tin quá bất ngờ đối với giới đầu tư nhưng đánh dấu một mức căng thẳng mới trong xung đột thương mại Mỹ - Trung khi không còn nhiều cơ hội để hai bên chứng tỏ thiện chí, xuống thang trong đàm phán (ít nhất là trong ngắn hạn).

 

Theo ghi nhận tại báo cáo trái phiếu của BVSC, chỉ số DXY đóng cửa tuần vừa rồi ở mức 97,64 điểm, giảm 0,51% so với mức 98,14 của tuần trước đó.

USD giảm giá so với hầu hết các đồng tiền trong rổ tính Dollar Index. Cụ thể, JPY, GBP, EUR, SEK và CHF tăng giá lần lượt 0,94%; 0,96%; 0,49%; 0,77% và 0,41% so với USD. Ở chiều ngược lại, CAD giảm giá 0,11% so với USD.

Theo BVSC, đồng USD giảm trong tuần vừa qua khi các lo ngại về kinh tế suy yếu xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Cụ thể, ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế bổ sung với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, Tổng thống Mỹ D.Trump đã có hành động đáp trả quyết liệt bằng cách tuyên bố trên Twitter rằng sẽ nâng mức thuế, từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa (đã áp thuế) kể từ ngày 1/10 tới và từ 10% lên 15% đối với gần 300 tỷ hàng hóa chưa bị áp thuế kể từ ngày 1/9 tới.

BVSC cho rằng, việc chiến tranh thương mại leo thang lần này không còn là thông tin quá bất ngờ đối với giới đầu tư nhưng nó đánh dấu một mức căng thẳng mới trong xung đột thương mại Mỹ - Trung khi không còn nhiều cơ hội để hai bên chứng tỏ thiện chí, xuống thang trong đàm phán (ít nhất là trong ngắn hạn).

Mặc dù ông Trump có thể cần một thỏa thuận với Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi cho cuộc chạy đua Tổng thống 2020 nhưng nếu Trung Quốc vẫn giữ lập trường cứng rắn thì ông Trump cũng có rất ít lý do để xuống thang, thể hiện sự yếu thế trước Trung Quốc nếu không muốn mất phiếu của những cử tri ủng hộ ông.

Thay vào đó, Mỹ đã quay sang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Nhật tại Hội nghị G7 (có thể ký ngay vào tháng 9 tới) giúp ông Trump có thể tuyên bố được một chiến thắng nhỏ khi phần nào giải quyết bài toán đầu ra cho hàng nông sản Mỹ.

Tuy vậy, theo BVSC, việc Mỹ-Trung không ngừng leo thang xung đột thương mại sẽ tiếp tục gây ra rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu.

Nếu TTCK Mỹ lao dốc mạnh sau sự kiện trên, chỉ số điều kiện tài chính (Financial Condition, một trong những nhân tố quyết định đến chính sách lãi suất của FED) tại Mỹ sẽ thu hẹp, qua đó có thể gây sức ép, buộc FED phải xem xét cắt lãi suất nhanh hơn trong 3 cuộc họp còn lại của năm nay cho dù số liệu tăng trưởng GDP và việc làm chưa đến mức quá báo động.

Trong khi đó, đồng JPY tăng giá mạnh trong tuần. Dự báo trong thời gian tới, đồng JPY có thể tiếp tục tăng giá trong bối cảnh chiến tranh thương mại vẫn tiếp tục khó lường.

Dòng chảy vào các tài sản an toàn có thể sẽ vẫn được duy trì. Đồng EUR được dự báo sẽ có khả năng giảm giá khi ECB dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong cuộc họp chính sách định kỳ vào ngày 12/9 sắp tới.

Đồng GPB có khả năng sẽ suy yếu trở lại khi xác suất xảy ra kịch bản Brexit “cứng” đang tăng dần.

Mai Chi

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *