Quốc tế 06/04/2014 16:51

Trái đắng về kinh tế của việc đăng cai Olympic

Đăng cai tổ chức một sự kiện lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa hay thể thao của khu vực và thế giới, được xem là làm tăng uy tín, vị thế của quốc gia đăng cai. Tuy nhiên, sự kiện đó lại tiêu tốn nhiều tiền của đối với quốc gia đăng cai.

Olympic Sochi 2014 là một kỳ Thế vận hội đắt nhất (tiêu tốn gần 50 tỷ USD).

 

Trong quá khứ, việc tiêu tốn đó đôi khi là một cơ hội tốt để thúc đẩy cả một nền kinh tế,  nhưng trong nhiều trường hợp, lại là một vụ ném tiền qua cửa sổ mà hậu quả phải mất vài năm, đôi khi là vài thập kỷ, mới khắc phục xong.

Olympic Sochi 2014 là một kỳ Thế vận hội đắt nhất (tiêu tốn gần 50 tỷ USD). “Chính việc phải chạy đua với thời gian để hoàn tất các hạng mục đúng hạn đã dẫn đến việc vượt ngân sách”, theo như giải thích của các nhà tổ chức. Một cuộc thăm dò do Trung tâm Levada thực hiện cho thấy đa số những người được hỏi đều cho rằng, việc “vượt ngân sách” là do tham nhũng. Cách đây 7 năm, Tổng thống Nga đích thân vận động để Nga đăng cai Thế vận hội mùa Đông 2014. Khi đó, ước tính chi phí tổ chức thế vận hội này rơi vào khoảng 15 tỷ USD. Thế nhưng cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới đã đội mọi chi phí tổ chức thế vận hội gấp 4 lần so với dự toán ban đầu.

 

Thế vận hội London 2012, hứa hẹn hồi sinh khu phía Đông thành phố Lodon (Anh) cũng đem lại các kết quả tốt xấu lẫn lộn. “Trong thời gian thế vận hội, thì như một công viên trong ngày hội. Rồi khi mọi việc đã xong, lại đìu hiu như khi một gánh xiếc rời khỏi thành phố vậy”. Hậu quả về môi trường cũng khôn lường. Các chất thải xây dựng và sinh hoạt chất đống gây ra các vụ sạt lở đất, làm ô nhiễm nguồn nước và biến cả khu vực sinh sống thành một khu chứa rác công nghiệp.

 

Lâu nay, những quốc gia đăng cai Olympic thường hay nhắc đến cụm từ “hiệu ứng Barcelona” như một sự kỳ vọng. Năm 1992, thành phố Barcelona của Tây Ban Nha được đăng cai Olympic mùa Hè. Nhờ có sự kiện đó, Barcelona được đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng, quản trị xã hội. Sau khi Olympic kết thúc, Barcelona đã cất cánh trên “đường băng” được sự kiện thể thao đó mở ra, từ chỗ là một trong những thành phố trì trệ, an ninh phức tạp, trở thành một trong những trung tâm kinh tế-tài chính lớn của Tây Ban Nha và vùng Nam Âu.

 

Nhưng cũng có một thuật ngữ khác để nói về sự thất bại: “cái thìa gỗ”, tức là giải thưởng dành cho những người về bét một cuộc thi. Khi thành phố Montreal của Canada tổ chức Olympic 1976, người dân vùng này không biết rằng phải đến 30 năm sau, tức 2006, họ mới trả được hết số nợ mà sự kiện thể thao đó để lại.

 

Mới nhất và thời sự nhất, Olympic 2004 tại Athens được cho là một trong những nhân tố đẩy nền kinh tế Hy Lạp lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công rồi rơi vào đại suy thoái như hiện nay. Chính những khoản chi tiêu hoang phí để được đăng cai Olympic đã làm trầm trọng thêm tình trạng nợ công. Chỉ vài ngày sau lễ bế mạc, chính quyền Athens đã báo cáo nợ công đã lên tới 168 tỷ euro, trong đó chi phí tổ chức Thế vận hội chiếm đến 5,3% con số thâm hụt này.

 

Khung cảnh hoang tàn bên ngoài Sân vận động Olympic ở Athens.

 

Theo ước tính của hãng Huffingtonpost, Olympic Athens 2004 đã ngốn của Hy Lạp 12 tỷ USD, gấp đôi so với dự kiến ngân sách ban đầu. Đó là còn chưa tính đến các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng phải gấp rút hoàn thành trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Khi cuộc khủng hoảng nợ bùng nổ năm 2010, các nhà phân tích đã đồng loạt cho rằng “vung tay quá trán” trong Olympic 2004 là một trong những nhân tố đẩy lỗ hổng tài chính quốc gia lên cao dẫn đến tình trạng vỡ nợ quốc gia.

 

Hiện nay Làng Olympic, Sân vận động Olympic và hàng loạt nhà thi đấu được xây mới hoàn toàn ngày đó hầu như bị bỏ hoang. Đơn cử, Sân vận động Olympic- được nâng cấp với chi phí 265 triệu euro, với sức chứa khoảng 70.000 người- hiện xuống cấp nghiêm trọng. Bên ngoài sân vận động là những hàng rào chắn nằm chỏng chơ xen lẫn với cỏ dại. Các trung tâm thể thao như bóng mềm, khúc côn cầu, bóng rổ... xây dựng tốn kém tiền của là thế nhưng không còn được sử dụng bởi chúng không phải là những môn thể thao quen thuộc của người dân nơi đây. Ngay cả các sân bóng đá, khu thể thao dưới nước, nhà thi đấu bóng chuyền cũng phải chịu cảnh ngộ bị khóa kín cửa, vắng bóng người lui tới. Rõ ràng, việc bán vé xem sự kiện, lợi nhuận quảng cáo và các dịch vụ công cộng đã không bù lại được số tiền Hy Lạp đã đầu tư cho hệ thống sân vận động, nhà hàng khách sạn, đường sá mới trước đó. Về mặt du lịch, lượng du khách nước ngoài đến Hy Lạp sau năm 2004 có tăng lên, nhưng nguồn thu cũng không cải thiện như mong đợi.

 

Sân vận động Tổ chim và Trung tâm Bơi lội Quốc gia là những công trình ngốn gần nửa tỷ USD của Thế vận hội mùa hè 2008, nhưng nay, Bắc Kinh (Trung Quốc) phải chật vật mới thu hút được du khách đến dự các sự kiện ở những nơi này.

 

Hãng CNN mới đây đã liệt kê những thành phố từng ngậm “trái đắng” do đăng cai Thế vận hội, trong đó trường hợp của Hy Lạp thậm chí còn bị tin rằng gánh nặng tài chính đã góp phần đẩy cả nền kinh tế tới chỗ lụn bại, phải nhờ cứu viện từ bên ngoài. Theo CNN, trước khi nhận quyết định đăng cai, các chính trị gia thường tin rằng số tiền thu được từ bán vé, công ăn việc làm tạo ra trong quá trình xây dựng các công trình hạ tầng và sự tăng trưởng của ngành du lịch sẽ bù đắp mọi chi phí bỏ ra, thậm chí còn “ăn ra”. Các quan chức được giao trách nhiệm thì thường củng cố lập luận của họ bằng cách đưa ra những bản nghiên cứu dự báo rằng nước chủ nhà nói chung và thành phố tổ chức Olympic nói riêng sẽ hưởng lợi rất lớn về mặt kinh tế.

 

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế độc lập lại cho rằng cái giá cho việc đăng cai Olympic phức tạp hơn dự tính nhiều và chắc chắn nó không màu hồng như miêu tả của các chính trị gia. Sự thận trọng của các nhà kinh tế là điều dễ hiểu bởi các nghiên cứu trong 3 thập kỷ qua đã chỉ ra rằng nếu xét đơn thuần trên các con số, một sự kiện thể thao lớn thường ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế hơn là tích cực, đặc biệt là trong ngắn hạn bởi chi phí đầu tư bỏ ra quá lớn nên chỉ có hiệu quả trong dài hạn. 

 

5 thành phố từng đăng cai Olympic giành thắng lợi về mặt thể thao, nhưng phải trả giá về mặt kinh tế.

1/ Athens (Hy Lạp)

Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Kinh doanh Said Oxford, chi phí cho Olympic của Athens đã vượt quá khả năng chi trả tới 60%. Chính phủ Hy Lạp đã xây dựng quá nhiều khách sạn với niềm tin vào một viễn cảnh sẽ thu hút được thêm nhiều khách du lịch sau khi Olympic kết thúc, để rồi sau đó bị vỡ mộng. Đó là còn chưa kể rất nhiều sân vận động được xây dựng để phục vụ cho Olympic hiện nay cũng không sử dụng đến.

2/ Montreal (Canada)

Trước khi Thế vận hội Montreal 1976 diễn ra, Thị trưởng thành phố Jean Drapeau tuyên bố hùng hồn rằng “Olympic không thể lỗ, cũng như một người đàn ông không thể sinh con”.  Nhưng ông thị trưởng đã sai. Sự quản lý yếu kém và chi phí phụ trội so với dự toán đã để lại cho thành phố này khoản nợ 1,5 tỉ USD và phải mất đúng ba thập kỷ sau (năm 2006) món nợ cuối cùng mới được trả hết. Vào thời điểm đó, người dân thành phố này đã mỉa mai gọi tên sân vận động Olympic, vốn bị bỏ hoang và chuyển đổi thành một nơi tập bóng chày, từ “Big O” (chữ O lớn) thành “Big Owe” (món nợ lớn).

3/ Nagano (Nhật Bản)

Các nhà tổ chức Thế vận hội Mùa đông Nagano 1998 đã đưa ra lời hứa rất chắc rằng lượng khách du lịch tới thành phố này sẽ tăng mạnh nhờ việc đăng cai. Tuy nhiên, sau khi Thế vận hội hạ màn, không mấy khách du lịch đến thăm nơi này. Tệ hơn, cũng theo nghiên cứu của Said Oxford, thành phố Nagano đã bị bội chi 56% so với dự toán ban đầu. Chưa kể, còn có các cáo buộc về tình trạng tham nhũng và toàn bộ các hộp chứng từ tài chính thì bị cháy. Và vì vậy “cái giá” của việc “kéo” Thế vận hội về Nagano vẫn chưa được làm rõ. 

4/ Lake Placid, bang New York (Mỹ)

Thị trấn Lake Placid thuộc bang New York, Mỹ, là nơi diễn ra Thế vận hội Mùa đông 1980. Thời điểm đó, ngân sách chi cho Olympic còn rất khiêm tốn so với hiện nay nhưng không vì thế mà thị trấn này thoát khỏi tình trạng chi phí vượt trội so với dự toán. Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Said Oxford, khi sự kiện thể thao kết thúc là lúc tổng chi phí đã vượt 320% so với dự toán ban đầu. Cân đối thu chi bị âm 8 triệu USD, một khoản tiền rất lớn đối với một thị trấn tại thời điểm đó. Vì vậy, họ đã phải cần đến khoản cứu trợ của chính quyền bang New York.

5/ Albertville (Pháp)

Thị trấn Albertville tươi đẹp của Pháp là nơi tổ chức Thế vận hội Mùa đông 1992 và cũng bị rơi vào tình trạng “thu không đủ chi”, dẫn đến khoản thâm hụt ngân sách 57 triệu USD. Một thành viên trong Ban tổ chức nói: “Đương nhiên là chúng tôi cũng có đôi chút hối tiếc. Chúng tôi đã trù liệu và mong muốn một phương án cân bằng ngân sách hoàn hảo nhưng nó vẫn bị vượt tới 135%”. Chính phủ Pháp sau đó đã phải đứng ra thanh toán một phần của khoản nợ.

Báo cáo của các nhà nghiên cứu Đại học Oxford (Anh) kết luận bội chi đã trở thành một phần của đăng cai Olympic. “100% các kỳ Thế vận hội đều bội chi ngân sách. Không có loại dự án lớn nào khác liên tục bội chi như vậy. Có những loại dự án khác rất điển hình về việc hết lần này đến lần khác đều đúng dự toán, nhưng đó không phải là Olympic”./.

Theo Nguyễn Chiến

Chinhphu.vn

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *