Quốc tế 21/05/2015 14:12

Samsung khác dưới tay “người thừa kế” chưa chính thức?

Người thừa kế của tập đoàn Samsung đang cho thấy những dấu ấn của mình dù hiện vẫn chưa nắm giữ cương vị cao nhất, Chủ tịch tập đoàn.

Khi Lee Kun Hee, Chủ tịch đương nhiệm của Tập đoàn Samsung,vẫn đang phải tĩnh dưỡng sau cơn đau tim hồi năm ngoái, con trai duy nhất của ông, Lee Jae Yong, đang "gánh" trách nhiệm củng cố lại vị trí của gia tộc trong tập đoàn, tiến hành các thương vụ mua lại, sáp nhập đồng thời gặp gỡ những lãnh đạo cấp cao từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới CEO của Apple, Tim Cook. Cũng trong giai đoạn này, “viên ngọc quý” của tập đoàn Samsung, công ty điện tử Samsung Electronics đã cho ra mắt smartphone Galaxy S6, sản phẩm vô cùng được chờ đón, đồng thời cam kết xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 15 tỉ USD tại Hàn Quốc.

 

Dù đã có những dấu ấn nhất định nhưng "người thừa kế" của tập đoàn Samsung Lee Jae Jong vẫn chưa được chính thức chuyển giao chiếc ghế Chủ tịch tập đoàn, đồng thời đang phải đối mặt với sức ép tới từ nhiều phía.

 

Chân dung Lee Jae Jong, người thừa kế duy nhất tập đoàn Samsung. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg
Chân dung Lee Jae Jong, người thừa kế duy nhất tập đoàn Samsung. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg

 

Vì sao chưa được "ngồi" lên chiếc ghế Chủ tịch tập đoàn?

 

Hiện Lee Jae Jong, người thừa kế của tập đoàn Samsung, đang cùng chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo tập đoàn, với hơn 70 công ty thành viên dù chưa được giữ cương vị cao nhất - Chủ tịch tập đoàn, chừng nào mà cha anh ta còn sống, theo một "thông lệ bất thành văn" của các chaebol* Hàn. Vì vậy, dù Chủ tịch hiện tại ông Lee Kun Hee đang vắng mặt do vấn đề về sức khỏe, không hề có sự xáo trộn trong bộ máy lãnh đạo cao nhất của tập đoàn này và vai trò của "người thừa kế" Lee Jae Jong còn đang khá chung chung, là đưa ra những chiến lược trong dài hạn.

 

*Chaebol: các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc.

 

“Có vẻ như Lee Jae Jung đang muốn truyền đi một thông điệp rằng Samsung dưới thời của anh ta sẽ khác so với thời của cha mình trước đó,” theo chuyên gia Lee Sang Hun, công ty Đầu tư & Chứng khoán HI. “Trên danh nghĩa, Lee Jae Jong, chưa phải là chủ tịch Tập đoàn Samsung, nhưng chúng ta đều biết anh ấy đang trong giai đoạn tập quen với mọi việc và chờ ngày chính thức ngồi trên cương vị đó.”

 

Samsung hiện thời vẫn vô cùng kín tiếng. Chưa có bất kỳ thông tin về việc Chủ tịch Lee Kun Hee sẽ chuyển giao quyền lực. Thậm chí, ngay tại thời điểm sau khi vị chủ tịch này bị đột quỵ do đau tim, báo chí dấy lên nhiều nghi vấn, tập đoàn này vẫn không đưa ra bất kỳ thông tin chính thức nào.

"Vị trí Chủ tịch tập đoàn chắc chắn sẽ không bao giờ được chuyển giao cho Kim Jae Jong cho tới khi cha anh này qua đời. Đây là một điều rất khác biệt chỉ có tại các chaebol của Hàn Quốc," theo ông Kim Sang Jo, giảng viên kinh tế tại Đại học Hansung University, Seoul. Điều này đồng nghĩa với việc Lee Jae Jong, còn được gọi với cái tên Jay Y, dù sao vẫn chỉ như đang "thử sức" với trọng trách lãnh đạo tập đoàn Samsung, nơi mỗi một công ty thành viên trong các lĩnh vực công nghệ, bảo hiểm, xây dựng và thời trang đều có một nhà lãnh đạo riêng. Thậm chí, "cỗ máy" hái ra tiền, công ty Samsung Electronics, hiện đang có tới 3 đồng Giám đốc điều hành, tất cả đều do Chủ tịch Lee Kun Hee bổ nhiệm.

 

"Các nhà đầu tư đã quen với điều này nên đối với họ việc kinh doanh của tập đoàn và  người kế vị là hai vấn đề khác nhau. Chừng nào công việc doanh không gặp vấn đề lớn, các cổ đông sẽ không có kiến gì việc yêu cầu công bố những thông tin về người kế vị, theo ông Kim Huyn Su, Giám đốc quỹ IBK Asset Management tại Seoul.

 

Nếu có những sự thay thế chính thức nào đó của Jay Y vào các vị trí của cha anh ta thì đó chỉ là vị trí Chủ tịch hai quỹ từ thiện của Samsung, sẽ diễn ra vào cuối tháng này.

 

"Dấu ấn" của người thừa kế Lee Jae Jong?

 

Chân dung Lee Jae Jong, người thừa kế tập đoàn Samsung. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg
Chân dung Lee Jae Jong, người thừa kế tập đoàn Samsung. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg

 

Ngoài việc gặp gỡ CEO Apple và Chủ tịch Trung Quốc, người kế vị Lee Jae Jong cũng đã có buổi làm việc với Mark Zuckerberg vào cuối năm ngoái.

Trên thực tế, Jay Y đã được biết đến như người kế vị tập đoàn kể từ khi anh chính thức tới Samsung làm việc vào năm 2001. Jay Y đã từng tốt nghiệp đại học Quốc gia Seoul, đại học hàng đầu tại Hàn Quốc, có bằng thạc sĩ của trường Đại học Keio, Nhật Bản và sau đó là học tiến sĩ tại đại học kinh doanh Harvard, dù không lấy bằng.

 

Trên cương vị của một lãnh đạo cấp cao, Jay Y đã tập trung xây dựng chiến lược và chỉnh đốn lại hoạt động của tập đoàn vốn còn khá ngổng ngang. Cụ thể, tiến hành IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) cho hai công ty con của gia đình nhằm củng cố vị thế của gia đình họ Lee trong với tập đoàn, đồng thời thoái vốn tại các công ty trong lĩnh vực hóa chất và quân sự, hướng sự tập trung của Samsung Group vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi như lĩnh vực điện tử.

 

Theo một thông cáo của tập đoàn Samsung thì "Phó Chủ tịch tập đoàn Jay Y Lee đã có nhiều năm củng cố khả năng lãnh đạo của mình, tập trung vào các chiến lược tổng thể cho tập đoàn, định hướng cho những sự đổi mới và đưa ra những chiếc lược trong dài hạn."

 

Kể từ khi sức khỏe Chủ tịch Lee Kun Hee có vấn đề, công ty Samsung Electronics đã tham gia vào 12 thương vụ sáp nhập và liên doanh, nhiều gấp 2 lần so với 12 tháng trước đó, theo số liệu của Bloomberg. Những hoạt động dưới thời của Jay Y gồm có mua lại LoopPay, nhằm tạo bàn đạp để cạnh tranh với Apple trong hoạt động thanh toán điện tử; hay mua lại SmartThings để đẩy mạnh phát triển các ứng dụng trên điện thoại di động có chức năng điều khiển các thiết bị điện tử dùng trong nhà.

 

Khó khăn trước mắt

Dù gia tộc họ Lee là một thế lực vô cùng vững mạnh tại tập đoàn Samsung (thông qua số cổ phần mà các thành viên đang nắm giữ) thì 12 tháng vừa qua của Jay Y tại tập đoàn cũng là không dễ dàng.

 

Nghi ngờ về năng lực thực sự "của người thừa kế" này đã dấy lên khi lợi nhuận của Samsung Electronics sụt giảm bởi công ty này đang mất dần thị phần trên thị trường smartphone vào tay của Apple và các công ty Trung Quốc, dẫn đầu là tập đoàn Xiaomi.

 

"Đây là một giai đoạn vô cùng khó khăn với những gánh nặng đè lên vai Lee Jae Jong," theo CEO của Chaebul.com, Chung Sun Sup. "Anh ấy cần đưa ra được một chiếc lược và tầm nhìn dài hạn cho Samsung."

 

Nhưng tình hình có thể sẽ diễn biến theo chiều hướng tối hơn dành cho vị Phó chủ tịch tập đoàn. Dưới sự lãnh đạo của Jay Y, Samsung Electronics đã có "những cú phản đòn" với sản phẩm bom tấn Galaxy S6, song song với công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip đồng thời định vị mình trở thành đơn vị đi đầu trong xu hướng Internet of Things*.

 

Internet of Things (IoT) là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet (theo Wikipedia)

Các nhà phân tích hiện dự báo lợi nhuận của Samsung Electronics sẽ tăng trưởng lần đầu tiên trong vòng 5 quí vừa qua, theo số liệu ước tính của Bloomberg.

 

"Kết quả kinh doanh quý 2 trong năm nay của Samsung Electronics sẽ tốt hơn rất nhiều. Điều này sẽ khiến năm đầu tiên trên cương vị lãnh đạo của Lee Jae Jong trở nên sáng sủa hơn," theo chuyên gia Lee Sang Hun của công ty Đầu tư & Chứng khoán HI.

 

Theo Trang Kiều

Báo Đất Việt/Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *