Quốc tế 04/01/2024 12:13

Những gam màu sáng tối trong bức tranh kinh tế thế giới năm qua

Nền kinh tế thế giới đang diễn biến theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực, với những gam màu sáng tối đan xen trong bức tranh tăng trưởng.

Thương mại toàn cầu chững lại

Thương mại toàn cầu năm 2023 chứng kiến một vài điểm sáng. Lượng tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia vẫn chưa hoàn toàn được giải phóng hết, đồng nghĩa với việc mức tiêu dùng hiện tại chưa tương xứng với thời điểm trước đại dịch. Đồng thời, lạm phát toàn cầu đang trên đà giảm. Những yếu tố này tạo ra dư địa kích thích tăng trưởng tiêu dùng trên thị trường nội địa.

Cùng với đó, thị trường lao động Mỹ được củng cố và sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ ở Trung Quốc đối với các hộ gia đình cũng góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và tạo ra tác động lan tỏa tích cực trên toàn cầu. 

Đồng thời, Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện mối quan hệ kinh tế với việc thành lập nhóm làm việc về các vấn đề thương mại hồi tháng 9 và hai nhóm công tác để thúc đẩy các cuộc thảo luận song phương trong tháng 10.

Gần đây, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng tương tác nhiều hơn trên nhiều lĩnh vực. Các chuyến thăm, các cuộc trao đổi, điện đàm giữa hai chính phủ liên tục diễn ra. Những tín hiệu tích cực này đã mang lại hy vọng về việc xoa dịu quan hệ Mỹ - Trung và thảo gỡ nhiều vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế, theo báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khối lượng thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự suy giảm diễn ra ở nhiều quốc gia và nhiều mặt hàng, đặc biệt là sắt thép, thiết bị văn phòng, viễn thông và hàng dệt may.

Đầu tháng 10, WTO đã giảm một nửa dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm nay, từ 1,7% xuống 0,8%. Bà Ngozi Okonjo-Iweala - Tổng Giám đốc WTO – bày tỏ lo ngại tình trạng này sẽ tác động tiêu cực đến mức sống của người dân trên khắp thế giới.

Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhận định tăng trưởng thương mại thế giới sẽ giảm từ 5,2% năm 2022 xuống 2,0% năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4,9% của giai đoạn 2000 - 2019.

Các chuyên gia tại IMF cho rằng tình trạng thương mại chững lại xuất phát từ sự suy giảm nhu cầu trên toàn cầu và tác động trễ của tăng giá đồng USD. Ngoài ra, xu hướng này còn chịu ảnh hưởng của sự gia tăng cơ cấu dịch vụ trong nước và các rào cản thương mại toàn cầu.

Cuối tháng 7, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen giữa Ukraine và Nga đã sụp đổ do bất đồng về lợi ích của các bên tham gia. Sau đó, Ukraine đã tìm kiếm những “người bạn” EU để mở đường cho xuất khẩu ngũ cốc của mình.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai các biện pháp thay thế, tranh chấp giữa Ukraine với Ba Lan, Slovakia và Hungary đã bắt đầu nổi lên. Các nước EU cho rằng nhập khẩu ngũ cốc Ukraine đã ảnh hưởng đến nông dân địa phương và áp dụng các rào cản hạn chế nhập khẩu ngũ cốc của quốc gia này từ tháng 9.

Vào đầu tháng 10, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM). Theo đó, các nhà nhập khẩu sẽ phải đấu giá mua chứng chỉ CBAM cho hàm lượng khí nhà kinh trong từng lô hàng của họ. Điều này khiến cho giá cuối cùng của sản phẩm tăng lên, khuyến khích người tiêu dùng EU chuyển đổi sang sử dụng các mặt hàng “xanh”.

EU cũng xem xét áp thuế đối với xe điện (EV) nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguyên nhân là do xe điện của Trung Quốc rẻ hơn so với các loại xe thay thế do EU sản xuất và đang được hưởng lợi từ trợ cấp từ Bắc Kinh.

Mới đây nhất, quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa các quốc gia khối Nam Mỹ Mercosur và EU đã rơi vào bế tắc khi Argentina đột nhiên có động thái “quay xe”.

Lạm phát toàn cầu phải mất một vài năm nữa mới có thể quay về mức dưới 4% thời kỳ trước đại dịch (Ảnh: IMF).

Dòng chảy đầu tư eo hẹp

Những hỗ trợ chính sách ở nhiều nền kinh tế tạo ra nguồn động lực lớn khuyến khích sự phục hồi của đầu tư tư nhân. Đồng thời, các đột phá về trí tuệ nhân tạo và tiến bộ trong công nghệ xanh cũng có thể mở ra một kỷ nguyên tăng trưởng năng suất mạnh mẽ, thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng.

Ngược lại, trên thực tế, các nhà đầu tư còn rất “e ngại” rót vốn vào nền kinh tế. Việc lãi suất thực tăng ở hầu hết các nước, ngoại trừ Nhật Bản và chính sách khuyến khích tiết kiệm khiến chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn.

Không chỉ có vậy, sự kết hợp giữa giá nhà giảm và thị trường việc làm mong manh đã làm gia tăng rủi ro vỡ nợ bất động sản thế chấp, gây áp lực lên lợi nhuận của các ngân hàng. Điều này tiếp tục dẫn tới việc gia tăng chi phí đi vay, hạn chế dư địa dành cho các khoản chi tiêu ưu tiên và làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ.

Mặt khác, các nền kinh tế mà thị trường tài chính vững mạnh như Mỹ cũng phải trải qua giai đoạn “bờ vực khủng hoảng” khi hàng loạt ngân hàng như Silicon Valley Bank, First Republic Bank…sụp đổ hay giai đoạn “căng thẳng nợ trần”.

Bức tranh ảm đạm của nền kinh tế thế giới năm 2023 là do tác động tổng hợp, đan xen của nhiều yếu tố. Trước hết, đó là tàn dư của đại dịch Covid-19 khiến tiêu dùng chưa thể thực sự trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu và chiến sự Nga – Ukraine tiếp tục diễn biến căng thẳng cũng góp phần làm chao đảo nền kinh tế thế giới khi giá năng lượng và giá lương thực liên tục biến động mạnh.

Hơn nữa, việc Trung Quốc – một mắt xích lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu - mở cửa nhưng phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng với nền tài chính bất ổn cũng làm giảm sự phục hồi của thế giới.

Tất cả những yếu tố này khiến cho lạm phát toàn cầu chưa thể giảm nhanh mà vẫn duy trì ở mức 6,9 % (theo dự báo của IMF), dẫn đến sự kéo dài của chính sách “thắt chặt tiền tệ”, tâm lý bất an và nhiều hệ lụy cho cả thương mại và đầu tư.

Đồng thời, nền kinh tế thế giới đang chứng kiến sự phân mảnh rõ rệt, tạo ra môi trường kinh doanh bất ổn và cản trở các nhà đầu tư thâm nhập thị trường.

Dương Thùy

 

Chuyên mục: Quốc tế , Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *