Quốc tế 11/11/2023 12:00

Moody's hạ triển vọng tín dụng của Mỹ

Đà tăng chi phí trả nợ cũng như những “bất đồng chính trị kéo dài” thời gian qua là nguyên nhân chính dẫn tới quyết định trên.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa hạ triển vọng tín dụng của Mỹ từ "ổn định" xuống "tiêu cực" bắt nguồn từ đà tăng chi phí vay nợ cũng như những “bất đồng chính trị kéo dài”. 

Cụ thể, trong báo cáo công bố ngày 11/11, đơn vị xếp hạng này cho biết quyết định thay đổi triển vọng phản ánh rủi ro sức khỏe tài khóa của nước Mỹ ngày một suy giảm trong khi "sức mạnh tín dụng quốc gia không thể bù đắp hoàn toàn". 

Thêm caption vào đây! (Giữ Backspace để xóa.)

Moody’s bổ sung rằng diễn biến tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ trong năm nay “là tín hiệu báo trước áp lực trả nợ ngày một gia tăng của quốc gia này. Nếu như chính phủ Mỹ không hành động kịp thời, năng lực trả nợ của nền kinh tế số một thế giới sẽ suy giảm xuống yếu hơn so với các quốc gia được xếp hạng tín dụng cao khác”, Moody’s bổ sung. 

Ngoài đà tăng chi phí trả lãi, Moody’s còn chỉ ra những “mối nguy” chính trị với mức độ hiệu quả chính sách thấp khi chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những bất đồng, qua đó làm suy yếu thêm năng lượng trả nợ của nước Mỹ. 

Mới tháng trước, chủ tịch Hạ viện Mỹ đã bị phế truất ngay sau khi ông thỏa hiệp với các thành viên đảng Dân Chủ thông qua thỏa thuận cấp vốn cho chính phủ nước này. Tuy nhiên, thoả thuận đó sẽ sớm hết hiệu lực, đồng nghĩa với việc nhiều cơ quan thuộc chính phủ Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động nếu như một thỏa thuận mới không được thông qua kịp thời. 

Quyết định thay đổi triển vọng tín dụng có thể dẫn tới khả năng hạ tín nhiệm tín dụng. Moody’s hiện giữ nguyên xếp hạng tín dụng của Mỹ ở AAA. 

Moody’s là đơn vị duy nhất thuộc nhóm ba tổ chức xếp hạng tín dụng lớn vẫn giữ xếp hạng AAA đối với Mỹ. Trước đó, trong tháng 8, Fitch Ratings thông báo hạ tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+ bất chấp chính phủ và quốc hội nước này đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công sau thời gian đàm phán kéo dài. Còn trong năm 2011, những tranh cãi xung quanh chủ đề trần nợ công cũng là lý do chính S&P làm điều tương tự. 

Đại Phú
 

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *