Quốc tế 09/09/2023 16:07

Áp lực giảm phát tại Trung Quốc 'hạ nhiệt'

“Nhìn chung, tình hình lạm phát tại Trung Quốc có đôi phần cải thiện trong tháng vừa qua”, Zhou Hao, Kinh tế trưởng tại Guotai Junan International, nhận định.

Áp lực giá cả tiêu dùng tại Trung Quốc quay trở lại xu hướng tăng trong tháng 8, tín hiệu cho thấy rủi ro giảm phát đang dần dịu xuống. 

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nền kinh tế số hai thế giới tăng 0,1% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, theo Cục Thống kê quốc gia.  Tuy thấp hơn dự báo tăng 0,2% của Reuters, con số thực tế cho thấy sự cải thiện so với mức giảm 0,3% của tháng 7. Trong khi đó, lạm phát lõi (không bao gồm chi phí thực phẩm và nhiên liệu), đi ngang ở ngưỡng 0,8%. 

Ở một diễn biến khác, chỉ số giá sản xuất (PPI), đo lường chi phí mà các doanh nghiệp chi trả cho nguyên vật liệu đầu vào, giảm 3,3% trong cùng giai đoạn, thấp hơn mức giảm 4,4% của tháng trước đó. Đây đồng thời là mức giảm nhỏ nhất của chỉ số trên trong năm tháng gần nhất.

“Nhìn chung, tình hình lạm phát tại Trung Quốc có đôi phần cải thiện trong tháng vừa qua”, Zhou Hao, Kinh tế trưởng tại Guotai Junan International, nhận định. “Tuy nhiên, dữ liệu tháng vừa qua vẫn phản ánh thực tế nhu cầu thị trường yếu, đòi hỏi chính phủ Trung Quốc cần phải có thêm những chính sách hỗ trợ trong thời gian tới”, ông chia sẻ.

Trung Quốc thoát khỏi cảnh lạm phát "âm" trong tháng 8 (Ảnh: Getty)

Nếu so với tháng 7, chỉ số CPI tăng 0,3%, vượt lên trên mức tăng 0,2% của tháng trước đó. Điều này có được là nhờ vào mức tăng 11,4% của giá thịt lợn trước ảnh hưởng của thiên tai tại một số khu vực. Tính từ đầu năm, giá mặt hàng này giảm 17,9%, thu hẹp so với mức giảm 26% trong bảy tháng đầu năm. 

Trình trạng lũ lụt thời gian qua còn gây thiệt hại nặng đối với mùa vụ tại một số địa phương sản xuất ngô và lúa trọng điểm tại khu vực miền Bắc Trung Quốc, qua đó làm châm ngòi quan ngại thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới. 

Theo Luo Yunfeng, chuyên gia kinh tế tới từ công ty chứng khoán Huajin Securities, “kết quả hai chỉ số CPI và PPI có thể tiếp tục được cải thiện trong quý cuối năm”.

Diễn biến giá cả tại Trung Quốc vẽ nên “bức tranh” hoàn toàn trái ngược với tình trạng lạm phát cao tại phần lớn các nền kinh tế phát triển khác của thế giới, hệ quả của đại dịch Covid-19 và xung đột, buộc các ngân hàng trung ương phải quyết liệt thắt chặt chính sách tiền tệ. 

Hồi tháng 7, Trung Quốc trở thành quốc gia thành viên G20 đầu tiên ghi nhận lạm phát âm kể từ tháng 8/2021.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *