Góc nhìn 15/05/2020 13:40

Kinh tế có bật dậy mạnh mẽ hậu dịch?

Tôi thấy một số người tỏ ra lạc quan về một kịch bản kinh tế sẽ bật dậy mạnh như lò xo bung ngay sau khi dịch đi qua. Tôi thì không nghĩ vậy.

Ông Đỗ Hoà, Cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên

Theo tôi thì điều đó khó có thể xảy ra, vì một số lý do sau:

Thứ nhất là sức mua của thị trường. Bởi nói đến kinh tế là nói đến sức mua. Dù 3 - 4 tháng qua mọi người ít chi tiêu vì phải giãn cách, nhưng điều đó không có nghĩa là nguồn tài chính ấy được giữ lại nguyên vẹn để mà sẽ bùng phát chi tiêu sau khi dịch đi qua.
Ngược lại, nên nhớ là trong 3,4 tháng ấy, nhiều người không có việc làm, không có thu nhập. Số khác thì có thu nhập nhưng cũng bị giảm mạnh.
Trong khi đó họ vẫn phải chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Nhiều người phải chi tiêu từ nguồn tiền dự trữ của mình. Số ít may mắn hơn thì phải bán đi tài sản để chi tiêu.

Vậy thì tình trạng tài chính của người tiêu dùng sau dịch sẽ như thế nào?
A. Họ sẽ sung túc hơn, nhờ không phải chi tiêu và để dành được nhiều tiền, và chỉ chờ hết giãn cách để có cơ hội chi tiêu tiền của mình?
B. Hay họ sẽ bị kiệt quệ về mặt tài chính do không có thu nhập trong một thời gian dài, và phải chi tiêu những đồng tiền để dành của mình, phải ăn vào vốn kinh doanh, hay bị thua lỗ khá nặng nề do kinh doanh trì trệ?
Vậy thì sức mua sau dịch sẽ bật cao hay sẽ tiếp tục ở mức thấp?

Thứ 2, kinh tế thế giới nói chung sẽ như thế nào? Dù rằng lúc này vẫn chưa biết đến khi nào thì dịch mới chấm dứt, nhưng tình hình chung thì người ta nói về một nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, vỡ bong bóng chứng khoán, bất động sản... chứ không thấy ai nói rằng viễn cảnh kinh tế thế giới năm 2020, 2021 sáng sủa.
Ngay cả khi Việt Nam nhận được thêm một số nhà máy sản xuất dời đến từ nước khác, nhờ sự thay đổi về chuỗi cung cấp toàn cầu, thì tôi e là cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều về mặt thu nhập của người dân trong ít nhất là 3 năm đến.
Lý do là vì giá trị mà Việt Nam có thể đóng góp vào chuỗi giá trị ngành hiện nay chỉ là công lao động, chứ không phải là bản quyền công nghệ, R&D, thiết kế mẫu mã, thương hiệu, công nghiệp phụ trợ hay phân phối lưu thông sản phẩm.
Do vậy, sự dịch chuyển chuỗi cung cấp này chỉ giúp tạo ra công việc cho lực lượng lao động dư thừa của Việt Nam, thêm vài chuyến tàu mỗi năm cho ngành logistics và shipping, còn giá trị xuất khẩu của nó thì được tính vào GDP. Chỉ vậy thôi!
Nếu Việt Nam có chính sách khôn khéo, linh hoạt để nắm bắt cơ hội, thì cũng phải mất ít nhất là 3 năm sau, Việt Nam mới tăng được phần đóng góp của mình vào chuỗi giá trị cung cấp lên mức cao hơn, như Trung Quốc đã từng làm được.

Yếu tố thứ 3 là một số xu hướng chung không thuận lợi. Tuy có một số cơ hội ở một số ngành, mà chủ yếu là các ngành thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên vốn có giá trị thấp, các ngành có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng cao thì sẽ chịu tác động của xu hướng mới, đảo ngược với xu hướng globalization lâu nay.
Việt Nam có thể nhận được các nhà máy lắp ráp các thiết bị điện tử như smartphone. Nhưng không như Trung Quốc trước đây, các khâu R&D, thiết kế vi mạch, sản xuất linh kiện công nghệ cao, khâu design mẫu mã, khâu nghiên cứu và sản xuất vật liệu mới ... sẽ được đưa trở về chính quốc hoặc phân tán ra nhiều nơi khác nhau.

Tảng băng globalization đang tan dần, các thỏa thuận đa phương là nền tảng của globalization đang dần bị phá bỏ và thay thế bởi các thỏa thuận khác. Vai trò của WTO đang mờ nhạt dần..

Với xu hướng này, sẽ không có cơ hội cho một kịch bản đại loại như "công xưởng của thế giới" đối với nước nào, như đã xảy đến với TQ trong quá khứ. Bởi globalization đã trở thành một câu chuyện thuộc về quá khứ.

Lạc quan là tốt, nhưng cũng nên tỉnh táo để không lơ lững mãi trên ngọn cây. Việt Nam sẽ cần phải thay đổi rất nhiều nữa nếu muốn có một phần đáng kể hơn trong các chuỗi cung cấp ngành của thế giới.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *