Góc nhìn 02/05/2020 16:55

Giám sát độc lập các gói hỗ trợ

Nền kinh tế không phải là công tắc điện, tắt tối, bật sáng ngay. Nền kinh tế của Việt Nam có thể sẽ chịu tác động suy giảm, không thể lạc quan quá được.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Hiện nay, ngoài gói 300.000 tỷ đồng ưu đãi cho doanh nghiệp vay, Chính phủ còn có các chính sách khác như gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho người yếu thế, gói 180.000 tỷ đồng tạm hoãn, giãn thời gian nộp thuế.

Về cơ bản, chính sách làm an - yên lòng dân và xã hội đã đạt thành quả lớn cùng với việc nước ta cơ bản chống dịch Covid-19 thành công. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là sao cho đồng vốn ưu đãi vay đến tay doanh nghiệp cần, chứ không phải chỉ đáo nợ, đảo nợ, giúp đỡ ngân hàng là chính.

Gói đó để hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch virus corona, món nợ của họ khó trả, gói đó để làm giảm lãi suất, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, cơ cấu lại tài sản trả nợ và không chuyển nhóm nợ, nếu họ không có khả năng trả nợ.

Các ngân hàng chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp đó trước để giảm lãi suất, cơ cấu thời hạn, kỳ hạn. Tuy nhiên, theo tinh thần của Chính phủ, gói ưu đãi trên cũng có phần dư nợ vay mới, nhưng cho đến giờ này thì chưa biết các ngân hàng cho vay mới bao nhiêu.

Chính phủ cần quy định bao nhiêu % cho vay mới ở gói kích thích kinh tế này để thấy được rõ giá trị gia tăng của dòng tiền đi vào nền kinh tế. Nếu không quy định, vốn sẽ chủ yếu để các ngân hàng tự cơ cấu lại dư nợ của mình, điều này cũng có lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nó khiến làm lợi cho ngân hàng trước đã bởi khi ngân hàng không chuyển nhóm nợ, thì họ không phải trích lập dự phòng nợ xấu, họ không có nhiều nợ xấu trên sổ sách.

Gói kích thích 300.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi là thời cơ lớn cho Việt Nam khắc phục thiệt hại. Đây là chi phí cơ hội nếu ta không tận dụng đúng, hiệu quả sẽ mất đi, sẽ chỉ bảo vệ doanh nghiệp lớn, hệ thống ngân hàng.

Covid-19 khiến 4 tháng qua doanh nghiệp ăn không ngon, ngủ không yên, tác động tiêu cực đến không chỉ ngay tức thì mà sẽ còn dài hơn do nguồn cung chưa khôi phục, thị trường trong nước yếu, xuất khẩu khó khăn... Lấy gì làm động lực sản xuất đây?

Tôi tán thành việc lập ủy ban giám sát độc lập về tính hiệu quả của chính sách, đồng tiền này hơn là việc cứ giao cho các ngân hàng thương mại để họ mặc sức làm thì dĩ nhiên họ sẽ làm có lợi nhất cho họ.

Nguyên tắc của hoạt động ngân hàng là sinh lời và bảo toàn đồng vốn, chính vì vậy đối tượng nào phù hợp nhất họ sẽ cho vay. Tôi nghĩ rằng, gói này không phủ nhận được, nhưng cần có tiêu chí cụ thể.

Nền kinh tế không phải là công tắc điện, tắt tối, bật sáng ngay. Nền kinh tế của Việt Nam có thể sẽ chịu tác động suy giảm, không thể lạc quan quá được.

Vấn đề của chúng ta hiện nay là làm sao duy trì được hoạt động của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thế giới hiện nay đang co cụm lại, chúng ta không duy trì phát triển mạnh như trước. Chúng ta cần bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ người lao động và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.

Hiện tại thì cần làm sao để doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại được, nó chiếm tỷ lệ 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Nếu bị dịch bệnh tàn phá, chúng ta không còn khả năng mà phục hồi nữa.

Làm sao để bơm tiền cho họ, để làm sao họ đủ tiền trả tiền thuê mặt bằng, nuôi sống lao động, trả tiền cho nhà cung ứng, lệ phí hoặc thuế của Nhà nước. Theo tôi, Chính phủ cần có ngay một gói kích cầu riêng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể lên đến 150.000 tỷ đồng, tương đương 2% GDP Việt Nam là khoảng 6 tỷ USD.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Trí Hiếu
Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế

Ông Hiếu sinh năm 1947 và hiện là Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh. Ông Hiếu là một Việt kiều, quốc tịch Mỹ, là chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, đồng thời đảm nhiệm cương vị thành viên thường trực và độc lập Hội đồng quản trị Ngân hàng cổ phần An Bình.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *