Góc nhìn 08/04/2020 10:46

Cuộc khủng hoảng chưa từng có

Có thể khẳng định “đây là cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới cận đại”.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright

Mặc dù Covid-19 là khủng hoảng toàn cầu nhưng, tác động của nó lớn đến đâu sẽ phụ thuộc vào bối cảnh và phản ứng cụ thể của mỗi quốc gia.

Trong từng quốc gia, mức độ tác động của đại dịch và khả năng điều chỉnh, thích nghi của mỗi ngành nghề cũng khác nhau.

Với quy mô kinh tế nhỏ và có độ mở thuộc hàng cao nhất thế giới hiện nay, không có gì ngạc nhiên khi bất kỳ một biến động nào bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng ngay lập tức và nghiêm trọng đến Việt Nam. 

Sự phụ thuộc ngày càng lớn của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài (khu vực FDI chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng sản lượng công nghiệp) khiến nền kinh tế càng dễ tổn thương trước các cú sốc bên ngoài.

Không những vậy, các ngành công nghiệp chế biến – chế tạo của Việt Nam còn lệ thuộc nặng nề vào nguồn cung nguyên vật liệu bên ngoài do sự yếu kém của các ngành công nghiệp phụ trợ.

Đặc thù ở Việt Nam là để xuất khẩu thì doanh nghiệp phải nhập khẩu rất nhiều. Bởi vậy, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ vì dịch bệnh, các doanh nghiệp chật vật sản xuất cầm chừng khi nguồn nguyên liệu đầu vào dần cạn kiệt.

Mặt khác, cơ cấu kinh tế hiện tại của Việt Nam cũng khiến cho tác động của Covid-19 trở nên nghiêm trọng hơn. Tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tương đối cao, trong khi đây lại là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch bệnh và suy thoái kinh tế.

Tác động nghiêm trọng của Covid-19 được phản ánh rõ nét trong số liệu thống kê quý 1.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 3,82%, sụt giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Cả sản xuất công nghiệp và bán lẻ tiêu dùng đều giảm mạnh với chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ bằng 50% so với năm 2018.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn 0,5%, mức tăng thấp kỷ lục, trong khi nhập khẩu âm gần 2%, cho thấy các doanh nghiệp đang cạn kiệt nguyên liệu đầu vào để sản xuất.

Dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quý 2 còn thấp hơn nữa khi các nền kinh tế lớn, đồng thời là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, mới thực sự ngấm đòn Covid-19.

Về vốn đầu tư nước ngoài, đây cũng là năm duy nhất mà cả tốc độ vốn đăng ký và tốc độ vốn thực hiện đều giảm mạnh (tương ứng âm 20,9% và âm 6,6%).

Đặc biệt, các doanh nghiệp – trụ cột của nền kinh tế chịu cú sốc mạnh. Số doanh nghiệp mới thành lập tăng 4.4% nhưng quy mô về vốn và lao động đều giảm, trong đó lao động giảm tới gần một phần tư so với quý I năm 2019. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động để nghe ngóng tình hình, hoặc chờ giải thể tăng vọt đến 26%.

Khảo sát nhanh của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đầu tháng 3 vừa qua đối với 1200 doanh nghiệp cho biết nếu như dịch kéo dài 6 tháng thì 60% doanh nghiệp sẽ bị giảm trên 50% doanh thu, gần 30% doanh nghiệp giảm từ 20 đến 50%.

Nói cách khác, khoảng 90% doanh nghiệp được khảo sát có mức giảm doanh thu nghiêm trọng và 74% doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, giải thể.

Nếu không có sự can thiệp hiệu quả, hiệu lực và kịp thời của Chính phủ, một số ngành kinh tế và nhiều doanh nghiệp có thể đổ vỡ, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng về tăng trưởng, việc làm, cũng như nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực khác.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *