Góc nhìn 07/04/2020 09:45

Nỗi lo tăng trưởng?

Một gia đình nông dân để đủ ăn phải làm ra một tấn lúa một năm. Nhờ giỏi canh tác, năng suất lúa tăng dần, sau 10 năm sản lượng lúa tăng gấp 3. Sự tăng trưởng sản lượng ấy cũng giống GDP của quốc gia tăng 3 lần. Trong khoảng thời gian ấy năm nào cũng có thể vui với thành tích.

Ông Ngô Văn TuyểnTổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEA)

Thế nhưng khi làm ra nhiều lúa, phần lương thực dư thừa bán đi cũng chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tăng dần, nhiều hơn, sang hơn. Năm nào mùa màng kém đi, thì lại phải tiêu dùng ít đi. Khi cần tiền làm việc gì lớn như sửa nhà, mua máy móc lại phải đi vay. Làm nhiều lúa nhưng rồi lại thấy vẫn vay nhiều.

Một gia đình khác cũng làm lúa như vậy nhưng phần dư thừa bán được bao nhiêu lại dành dụm để nghĩ cách làm ăn. Khi có đủ tiền thì mua máy móc, mở thêm các dịch vụ để kiếm tiền. Cứ thế mỗi năm mỗi phát triển. Khi so sánh với hàng xóm có khi lại nhận thấy mình có của để nhiều hơn đấy, nhưng vất vả hơn, chẳng được hưởng thụ mấy.

Quốc gia cũng vậy, quy mô GDP cứ tăng dần hàng năm, nhưng người dân có công ăn việc làm mà cũng chỉ đáp ứng tiêu dùng, chính phủ thuế thu không đủ chi, thì vẫn cứ nghèo. Không có tích lũy khi cần làm gì như phát triển hạ tầng, gia tăng khả năng quốc phòng lại phải vay nợ. Nợ mỗi năm có khi lại thấy nhiều lên theo quy mô GDP.

Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc sau các cuộc chiến tranh đều nghèo, quy mô GDP nhỏ bé. Sự giàu có của họ không chỉ do tốc độ tăng trưởng. Tiền bạc làm ra một thời thắt lưng buộc bụng dành cho phát triển. Cơ sở hạ tầng, nhà máy, công xưởng được đặt nền móng từ mấy chục năm trước, vẫn như từng bậc thang chắc chắn để các thế hệ tiếp theo bước lên đi tiếp. 

Nếu chỉ nhìn quy mô GDP thì thấy Triều Tiên chẳng thể làm được tàu điện ngầm từ mấy chục năm trước, họ làm được những đô thị hoành tráng, tên lửa, tàu ngầm, vũ khí, mà hai cường quốc lớn nhất cũng phải e ngại. Ngay cả Việt Nam cả trăm năm trước đã xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt, cầu cống, đô thị văn minh khi chẳng có mấy tiền.

Nếu để có tăng trưởng thì chi phí phá những nhà máy cũ, phá toà nhà cũ cũng tăng GDP, phá rừng lấy gỗ ồ ạt, xây nhà máy để không, xây các khu đô thị hoành tráng với bao biệt thự, căn hộ nhiều năm không người ở cũng tăng GDP. Tăng trưởng nhưng không tạo ra nguồn lực tăng trưởng, lãng phí nguồn lực thì chỉ là thành tích ở những con số nhất thời.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, kinh tế trì trệ. Người ta lo lắng tốc độ tăng trưởng chậm lại. Bi quan nữa là kinh tế tăng trưởng âm. Liệu có phải như vậy là sẽ đói nghèo? Liệu có phải là bao thành quả đáng khích lệ từ nhiều năm nay đổ xuống sông xuống biển? Làm chỉ để tiêu xài, thì làm ít hơn, tiêu ít hơn có khi lại là tích cực.

Tăng trưởng nhưng hầm mỏ đã cạn kiệt, rừng không thể khai thác nữa, biển chẳng còn nguồn lợi, tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng thì chỉ như đã chạy một quãng đường dài giờ thấy hụt hơi. Đã đến lúc phải suy nghĩ về chất lượng tăng trưởng và cả sự tiêu xài quá lố của một quốc gia còn nghèo.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *