Dòng chảy vốn 24/04/2015 10:32

Xã hội hoá đường sắt: Sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp

Đó là khẳng định của ông Đoàn Duy Hoạch - Phó TGĐ TCty Đường sắt VN (TCty ĐSVN) - trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về lo ngại, việc nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực đường sắt sẽ lại tạo ra cơ chế xin-cho, cửa quyền. Ông Hoạch cho biết:

Sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu TCty ĐSVN giai đoạn 2011-2015, Cty mẹ - TCty ĐSVN có mục tiêu trọng tâm là tổ chức quản lý, khai thác và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hiệu quả, nâng cao khả năng thu từ phí, giá cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt. Đây là định hướng mới của TCty ĐSVN giai đoạn 2016-2020, theo đó phấn đấu đến năm 2020 ngành ĐSVN đạt được thị phần vận tải hàng hoá liên tỉnh khoảng 4,34%, vận tải hành khách khoảng 3,4% khối lượng vận tải (tính theo lượng luân chuyển) toàn ngành GTVT. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đặc biệt tại các ga, đầu mối vận tải.

Đồng thời phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt theo hướng tập trung ưu tiên nâng cấp, hiện đại hoá tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện có, nâng tải trọng cầu đường đạt 4,2 tấn/mét trên các khu đoạn còn lại của tuyến đường sắt Thống Nhất. Tập trung sớm hoàn thành các dự án trọng điểm giải quyết các nút thắt trên tuyến đường sắt Thống Nhất và thực hiện các đề án kết nối đường sắt và đường thủy; kết hợp hài hòa các phương thức vận tải Hải Phòng - Lào Cai; vận chuyển container giảm tải cho đường bộ. Hoàn thành nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp.

´ Tuy là một ngành vận tải mũi nhọn nhưng thực tế, hiện nay TCty ĐSVN vẫn hoạt động trong điều kiện đầu máy, toa xe cũ kỹ và cơ sở hạ tầng lạc hậu. Vậy đâu là thế mạnh để ngành đường sắt thu hút được các nhà đầu tư?

- Trong thời gian qua, TCty ĐSVN triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút các nhà đầu tư như khai thác các đoàn tàu chuyên tuyến, chuyên luồng hiệu quả; khai thác tốt các đoàn tàu địa phương; ứng dụng KHCN để cải tiến công tác bán vé, đặc biệt là dự án bán vé điện tử và đưa ra nhiều hình thức bán vé đáp ứng nhu cầu mua vé thuận tiện và dễ dàng. Chất lượng phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga có nhiều chuyển biến, tỉ lệ tàu đi đến đúng giờ tăng cao. Hiện, TCty đang tiến hành mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất hợp tác đầu tư đối với hệ thống kho, bãi hàng tại các ga đường sắt, nhượng quyền khai thác một số tuyến nhánh. Trước mắt sẽ thí điểm đối với kho, bãi hàng tại các ga Yên Viên, Sóng Thần và Đồng Đăng, trên cơ sở đó sẽ nhân rộng mô hình đối với các ga còn lại. Bước đầu đã có 28 DN khác tham gia vào kinh doanh vận tải.

´ Chủ trương của Bộ GTVT là xã hội hóa để giảm độc quyền và mở cửa với tất cả các nhà đầu tư. Nhưng một số ý kiến cho rằng việc cho nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực đường sắt sẽ lại tạo ra cơ chế xin-cho, cửa quyền, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Việc huy động nguồn vốn, nguồn lực từ mọi cá nhân, tổ chức để thực hiện hoặc tham gia thực hiện một số dịch vụ công cộng, sẽ nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và khách hàng sử dụng dịch vụ bằng đường sắt. Xã hội hóa đầu tư, khai thác các công trình kết cấu hạ tầng đường sắt nhằm gia tăng các dịch vụ tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, khai thác có hiệu quả nguồn lực xã hội và tăng khả năng cạnh tranh của đường sắt đối với các phương tiện vận tải khác. Việc các DN đầu tư vào lĩnh vực đường sắt sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho các DN, hạn chế và tiến tới triệt tiêu cơ chế xin-cho, cửa quyền.

- Xin cảm ơn ông!

Báo Lao Động số 90 ngày 21.4 có đăng bài “Đường sắt Việt Nam: Thu 400 tỉ, chi 2.000 tỉ đồng/năm”, trong đó đưa thông tin tổng doanh thu của ngành đường sắt mỗi năm chỉ khoảng 400 tỉ đồng, nhưng phải chi lên đến gần 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên thực tế, doanh thu của toàn ngành đường sắt hiện đạt trên 9.500 tỉ đồng, trong đó doanh thu vận tải đạt 5.100 tỉ đồng, nộp nghĩa vụ ngân sách Nhà nước 1.100 tỉ đồng.

Các số liệu “thu 400 tỉ đồng mà phải chi lên tới 2.000 tỉ đồng” nêu trên được nêu ra tại buổi làm việc báo cáo với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về đề án “Huy động vốn xã hội hoá để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt” ngày 20.4. Tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng, hiện chi phí bỏ ra để thực hiện công tác bảo trì của ngành đường sắt quá lớn, cụ thể để đạt được doanh thu 400 tỉ đồng, phải chi ra gần 2.000 tỉ đồng. Có nghĩa sẽ phải bỏ ra trên 1.500 tỉ đồng để thực hiện các công tác bảo trì. Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên có sự nhầm lẫn về số liệu và ngữ cảnh phát ngôn.

Theo Đặng Tiến

Lao động

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *