Dòng chảy vốn 07/03/2016 15:33

Vietnam Airlines khẳng định VASCO sẽ thành Hãng hàng không cổ phần

Sáng nay (7/3), trả lời Dân trí, Người phát ngôn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP (Vietnam Airlines-VNA), ông Lê Hoàng Dũng khẳng định, Công ty Bay dịch vụ Hàng không (VASCO)-một chi nhánh của VNA sẽ được chuyển đổi thành một hãng hàng không cổ phần.

Theo ông Lê Hoàng Dũng, VASCO được thành lập từ năm 1987, khi đó mới chỉ là một hãng hàng không nhỏ khai thác các loại tàu bay AN2, AN30, KingAir B200 để cung cấp dịch vụ hàng không chung như chụp ảnh địa hình, khảo sát địa chất, cấp cứu ý tế, tìm kiếm cứu nạn… và dịch vụ vận chuyển thương mại trên một số đường bay phục vụ kinh tế, dân sinh.


Máy bay mà VASCO hiện đang khai thác

Máy bay mà VASCO hiện đang khai thác

“Từ tháng 10/2007, VASCO đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép chuyển đổi thành công ty cổ phần. Thực hiện chủ trương này, vừa qua, VNA đã trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập một Hãng hàng không cổ phần”, ông Dũng cho biết.

Cũng theo Người phát ngôn của VNA, VASCO, với định hướng là Công ty cổ phần mới được thành lập với quy mô vốn điều lệ tối thiểu 300 tỉ đồng, đội tàu bay dự kiến dưới 10 tàu.

“VNA đã lựa chọn cổ đông tham gia sáng lập là Ngân hàng Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), là ngân hàng có tiềm lực về tài chính. echcombank đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép đầu tư vào lĩnh vực hàng không và hiện đang là cổ đông lớn của công ty mẹ Tổng công ty Hàng không Việt Nam-Công ty Cổ phần”, ông Dũng nói.

Theo đề án chuyển đổi VASCO đã trình Bộ Giao thông Vận tải, VNA sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ, phía Techcombank nắm giữ 49% vốn điều lệ của Hãng hàng không cổ phần. Vietnam Airlines góp vốn bằng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư ATR72…, Techcombank góp vốn bằng tiền mặt. Việc góp vốn của các bên được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Giá trị tài sản góp vốn được định giá bởi Công ty cổ phần định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC), là công ty thẩm định giá chuyên nghiệp được Bộ Tài Chính chấp thuận.

“Trong giai đoạn đầu hoạt động, Hãng hàng không cổ phần sẽ tiếp tục khai thác đội tàu bay ATR72, phù hợp cho các chặng bay đi từ/đến các sân bay địa phương, huyện đảo chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực (B777, A320/A321) như Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên... Các đường bay này đảm bảo hiệu quả kinh tế của đề án, được tính toán phù hợp với mô hình hoạt động của một hãng hàng không độc lập cũng như đặc thù của đường bay sẽ khai thác”, ông Dũng nêu.

Được biết, trước đó, cũng đã có một số ý kiến chuyên gia kinh tế, hàng không cho rằng, VASCO sẽ khó trở thành một hãng hàng không mới đúng nghĩa do VNA còn nắm cổ phần chi phối. Một số ý kiến cho rằng, VNA cần công khai kế hoạch chuyển đổi VASCO thành công ty cổ phần, đưa ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính. Về điều này, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, VASCO là một công ty đã có kinh nghiệm về vận tải hàng không và công ty này cần là một nhà đầu tư có nguồn lực về tài chính để có thể thúc đẩy phát triển chứ không phải là cứ phải chọn một nhà đầu tư chuyên về hàng không.

“Họ thiếu gì sẽ bổ sung cái đó. Ở đây, họ đã có kinh nghiệm quản lý, vận hành, khai thác và họ cần nguồn lực tài chính thì họ chọn nhà đầu tư tài chính. Tính khả thi như thế nào, các cổ đông sẽ phải tự cân nhắc trước khi quyết định đầu tư”, ông Minh nói.

Riêng về e ngại VNA còn nắm cổ phần chi phối VASCO, theo mô hình “hãng nằm trong hãng” có thể làm hạn chế tính độc lập, khả năng phát triển của VASCO, ông Minh cho rằng, ở đây cũng giống như VNA đang có vốn góp tại Jetstar Pacific hay Cambodia Angkor Air.

“Họ hoàn toàn có thể góp vốn cùng doanh nghiệp để có thể cùng khai thác hãng hàng không hoặc cùng kinh doanh dịch vụ phi hàng không… Ở trường hợp VASCO, tôi cho rằng sẽ có thuận lợi, hiệu quả giống như vừa rồi VNA đã cơ bản hoàn tất việc tái cơ cấu thành công Jetstar”, ông Minh nêu quan điểm.

Ngoài ra, về ý kiến cho rằng, VNA chỉ xác định hiệu quả kinh tế của VASCO cho giai đoạn đầu 2016 -2018 chỉ có 1,94 tỉ đồng là thấp so với qui mô vốn điều lệ tối thiểu là 300 tỉ đồng của công ty này, ông Vũ Anh Minh cũng cho rằng mức lợi nhuận này có thể là “hơi khiêm tốn”.

“Nhưng chúng ta phải lưu ý rằng VASCO hiện tại chỉ là một đơn vị hạch toán phụ thuộc, sắp xếp lại để thành lập một công ty cổ phần.Thời gian đầu, chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định. Giai đoạn đầu, họ phải tập trung đầu tư, hoàn thiện bộ máy, cơ cấu tổ chức. Chắc chắn chi phí đầu tư giai đoạn đầu sẽ cao, áp lực ban đầu sẽ rất lớn”, ông này nói.

Được biết, cho đến ngày 7/3/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đồng ý về chủ trương của VNA về việc tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Hàng không VASCO theo đề xuất của Người đại diện phần vốn Nhà nước tại VNA.

Mạnh Quân

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *