Dòng chảy vốn 29/02/2016 18:36

Xây tháp truyền hình cao nhất thế giới: Lợi ích nhiều thì ai cũng ủng hộ

Theo nhận định của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định, nếu không sử dụng ngân sách Nhà nước mà vẫn xây dựng được một dự án tháp truyền hình cao 636 m (cao nhất thế giới), Nhà nước, nhân dân, nhà đầu tư đều có lợi thì chắc chắn là ai cũng ủng hộ.

Đề xuất xây tháp truyền hình cao nhất thế giới 636 m của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) là một trong những nội dung “nóng” nhất được trao đổi tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra chiều nay (29/2/2016).

Lần đầu tiên chủ trì phiên họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định khá thẳng thắn khi đáp lại câu hỏi này của báo giới.


Việc xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Hà Nội đang tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều (ảnh minh hoạ).

Việc xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Hà Nội đang tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều (ảnh minh hoạ).

Ông Định cho biết, chủ trương xây dựng tháp truyền hình đã được nêu tại văn kiện Nghị quyết đại hội đảng VIII. Đến năm 1995, trong một quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lúc bấy giờ về quy hoạch phát thanh truyền hình cũng đã khẳng định, cần thiết phải xây dựng tháp truyền hình.

Đây là dự án đa mục tiêu, không chỉ dùng cho kỹ thuật truyền hình mà còn sử dụng ở nhiều mục tiêu khác nhau, một điểm nhấn du lịch, một biểu tượng của Hà Nội và phục vụ mục đích thương mại.

Đến năm 1997, VTV trình xây dựng một tháp cao 350 m. Ông Định cho biết, Thường trực Chính phủ sau đó đã bàn bạc nhiều lần nhưng do ngân sách khó khăn phải dành ưu tiên cho nhiều mục tiêu khác nên đã dừng đề xuất này lại.

Năm 2013, VTV tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương xây dựng tháp truyền hình với đa mục tiêu như trong quy hoạch phát thanh truyền hình đã được phê duyệt năm 1995.

Đến nay, dự án này đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương, trong đó, không sử dụng ngân sách Nhà nước và bảo đảm được lợi ích cho nhân dân (khu vực giải phóng mặt bằng), bảo đảm lợi ích cho Hà Nội, cho Nhà nước, thu hút lao động, thu hút du lịch…

Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương giao cho VTV phối hợp với các bộ ngành xây dựng dự án, chọn nhà đầu tư tư nhân tham gia, mời tư vấn nước ngoài có uy tín để xây dựng dự án. Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn mới chỉ dừng lại ở xây dựng dự án tiền khả thi.

“Tất cả những vấn đề được dư luận, người dân quan tâm sẽ được đưa vào dự án tiền khả thi này để Thủ tướng sẽ xem xét” – ông Định cho hay.

Trong quá trình này, VTV có đề xuất nhiều cơ chế chính sách, trong đó có những nội dung liên quan đến ưu đãi đất đai, thuế… nếu thuộc thẩm quyền của các bộ ngành thì các bộ ngành xử lý; nếu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì các Bộ ngành tổng hợp báo cáo với Thủ tướng, theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ông Định cho biết thêm, sau khi đã hoàn tất dự án tiền khả thi và đáp ứng được các yêu cầu về cơ chế huy động vốn, về đảm bảo đến quyền lợi các bên (lợi ích nhà nước, nhân dân, nhà đầu tư), vấn đề thu hồi vốn…thì Thủ tướng mới phê duyệt.

"Nếu không đảm bảo được hiệu quả và các mục đích trên thì chắc chắn Thủ tướng sẽ không phê duyệt" - ông Định quả quyết.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nói thêm: "Tôi thì tôi hình dung là nếu như không sử dụng ngân sách Nhà nước, huy động được nguồn vốn xã hội hoá mà Hà Nội lại có một công trình cao 636 m đẹp như thế, nhiều lợi ích như thế, nhân dân có lợi, Nhà nước có lợi, nhà đầu tư có lợi, uy tín của Hà Nội tăng…đạt được mục tiêu đó thì chắc chắn ai cũng ủng hộ".

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *