Truy xuất nguồn gốc - đòi hỏi tất yếu

Mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng hiện giờ là thực phẩm được nhập khẩu khi nào và nguồn gốc từ đâu.

Quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ đã nối dài các chuỗi cung ứng. Giờ đây nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta trở nên nhiều hơn, đa dạng hơn. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn cho bữa ăn của mình. Nhưng cũng vì vậy chúng ta trở nên lo lắng hơn. Không như các sản phẩm khác, thực phẩm là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng và chất lượng biến đổi theo thời gian.

 

 

Người tiêu dùng giờ đây bị ngập trong các tiêu chuẩn và chứng nhận chất lượng mà để nhận biết được các chứng chỉ đó cũng khó không kém việc nhận biết chất lượng thực sự của sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm giờ đây đang trở thành xu hướng mạnh mẽ trên thị trường, bởi người tiêu dùng sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu có khả năng biết được chắc chắn thực phẩm mình ăn có xuất xứ từ đâu. Các nhà bán lẻ cũng yên tâm hơn và cảm thấy dễ kiểm soát các rủi ro phát sinh hơn nếu theo dõi và xác minh được toàn bộ đường đi của sản phẩm.

 

Một hệ thống như vậy được áp dụng sẽ làm cả nhà bán lẻ và người tiêu dùng yên tâm. Tuy vậy việc triển khai các tiêu chuẩn thống nhất để áp dụng hệ thống này không dễ dàng chút nào. Thế giới đã phải mất cả một thời gian dài để dần hoàn thiện các tiêu chuẩn này.

 

Khó khăn thực sự trong việc triển khai các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc trong thực tế nằm ở quá trình triển khai. Các hệ thống truy xuất nguồn gốc đầu tiên được triển khai đã thực hiện việc này bằng cách ghi chép bằng tay lên các thẻ cứng. Tuy nhiên, quy trình này không đảm bảo khả năng tiếp cận dễ dàng hệ thống truy xuất nguồn gốc của người dùng cuối. Trên thực tế việc này là không khả thi nếu không có các hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử.

 

Ở Việt Nam, hiện cũng đã có hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử Trace Verified của công ty Sắc ký Hải Đăng. Với những sản phẩm có dán nhãn theo hệ thống truy xuất nguồn gốc, người dùng chỉ cần cài một ứng dụng trên smartphone của mình là có thể dễ dàng kiểm tra được xuất xứ của sản phẩm.

 

Phần còn lại của câu chuyện là người tiêu dùng cũng cần trở nên thông minh hơn. Để thực sự yên tâm về thực phẩm mình sử dụng, họ cần làm quen với các khái niệm như truy xuất nguồn gốc. Việc này khả thi hơn nhiều việc phải căng mắt tìm đọc và nhớ hàng loạt những chứng chỉ về chất lượng và an toàn từ địa phương cho đến quốc tế đang tràn ngập trên thị trường,

 

Thực ra trên thế giới, đòi hỏi về truy xuất nguồn gốc đang thực sự diễn ra và trở thành yêu cầu bắt buộc chứ không chỉ còn là xu hướng. Tại Mỹ, theo một khảo sát tại hội chợ của Hiệp hội nhà hàng quốc gia (NRA) năm nay, có tới một nửa khách hàng tham gia hội chợ quan tâm tới các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc. Còn các hệ thống siêu thị bán lẻ ở Anh cũng đang tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc trong nỗ lực nâng cao sự phát triển bền vững. Tại Canađa, hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng trên các trang trại nuôi lợn và cừu cũng được hết sức ủng hộ.

 

Ngành công nghiệp thực phẩm ngày càng trở thành một “doanh nghiệp” toàn cầu. Để thành công trong thương mại quốc tế, ngày càng nhiều công ty ở các nước khác nhau yêu cầu thực phẩm cung cấp cho họ được cung cấp bởi các đối tác an toàn.

 

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một công cụ giảm thiểu rủi ro để bảo vệ con người và sức khỏe động vật/ thực vật bằng cách giảm đáng kể số lần phản ứng với sự cố, giới hạn phạm vi thu hồi và tối thiểu số lượng người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi sự cố. Giảm nguy cơ này cũng giúp cải thiện lợi nhuận và nâng cao hình ảnh thương hiệu của nhà cung cấp.

 

Mặc dù ở Việt Nam những khái niệm này còn tương đối mới mẻ với người tiêu dùng, nhưng trước những nhu cầu bức thiết về an toàn thực phẩm, chắc chắn việc áp dụng và đòi hỏi khả năng truy nguyên nguồn gốc từ người tiêu dùng và các nhà bán lẻ sẽ ngày càng mạnh mẽ.

Theo Hoàng Anh

Doanh Nhân

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *