Ngành chăn nuôi: “Nguy cơ nhập khẩu từ A đến Z”

FICA - Nhập khẩu từ thức ăn, giống và thuốc thú y đã đành nhưng Việt Nam nhập khẩu lớn lượng thịt từ nước ngoài. Nhiều chuyên gia lo ngại, nguy cơ Việt Nam nhập khẩu từ A đến Z là hiện hữu...

Hiện hữu ở chỗ là nguồn đầu vào Việt Nam đang phụ thuộc lớn nhưng người chăn nuôi trong nước đang đối mặt với những thách thức toàn diện từ vay vốn, giá thức ăn, giá thị trường biến động... và đặc biệt áp lực cực lớn khi Việt Nam mở cửa đối nhanh với thịt ngoại trong khi chưa có hàng rào bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, các biện pháp kiểm dịch an toàn động vật yếu kém...

 

Hơn 10 năm, vẫn nhập giống, thức ăn và thuốc thú y

 

Có nhiều chuyên gia ví von ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay chỉ không nhập người nông dân, còn cái gì cũng nhập, nhập từ thức ăn chăn nuôi, giống lẫn thuốc thú y. Từ năm 2000  đến nay là hơn 10 năm, Việt Nam vẫn túc tắc đi nhập giống, trung bình, trung bình mỗi năm chúng ta phải chi ra từ hơn 100 tỷ đồng (5 – 6 triệu USD)  để nhập giống lợn, gia cầm phục vụ cho lai tạo và chăn nuôi. 8 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã chi 114 tỷ đồng nhập giống gia cầm và lợn từ nước ngoài, bằng 90% giá trị nhập khẩu cùng kỳ năm ngoái.

 

 

Về thức ăn chăn nuôi (TACN), Hiệp hội Chăn nuôi cho biết, Việt Nam đang phải phụ thuộc 50% vào nhập khẩu nguyên liệu cho ngành chăn nuôi và có dấu hiệu tăng thêm. Hiện cả nước có 239 doanh nghiệp cung ứng, nhưng thị phần tập trung lớn vào 7 công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Số liệu năm 2013 của Cục chăn nuôi công bố, các công ty nước ngoài như Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Thái Lan) chiếm 19,42% trong tổng sản lượng sản xuất ra thị trường; tiếp sau à Công ty TNHH Cargill Việt Nam (Mỹ) 8,11%; Proconco 7,51%; ANT; Greenfeed; Anco; Japfa.

 

Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất TACN,hiện các DN này chủ yếu nhập thức ăn từ công ty mẹ ở nước ngoài như Thái Lan, Mỹ. Nguyên nhân là nguyên liệu trong nước không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các công ty này, vì lượng ngô, sắn và đậu tương của Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là phục vụ các doanh nghiệp trong nước, trong khi đó thì các công ty FDI có hệ thống ở các nước nên việc nhập khẩu nguyên liệu TACN theo chuỗi sẽ có lợi về giá và thời gian giao hàng đối với họ.

 

Trong số các nguyên liệu sản xuất TACN thì Việt Nam mới chủ động được cám gạo còn các nguyên liệu khác phần lớn vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu.

 

Tính đến hết tháng 8/2014, Việt Nam chi gần 2,21 tỷ USD nhập khẩu TACN, trong khi đó năm 2013 chúng ta chi khoảng 3 tỷ USD nhập khẩu TACN. Nhập khẩu TACN cả năm 2013 của Việt Nam tăng 25,32% so với năm 2012 và 41,64% so với năm 2010. Các thị trường chính cung cấp TACN và nguyên liệu cho Việt Nam là Argentina, Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Ý; khu vực Châu Á là Thái Lan và Trung Quốc.

 

Như vậy, việc thị trường TACN, chúng ta lại thiệt đơn hại kép khi Việt Nam vốn là nước nông nghiệp, có nguồn nguyên liệu ngũ cốc, các loại ngô, khoai sắn và phụ phẩm nông nghiệp nhiều nhưng không được sử dụng. Bên cạnh đó, mới đây Việt Nam đã cho phép thí điểm nhập và trồng các giống ngô, đậu tương biến đổi gen. Chuỗi giá trị mà DN FDI thu về từ thị trường TACN không tạo động lực cho phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam.

 

Về tình hình nhập khẩu thuốc thú y, theo số liệu thống kê nhập khẩu vaccine dùng cho thú y của Việt Nam gia tăng một cách mạnh mẽ về cả lượng và giá trị. Trong giai đoạn từ năm 2002 – 2013, giá trị nhập khẩu vắc xin dùng cho thú y tăng từ hơn 6 triệu USD lên gần 60 triệu USD, tăng gần gấp 10 lần.

 

Nhập thịt sống tăng rất mạnh

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, trong những năm gần đây Việt Nam tăng cường nhập khẩu thịt từ nước ngoài với số lượng lớn. Trong đó tập trung chủ yếu nhập động vật tươi sống như bò, gà và lợn.

 

Nhập khẩu thịt bò của Việt Nam hiện tăng nhanh, tính đến hết tháng 5/2014 Việt Nam đã nhập trên 72.000 con bò sống, hơn cả số lượng nhập bò cả năm 2013 (66.951 con). Dự kiến nhập khẩu bò sống cả năm 2014 của Cục chăn nuôi năm 2014 là khoảng 150.000 con. Nếu đúng theo dự kiến, tốc độ nhập thịt bò năm 2014 tăng gấp 2 so với thực tế năm 2013.

 

Trái ngược với nhập bò lớn, tổng đàn bò thịt của Việt Nam đã giảm. Theo Tổng cục Thống kê trong 6 năm trở lại đây (từ năm 2007 – 2013),  tổng đàn bò thịt của Việt Nam đã giảm 25%, trung bình mỗi năm giảm gần 3,6%.

 

Hiện, Việt Nam nhập khẩu bò thịt chủ yếu là bò Úc, Việt Nam đã vượt qua nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc để trở thành đối tác nhập khẩu thịt bò lớn thứ 2 của Úc sau Indonesia. Tuy nhiên, theo ông Vang, bò Úc ngon nhất khi giết thịt ở độ tuổi 24-30 tháng nhưng Việt Nam nhập bò Úc ở độ tuổi từ 30-96 tháng (8 năm tuổi).

 

Về nhập khẩu các loại thịt khác, theo Tổng cục Hải Quan, 6 tháng đầu năm 2014 nhập khẩu thịt gà tăng khá mạnh đạt 43.000 tấn thịt gà, bằng 55% nhập khẩu thịt gà cả năm 2013 (78.000 tấn) và thịt gà nhập mỗi năm chiếm từ 7%– 8% tổng lượng thịt gà của cả nước. Về giá trị, 5 tháng đầu năm 2014 Việt nam chi 36,62 triệu USD nhập gia cầm, tăng 11,3% so cùng kỳ.

 

Về nhập khẩu thịt lợn, 6 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu được 1.431 con heo sống, tăng gần 2,1 lần so năm trước, trong đó chủ yếu là nhập từ Mỹ, Canada. Về giá trị kim ngạch, 5 tháng đầu năm 2014 Việt nam đã chi khoảng 89,35 triệu USD (1.870 tỷ đồng), tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, 2 năm gần đây, ngành chăn nuôi trong nước đã thua lỗ 27.000 tỷ đồng (1,3 triệu USD). 8 tháng đầu năm 2014, ghi nhận ngành chăn nuôi thiệt hại khoảng 20.000 tỷ đồng, thua lỗ chủ yếu xuất hiện chủ yếu ở chăn nuôi hộ gia đình, chăn nuôi quy mô nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất và tiêu thụ trong nước gặp khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người dân không tiếp cận được với vốn vay tín dụng, thịt ngoại nhập cạnh tranh mạnh tại thị trường…

 

Theo các chuyên gia kinh tế, từ năm 2015 trở đi, Việt Nam sẽ dỡ bỏ các rào cản về thuế nhập khẩu đối với nhập khẩu thịt động vật và động vật tươi sống từ nước ngoài xuống mức 5% - 10% theo thỏa thuận của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và nhất là Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) – nơi mà nông nghiệp đang là nơi nhạy cảm nhưng cũng là nơi mà các nước đối tác muốn Việt nam mở cửa lớn hơn. Khi hàng rào về kiểm dịch động vật, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được xây dựng bài bản và đi vào thực tế, chắc chắn lượng thịt ngoại nhập, động vật tươi sống nhập về Việt Nam sẽ “đè chết” ngành chăn nuôi từ quy mô công nghiệp, trang trại lẫn quy mô hộ gia đình.

 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *