"Thách thức nào lớn nhất trong giải quyết vấn đề Biển Đông?"

FICA - Làm sao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước luật biển, những thỏa thuận khu vực, trong đó có DOC, được thực hiện trên thực tế...

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nói về Biển Đông trong Hội nghị ASEAN

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị ASEAN vừa qua ở Myanmar.
 

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam ngày 22/8 đã có cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp Hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 47 tại Nay Pyi Taw, thủ đô Myanmar từ 8-10/8 vừa qua.

Xin ông cho biết tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 47 (AMM-47) tại Myammar, vấn đề Biển Đông đã được ASEAN bàn thảo như thế nào và đã đạt được kết quả gì?

Chúng ta đều biết Hội nghị AMM vừa rồi họp trong bối cảnh hòa bình và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông có những diễn biến phức tạp và có những mối đe dọa đòi hỏi các ngoại trưởng phải xem xét rất kỹ. Thứ nhất là các ngoại trưởng đánh giá như thế nào về tình hình hiện nay. Thứ hai là ASEAN cần phải làm gì. Và thứ ba là ASEAN cần có những biện pháp cụ thể gì sắp tới. Những điều này đã được các ngoại trưởng ASEAN bàn rất kỹ trong các phiên họp hẹp.

Chúng ta có thể thấy thông qua các văn kiện, những trao đổi và phát biểu của các ngoại trưởng nổi lên một điểm là ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với tình hình phức tạp vừa qua, có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, an toàn hàng hải của khu vực cũng như môi trường hòa bình và hợp tác chung.

Ngoài ra, hơn bao giờ hết ASEAN thấy rằng cần phải nhấn mạnh các nguyên tắc đã có của ASEAN cũng như được các nước ủng hộ, trong đó nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước quốc tế về luật biển và các thỏa thuận khu vực, trong đó có DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông được ký kết năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc).

Để đảm bảo được môi trường hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải khu vực, trước hết là phải đảm bảo thực hiện một cách đầy đủ DOC, đặc biệt là điều 5, quy định các bên phải thể hiện hành động kiềm chế và không làm phức tạp thêm tình hình.

Các ngoại trưởng cho rằng cần phải cụ thể hóa những quy định của DOC về kiềm chế và không làm phức tạp thêm tình hình, nhất là xây dựng được danh sách cụ thể về những việc cần phải làm, và những việc không được làm mà sắp tới ASEAN sẽ phải bàn bạc.

Ngoài ra, cần phải xây dựng được cơ chế để giám sát việc thực thi được đầy đủ và hiệu quả tuyên bố DOC, trong đó có điều 5.

Các bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc sớm có COC, bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc ở Biển Đông, mà trong bộ quy tắc ứng xử này, nội bộ ASEAN đã bàn rất nhiều, phải có giá trị ràng buộc về pháp lý; quy định các hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông; tạo dựng được các cơ chế ngăn ngừa và kiểm soát xung đột; tạo dựng được các cơ chế để bảo đảm những quy định của COC trong tương lai được thực hiện một cách nghiêm túc trên thực tế.

Trong các cuộc họp các ngoại trưởng thấy cần cùng đảm bảo DOC, đẩy nhanh COC, sớm có nhiều biện pháp có thể triển khai được ngay mà người ta gọi là những biện pháp “thu hoạch sớm” , như xây dựng đường dây nóng để khi có những sự cố, có tranh chấp, có thể liên lạc với nhau để có biện pháp kìm chế…

Lần này có lẽ là lần rất hiếm hoi các ngoại trưởng ASEAN đã chỉ đạo rất cụ thể, đặc biệt là điều 5 của DOC.

Việt Nam đã đưa ra sáng kiến nào để các nước ASEAN tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông?

Chúng ta đã phản ánh được một quá trình dài về những diễn biến phức tạp gần đây và nguy cơ không chỉ với các nước liên quan mà còn đối với những nước ở ngoài khu vực về đảm bảo hòa bình, an ninh an toàn hàng hải.

Thứ hai ta có tham vấn rất sâu rộng với các nước trong và ngoài ASEAN mà đặc biệt dựa vào các nguyên tắc, lợi ích song trùng đã được phản ánh trong các văn kiện của ASEAN và các đối tác.

Thứ ba, trước những thách thức mới nảy sinh trong những tháng vừa rồi, chúng ta đã đề xuất rất trúng, là phải đảm bảo thực hiện đầy đủ tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC. Chính chúng ta là nước đề xuất điều 5. Trong khi thực hiện tất cả 10 điều khoản của DOC, thì tình hình đòi hỏi lúc này trước tiên phải giảm căng thẳng và không làm phức tạp thêm tình hình. Vì vậy điều 5 là phù hợp nhất.

Chúng ta đưa ra đề xuất cụ thể hóa những việc cần phải làm và không được làm với tư cách là phải thể hiện được kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình và phải có dàn xếp, cơ chế đảm bảo thực thi điều trên.

Nếu đưa được ra danh mục cụ thể cộng với cơ chế thực thi trên thực tế đối với điều 5 thì đây sẽ là kinh nghiệm rất tốt để thực hiện tất cả những điều khoản khác trên thực tế chứ không phải là những cam kết chính trị.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tại Myanmar vừa qua có một loạt sáng kiến đóng góp, như đóng băng hoạt động gây mất ổn định của Mỹ hay Philippines. Xin ông cho biết ASEAN đã có phản ứng như thế nào đối với những đề xuất này?

Mỹ, Philippines, hay các nước khác trong nội bộ lẫn bên ngoài ASEAN đã đưa ra nhiều đề xuất tại hội nghị. Chẳng hạn như Indonesia đưa ra sáng kiến 3+1, trong đó đảm bảo xây dựng lòng tin, cơ chế ngăn ngừa rủi ro xung đột và những cơ chế nếu có tranh chấp xảy ra thì kiểm soát tranh chấp để tranh chấp không trở thành xung đột. Hay Nhật có đề xuất về thực hiện các quy định luật pháp quốc tế trong quản lý tranh chấp ở khu vực này.

Về đề xuất của Philippines, văn kiện của ASEAN ghi nhận đề xuất của họ và sẽ xem xét sau. Bất kỳ sáng kiến nào được nêu ra nhằm đảm bảo hòa bình ổn định chắc chắn sẽ được ASEAN xem xét. Nhưng những đề xuất trong đó có phù hợp với quan điểm của ASEAN hay không thì cần phải tham luận tiếp.

Quan trọng nhất lúc này là phải xây dựng được COC và bảo đảm thực hiện tốt DOC, không chỉ trên luật pháp quốc tế, công ước luật biển, giải quyết hòa bình tranh chấp và cụ thể hóa điều 5 của DOC.

Trong hội nghị các ngoại trưởng vừa rồi, ASEAN đối mặt với thách thức nào lớn nhất trong việc giải quyết tranh chấp trên biển?

Nhìn chung, khuôn khổ luật pháp quốc tế, khuôn khổ công ước quốc tế về luật biển, khuôn khổ DOC, đã có rất nhiều quy định thiết thực đối với đảm bảo môi trường hòa bình ở Biển Đông. Thách thức lớn nhất là làm sao đảm bảo thực hiện được những điều này trên thực tế. Chính vì vậy mà bản thân ASEAN đã phải trao đổi rất nhiều, đã tạo ra những khuôn khổ hợp tác với Trung Quốc, với khu vực như ARF, ASEAN+1, hay Cấp cao Đông Á.

ASEAN phải hướng tới COC, để làm sao có thỏa thuận khu vực có thể bổ khuyết cho những gì còn đang khiếm khuyết của DOC nhưng lại thừa kế được những mặt tích cực của DOC.

Xin ông có thể đánh giá về tiến trình hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC hiện nay?

Điều quan trọng nhất là các nước ASEAN và các nước có liên quan đều ủng hộ phải có COC, và đều ủng hộ bộ quy tắc COC này thừa kế được DOC và phát huy đảm bảo tốt hơn hòa bình, an ninh an toàn hàng hải trên Biển Đông. Nhưng quá trình đi đến COC chắc chắn còn phức tạp.

Trong vòng 2 năm qua chúng ta đã có những bước phát triển, nhưng chưa đủ mạnh. ASEAN-Trung Quốc đã tham vấn không chính thức vào năm 2012, rồi bắt đầu chính thức đi vào tham vấn vào năm 2013. Đến hội nghị AMM vừa rồi, ASEAN đã chia sẻ với Trung Quốc phải đi vào tham vấn ngay để chia sẻ một cách thực chất về mục tiêu, cấu trúc và các thành tố của COC. Đồng thời, hai bên nhất trí với nhau sẽ tăng tần suất tham vấn.

Dự kiến vào tháng 9 tới sẽ có SOM ASEAN-Trung Quốc đặc biệt, tháng 10 SOM ASEAN-Trung Quốc định kỳ, tiếp tục bàn về DOC, COC. Tôi cho rằng dù quá trình này chậm, nhưng đã có những bước phát triển.

Nhưng quan điểm của ASEAN là phải đi vào đàm phán thực chất ngay để sớm có COC, bởi vì tình hình đòi hỏi phải có một khuôn khổ thỏa thuận khu vực để có thể ứng phó tốt hơn với những diễn biến phức tạp đang diễn ra.

Trong quá trình trao đổi điều quan trọng nhất cá nhân tôi ngẫm được là phải bám lấy những vấn đề nguyên tắc và lợi ích song trùng. Ngoài ra, khi có vấn đề nảy sinh chắc chắn có những khác biệt, điều đó là điều bình thường, nhưng người ta phải chia sẻ với nhau, để tìm tiếng nói chung dựa trên nguyên tắc và mỗi một quốc gia của ASEAN phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và trách nhiệm với tư cách là một thành viên của hiệp hội. Có những lúc những điều này không cân đối với nhau nhưng qua tham vấn sâu rộng trong ASEAN, các nước chia sẻ với nhau, mỗi một nước đều thấy mình có lợi ích trong chia sẻ chung đó. Đấy là con đường của ASEAN.

Thùy Trang

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *