Dòng chảy vốn 20/10/2014 21:12

Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất tệ nhất châu Á: Đánh giá thiếu khách quan?

FICA - Trang mạng Sleepinginairports vừa xếp sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất của Việt Nam vào danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á năm 2014.

Theo danh sách xếp hạng mà Sleepinginairports đưa ra, trong tổng số 10 sân bay châu Á tệ nhất thì sân bay Islamabad Benazir Bhutto của Pakistan đứng đầu bảng, sân bay quốc tế Nội Bài đứng ở vị trí thứ 5 và sân bay Tân Sơn Nhất xếp thứ 8. Ngoài ra, sân bay của một số nước phát triển ở châu Á cũng bị đánh giá là tồi tệ, như: Quảng Châu - Trung Quốc, Chennai - India, Manila Ninoy Aquino - Philippines…

 

Các tiêu chí đánh giá xếp hạng của trang mạng này là vệ sinh kém, bố trí không thuận tiện cho hành khách và thiếu tiện nghi của các trang thiết bị; thủ tục giải quyết chậm chễ dẫn đến tình trạng hành khách phải xếp hàng dài; nhân viên hải quan tìm cách chèo kéo để ăn hối lộ và việc bố trí quá ít điều hòa không khí với những nước vùng nhiệt đới.

 

Sân bay quốc tế Nội Bài bị đánh giá là nóng, chậm trễ trong khâu làm thủ tục và thiếu vệ sinh, trong khi đó sân bay Tân Sơn Nhất được cho là hệ thống điều hòa có vấn đề lớn, sóng wifi quá yếu và không có chỗ để ngồi.

 

Khu vực cách ly tại sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM (ảnh chụp ngày 16/10)
Khu vực cách ly tại sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM (ảnh chụp ngày 16/10)

 

Danh sách 10 sân bay lọt “top” tồi tệ nhất châu Á năm 2014 theo xếp hạng của trang mạng Sleepinginairports như sau:

1.Islamabad Benazir Bhutto - Pakistan
2. Kathmandu Tribhuvan - Nepal
3. Manila Ninoy Aquino - Philippines
4. Tashkent - Uzbekistan
5. Nội Bài - Hà Nội, Việt Nam
6. Quảng Châu - Trung Quốc
7. Phnom Penh - Campuchia
8. Tân Sơn Nhất - Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
9. Dhaka Shahjalal - Bangladesh
10. Chennai - India

 

“Đánh giá chưa đầy đủ, thiếu khách quan”

 

Theo tìm hiểu, Sleepinginairports không phải là một trang web chính thống của một tổ chức có chuyên môn đánh giá về dịch vụ hàng không. Vị trí xếp hạng tìm kiếm trang Sleepinginairports ở Mỹ là 59.509, ở Ấn độ là 80.409, ở Canada là 29.902, ở Đức là 123.123…

 

Trao đổi với PV Dân trí về danh sách nói trên, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho rằng, đó chỉ là đánh giá chủ quan của các cư dân mạng và đánh giá này chưa phản ánh đầy đủ về hoạt động thực tế của 2 sân bay quốc tế tại Việt Nam.

 

“Thừa nhận là sân bay ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và cần khắc phục, đặc biệt là khi so sánh với sân bay ở Singapore, Thái Lan hay Hồng Kông… Nhưng sự hạn chế này không đến mức tồi tệ như đánh giá của Sleepinginairports. Thực tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã được cải thiện rất nhiều từ hạ tầng, trang thiết bị đến chất lượng dịch vụ và nâng cao ý thức, thái độ làm việc của nhân viên hàng không…” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho hay.

 

Cũng theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, nhà ga T1 của sân bay Tân Sơn Nhất đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hạ tầng khá tốt, mở rộng khu vực phòng chờ và ghế ngồi cho hành khách, khu vực vệ sinh cũng đảm bảo sạch sẽ và tiện lợi. Trong khi đó, sân bay quốc tế Nội Bài cũng có nhiều cải thiện về chất lượng dịch vụ, tăng cường nhân lực tại khu vực check-in nhằm để khâu làm thủ tục được nhanh chóng hơn và sảnh E nhà ga T1 được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2013 đã tăng năng lực khai thác tại sân bay này. Sắp tới đây, nhà ga T2 của sân bay Nội Bài được hoàn thành và đưa vào sử dụng thì sẽ thấy một diện mạo khác hoàn toàn, nhà ga T1 được khai thác riêng cho các chuyến bay quốc nội và T2 sẽ phục vụ khai thác quốc tế.

 

“Mặc dù vậy, Cục Hàng không Việt Nam vẫn coi đây là một thông tin quan trọng để có các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ tại các Cảng hàng không Việt Nam, trong đó có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh)” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết thêm.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *