Dòng chảy vốn 19/10/2014 12:34

Cải tạo chợ Thành Công, tiểu thương chỉ rõ “hậu quả nhãn tiền”

FICA - Tiểu thương phản đối việc "lên đời" chợ Thành Công vì lo "vết xe đổ" và tiến độ rùa bò sẽ ảnh hưởng đến đời sống và kinh doanh của họ

Mặc dù khẳng định của chỉ cải tạo, chỉnh trang chợ Thành Công chứ không phá bỏ chợ để xây dựng trung tâm thương mại. Tuy nhiên, các tiểu thương của chợ này vẫn nhất định phản đối vì thực tế sau khi được cải tạo, xây dựng mới, các chợ hàng Da, Chợ Cửa Nam và Việt Hưng đều lâm vào ế ẩm không có kẻ mua, người bán. Một số hộ kinh doanh tại các chợ nói trên đã phải đi thuê mướn ki ốt, quầy hàng ở những chợ truyền thống khác để làm kế mưu sinh.

 

 

Nhiều tiểu thương lo ngại, kế hoạch cải tạo xây dựng chợ được thông qua 6 năm trước mà chính quyền, chủ đầu tư đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nếu quá trình cải tạo cũng như tiến độ "rùa bò" của kế hoạch đặt ra, thậm chí kéo dài hơn, thì số phận những người tiểu thương sẽ đi về đâu, ai là người chịu trách nhiệm.

 

Tiểu thương “lo mất kế sinh nhai”

 

Rất nhiều tiểu thương chợ Thành Công hiện đang bức xúc vì doanh nghiệp và chính quyền đưa máy khoan thăm dò, 1 số máy xây dựng đến chợ từ ngày 13 – 15/10. Đồng thời, ngày 14/10, Ban quản lý chợ cũng họp với đại diện một số ngành kinh doanh, thông báo kế hoạch chuyển các sạp hàng sang khu tạm trên đường Nguyên Hồng, trong khi ước tính số sạp, quầy hàng ở chợ lớn thủ đô này phải hàng trăm hộ.

 

Trao đổi với phóng viên, rất nhiều tiểu thương chợ Thành công cho rằng: họ không muốn chuyển đổi chợ thành trung tâm thương mại vì đã chứng kiến sự “ế ẩm” của nhiều chợ, trung tâm thương mại sau khi lên đời. Chính 1 số người dân tại các chợ đó đang phải đi thuê ki ốt, quầy tại Thành Công và 1 số nơi khác để buôn bán trở lại.

 

Đa số các tiểu thương cho rằng: dù được biết cải tạo, xây dựng chợ Thành Công nhưng chưa được biết cụ thể sẽ cải tạo gì, xây dựng gì và bao giờ xong? Các tiểu thương sẽ đi đâu về đâu nếu quá trình cải tạo, xây dựng chậm trễ như chính kế hoạch cải tạo, xây dựng chợ thành công dù được thông qua (từ năm 2008) nhưng đến giờ chính quyền và chủ đầu tư cũng chưa có tiếng nói chung. Nếu quá trình thực hiện dự án kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của các tiểu thương cũng như phát thải ô nhiễm môi trường từ chợ tạm.

 

Chị Hằng 1 người bán thực phẩm tươi sống tại chợ cho biết: “Cải tạo được thôi nhưng chúng tôi cần biết thời gian sẽ hoàn thành là bao lâu. Tiểu thương phải được tham gia vào cách bài trí sắp xếp quầy hàng. Giá thuê mặt bằng sau khi cải tạo sẽ ra sao phải nói cho chúng tôi yên tâm, phải đảm bảo cho các hộ kinh doanh ở đây được buôn bán tiếp bởi nguồn sống của rất nhiều gia đình trông chờ vào chợ này. Đừng cải tạo theo quan điểm của chính quyền để sau khi hoàn thành lại bỏ không như một số chợ hiện đại, trung tâm thương mại trên địa bàn thời gian qua”.

 

Theo nhiều người dân thường xuyên mua bán tại chợ Thành Công thì đây là chợ truyền thống thuận tiện đối với người dân, có đường đi lối lại thông thoáng; giá cả phải chăng, chợ lớn nên hàng hóa đa dạng nguồn hàng. Có điều cần làm là cải tạo hệ thống dẫn và thoát nước cho đảm bảo vệ sinh môi trường, các quầy, sạp cần xây dựng lại khi xuất hiện tình trạng xiêu vẹo 1 nhà nhỏ có đến 3 – 4 quán, hộ kinh doanh như hiện nay. Bên cạnh đó, cần đảm bảo các tiêu chí an toàn cháy nổ tốt hơn… Còn xây dựng trung tâm thương mại, xây mới là không nên: Nếu xây dựng lại cũng phải 3 – 5 năm mới hoàn thành, ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của các tiểu thương.

 

Bên cạnh đó, việc có ý kiến cho rằng môi trường chợ Thành Công xuống cấp trầm trọng gây bức xúc cho cư dân sống quanh đó là không đúng. “Chợ có ban quản lý, dọn dẹp và vệ sinh đúng quy định. Chỉ do lâu năm, 1 số hạng mục như biển báo đã xuống cấp, đường có lầy lội mỗi khi mưa xuống. Các sạp và quầy cần cải tạo thì ban quản lý chỉ cần hợp tác với các tiểu thương tổ chức xây từng sạp 1 nhanh gọn, chứ không nên sử dụng cả máy móc và thiết bị lớn thế kia, 1 tiểu thương cho biết.

 

Đừng lâm cảnh “khóc ròng” khi chợ lên đời

 

Theo chị Trần Thị Thanh Trúc một tiểu thương tại Việt Hưng cho biết: “Trước khi chợ Việt Hưng xây dựng mới, tôi có đầu tư hai quầy hàng, 1 quầy bán hàng thực phẩm và 1 quầy là gạo. Khi chợ Việt Hưng xây dựng mới, cả nhà tích cóp tiền để “thuê đứt” 20 năm thêm 2 quầy nữa, tổng cộng là 4 quầy, sạp, số tiền bỏ ra hơn 2,7 tỷ đồng. Ý định là mở để cho chị em, người nhà và bán lại xuất. Nhưng giờ đây, 2 quầy còn không biết trụ vững đến bao giờ vì không có khách mua, 2 quầy kia vẫn “đắp chiếu” để đó.

 

Theo chị Trúc, tình cảnh này không chỉ của chị mà còn của nhiều người khác tại chợ Việt Hưng, Hàng Da, Cửa Nam khi tưởng xây dựng chợ mới khang trang sẽ có nhiều cơ hội nên dốc vốn để đầu cơ quầy hàng nhưng thực tế thì…. thật ngán ngẩm không biết kêu ai được.

 

Chủ trương cải tạo, xây dựng chợ Thành Công, một khu chợ lớn tại quận Ba Đình thành trung tâm thương mại từng được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận từ năm 2008. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cơ quan  quản lý, chủ đầu tư vẫn chưa thống nhất phương án thực hiện. Các hộ kinh doanh tại đây vẫn kinh doanh bình thường suốt 6 năm qua.

 

Theo nhiều người dân sống tại đây, đa số bà con kinh doanh ngăn cản, phản đối máy móc vào chợ là vì không muốn chợ này “lên đời” thành trung tâm thương mại. Kể cả kế hoạch cải tạo cũng phải được làm rõ cải tạo gì, bao giờ xong. Việc nghi ngờ “cải tạo” thành xây mới hoàn toàn là điều mà người dân nghi ngờ.

 

Trả lời trên ANTĐ mới đây, Chủ tịch UBND quận Ba Đình khẳng định: “Tôi khẳng định không có chuyện xóa bỏ chợ Thành Công mà ngược lại chợ sẽ được cải tạo theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với quy hoạch và nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh của người dân. Ngay từ đầu, chúng tôi luôn ý thức được rằng, dù yêu cầu chỉnh trang đô thị, xây dựng văn minh thương mại rất bức thiết nhưng chợ dân sinh trên địa bàn là không thể thiếu. Thành Công là một phường lớn, đông dân với nhiều khu chung cư nên nhu cầu chợ dân sinh rất quan trọng. Do đó, trong tên gọi của dự án, yếu tố “chợ” đã được đặt lên trước (Dự án xây dựng chợ - trung tâm thương mại Thành Công)”.

 

Theo ông Nguyễn Minh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: “cải tạo hoặc xây mới các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ cần nghiên cứu kĩ về thói quen người tiêu dùng và lắng nghe ý kiến của tiểu thương. Những chợ “lên đời” thành trung tâm thương mại hay mô hình chợ đầu mối, chợ hiện đại nhưng không phù hợp với thói quen mua bán của người dân đã lâm vào tình trạng đìu hiu, vắng khách. Chính vì vậy, mục tiêu chỉnh trang đô thị nhưng phải gắn với lợi ích của người dân và cần rút kinh nghiệm trong các dự án trước đó”.

 

Còn T.S Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam mới đây cho biết: “Hiện bán lẻ truyền thống đang chiếm 75% giá trị thị trường, bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 25%. Việc có 1 số trung tâm thương mại, siêu thị mini, chợ hiện đại tại Hà Nội không có tiểu thương thuê bán hàng cũng là 1 thực tế bởi giá cả mặt bằng ở những khu này đắt đỏ, ít khách đến mua nên đẩy khó cho người kinh doanh, tiểu thương và tạo điều kiện cho chợ cóc, chợ tạm mọc lên đầy đường”.

 

Cũng theo bà Loan, việc cải tạo các chợ, xây dựng mới chợ truyền thống cần có nghiên cứu kĩ trước ki xây dựng để không rơi vào vết xe đổ gây bức xúc cho người kinh doanh.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *