Dòng chảy vốn 29/07/2015 08:40

Quyền mặc cả của FDI: Tránh viễn cảnh "thiên đường ô nhiễm"

Chọn FDI với các tiêu chí rõ ràng, giúp tránh phải đàm phán với từng doanh nghiệp, giảm nguy thành "thiên đường ô nhiễm” ....

TS Nguyễn Đức Khương (hiện đang công tác tại Trường Kinh doanh IPAG, Pháp) trao đổi với Đất Việt về vấn đề DN FDI đang xin quá nhiều và phải hạn chế "quyền mặc cả" của doanh nghiệp loại này.  

 

PV:- Báo cáo của CIEM công bố mới đây có đặt vấn đề DN FDI đang xin quá nhiều. Báo cáo đã chỉ thẳng ví dụ về Samsung và cho rằng cần đặt ra vấn đề hạn chế "quyền mặc cả" của FDI để tránh tình trạng doanh nghiệp này xin, DN khác cũng xin. Ông nghĩ sao về vấn đề này? Thưa ông, ai cũng thấy là nếu ưu đãi FDI một thì phần lợi của Việt Nam bị mất đi một, vậy khi khó từ chối những đề nghị ưu đãi này, cái khó của cơ quan quản lý là gì? 

 

TS Nguyễn Đức Khương: - Thu hút vốn đầu tư nước ngoài luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính sách kinh tế đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế. Ngoài các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư chứng khoán hoặc quỹ cũng ngày càng được quan tâm.

 

Nghị định 60/2015/NĐ-CP của chính phủ về sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán nước ta theo khu vực kinh tế và hàng loạt các giải pháp làm minh bạch hệ thống tài chính ngân hàng chính là nỗ lực nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

 

Thị trường FDI có tính cạnh tranh rất cao, nhất là khi nước ta nằm trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với nhiều điểm đến hấp dẫn như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, và Úc.  

 

Tuy nhiên, thu hút các dự án đầu tư FDI và hiệu quả, tác động của các dự án đó đến nền kinh tế là hai vấn đề khác nhau. Trên góc độ này, tôi đồng ý với đề xuất của CIEM là chúng ta cần quan tâm hơn đến tác động của các dự án FDI đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp trong nước nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

 

Một sự ưu đãi quá lớn đối với DN FDI có thể đưa đến hạn chế năng lực cạnh tranh và làm thui chột các doanh nghiệp trong nước. Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn cho vốn FDI, do vậy chúng ta có thể “chủ động” lựa chọn các dự án đầu tư FDI với các tiêu chí rõ ràng, đáp ứng các ưu tiên chiến lược của nền kinh tế, ví dụ dựa trên các lĩnh vực, ngành nghề, và công nghệ ưu tiên.

 

Điều này giúp tránh được việc phải đàm phán với từng doanh nghiệp và giảm thiểu rủi ro biến nước ta trở thành “thiên đường ô nhiễm” với các dự án kém chất lượng (ví dụ, các DN FDI đến tìm kiếm tài nguyên và nguồn lực lao động rẻ, tránh được các quy định, tiêu chuẩn gắt gao về môi trường như ở các nước phát triển). 

 

PV:-  Nhìn vào những con số thống kê (xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng GDP), không thể phủ nhận vai trò quan trọng của doanh nghiệp FDI, trong khi, việc thu hút FDI vào Việt Nam càng ngày sẽ càng khó khăn hơn do những nguyên nhân khách quan (kinh tế thế giới suy giảm) và chủ quan (bản thân môi trường đầu tư ở VN còn nhiều vấn đề bất cập). Liệu đây có phải là lý do chính khiến chúng ta khó mà nói không với các doanh nghiệp loại này hay không, thưa ông? Và như vậy có đồng nghĩa, vấn đề chúng ta được gì từ doanh nghiệp FDI chưa nên đặt ra lúc này? 

 

TS Nguyễn Đức Khương: - Tôi không nghĩ vậy. Chúng ta hoàn toàn có thể nói không với các dự án không đáp ứng được các yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững của nước ta.  

 

Thực tế, năng lực thu hút đầu tư FDI của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực là khá tốt, ngay cả khi kinh tế thế giới suy giảm do khủng hoảng tài chính.

 

Theo số liệu của WDI trong biểu đồ dưới đây thì tỷ trọng dòng vốn FDI thuần (đăng ký mới trừ thoái vốn) vào nước ta đạt 5.19% so với GDP năm 2013, chỉ đứng sau Singapore (21.4%) trong khu vực ASEAN.

 

Quyen mac ca cua FDI: Tranh vien canh 
Tỷ trọng FDI trong GDP (World Development Indicators)

 

Theo số liệu mới nhất của fDi Markets (thuộc Financial Times Group)[1], Việt Nam thu hút khoảng 241 dự án FDI mới với tổng đầu tư khoảng 13.1 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2015. Riêng năm 2014, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (sau Trung Quốc và trước Ấn Độ) về thu hút vốn FDI với 24 tỷ USD. Nếu so sánh về tỷ trọng FDI/GDP, nước ta đứng số 1 với 12.77%, trong khi tỷ trọng này của Trung Quốc chỉ là 0.3% GDP. 

Nhìn chung, các lựa chọn đầu tư trực tiếp dựa vào các yếu tố sau: i) tốc độ tăng trưởng; ii) quy mô thị trường; iii) tính minh bạch, ổn định của môi trường vi mô và các quy định đầu tư nước ngoài; iv) mức độ an toàn, anh ninh tại quốc gia đầu tư; và v.v..) hiệu quả và hiệu lực của các quy trình pháp lý, hành chính.

 

Cùng với việc cải thiện các yếu tố trên, các biện pháp khuyến khích thuế quan và đơn giản hóa các thủ tục đăng ký đầu tư sẽ đưa nước ta trở thành “điểm đến tự nhiên” của các dự án FDI.

 

PV:- Xét một cách toàn diện hơn, doanh nghiệp trong nước VN đang bị lép vế hoàn toàn trước doanh nghiệp FDI (do không được ưu đãi). Thời hạn mở cửa hoàn toàn thị trường đang tiến tới rất gần, hàng Việt sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa nhiều nước. Nếu không có biện pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp Việt, viễn cảnh rất nhiều doanh nghiệp Việt sẽ không thể tồn tại trên sân nhà có thể xảy ra hay không, thưa ông? Nếu như vậy, nền kinh tế Việt Nam có bị phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI hay không? Điều đó sẽ gây nên những hệ lụy gì?

 

TS Nguyễn Đức Khương:- Nếu nói là doanh nghiệp trong nước đang bị lép về hoàn toàn trước doanh nghiệp FDI thì không hoàn toàn đúng.

 

Thời gian qua tôi quan sát và thấy là Chính phủ đã thực hiện một loạt các giải pháp về thuế, tín dụng và giá, đồng thời cải cách các thủ tục hành chính, thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn…nhằm hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản lý.

 

Việc xúc tiến đàm phán nhiều hiệp định FTA song phương và TPP cũng đang góp phần mở rộng thị trường cho các doanh nhiệp trong nước. Tôi cũng chưa hình dung ra được các giải pháp gì thiết thực hơn.  

 

Hiện tại doanh nghiệp FDI tham gia chủ yếu vào 3 khu vực kinh tế là công nghiệp chế biến – chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Khu vực sản xuất và xuất khẩu công nghiệp là có mức độ phụ thuộc lớn nhất.

 

Hệ lụy lớn nhất là tác động xấu đến tăng trưởng công nghiệp và kinh tế trong một khi triển vọng kinh tế trong nước và quốc tế suy giảm vì các nhà đầu tư nước ngoài có thể thoái vốn dễ dàng hơn trước rất nhiều.  

 

PV:- Nhưng CIEM cũng thừa nhận để tái cân bằng giữa DN trong nước và nước ngoài là vô cùng khó. Ưu đãi DN trong nước thì không được vì tốn kém, chưa kể bản thân doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực rất nhiều thì mới có thể bắt kịp trình độ sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài. Vậy Việt Nam nên làm thế nào để doanh nghiệp trong nước có thể đứng được, đồng nghĩa với nó là sự tự chủ của nền kinh tế? Bắt đầu từ bây giờ đã muộn chưa, thưa ông? 

 

TS Nguyễn Đức Khương: Trong điều kiện hội nhập, các cơ hội và rủi ro cũng tương đối rõ ràng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, đầu tư cho công nghệ để biến các thách thức, khó khăn thành sức mạnh. Ở cấp độ vĩ mô, đầu tư cho đào tạo kỹ năng, nâng cao năng lực của lực lượng lao động là yếu tố cấp bách. Điều này cũng cho thấy sự cần thiết của cải cách hệ thống giáo dục đại học và đào tạo ở nước ta.

 

Câu hỏi lớn không phải là đã muộn chưa mà làm gì và làm thế nào? Theo tôi thì không thể thiếu một chiến lược với lộ trình rõ ràng trong đó trình độ của nhân lực và đầu tư cho đổi mới công nghệ là hai yếu tố đặc biệt quan trọng.

 

PV:- Xin cảm ơn ông!

Theo Vũ Lan
Đất Việt
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *