Dòng chảy vốn 11/05/2014 07:59

Nỗi lo thường trực

Việc chỉ số niềm tin tăng liên tục trong 4 quý gần đây cho thấy người Việt lạc quan hơn về tình hình tài chính và dần thả lỏng việc chi tiêu sau gần 2 năm thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, những lo lắng về tương lai vẫn thường trực khi con số này vẫn dưới ngưỡng 100 đi

 

Càng nhiều người dân gửi tiền kỳ hạn dài với lãi suất thấp, càng cho thấy họ không kỳ vọng nhiều vào sự khởi sắc của nền kinh tế trong tương lai gần

Khảo sát về niềm tin người tiêu dùng và dự định mua sắm của Nielsen cho thấy, so với 3 quí có khảo sát gần nhất là quí II, quí III và quí IV của năm 2013, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng VN đã tăng nhẹ. Trong đó, quí I/2014 tăng 4 điểm so với quí II/2013, tăng 2 điểm so với quí III và 1 điểm so với quí IV/2013.

Chậm so với khu vực

Tiết kiệm vẫn là ưu tiên hàng đầu của đa số người tham gia phỏng vấn (77%), song du lịch, nghỉ dưỡng, nâng cấp nhà cửa và đầu tư vào chứng khoán đã được nhiều người quan tâm hơn trong quý vừa qua khi cả ba đều tăng nhẹ so với quý trước và cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, cũng theo khảo sát của Nielsen, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng VN tuy có tăng nhẹ so với các quí trước nhưng lại gần như thấp nhất trong các nước tham gia khảo sát ở khu vực Đông Nam Á.

Đánh giá tổng quan khu vực Đông Nam Á, ông Vishal Bali - Giám đốc khối nghiên cứu người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương của Nielsen nhận xét, niềm tin tiêu dùng trong khu vực vẫn tương đối cao, đặc biệt là Indonesia khi liên tục là quốc gia lạc quan nhất thế giới trong nhiều quý (124 điểm), còn Philippines đứng thứ ba với 116 điểm, tăng hai điểm so với quý trước.

“Lười” vận động

Niềm tin tiêu dùng là Bảng khảo sát thái độ của người tiêu dùng về cả điều kiện hiện tại cũng như sự kỳ vọng về các điều kiện kinh tế.

Sự vận động của dòng tiền trong dân hiện nay là minh chứng rõ nhất cho những nỗi lo thường trực, và tất nhiên, niềm tin chưa thể vững chắc của người dân.

Theo các chuyên gia, không chỉ chất lượng sản phẩm và việc cam kết chất lượng của các thương hiệu VN chưa thực sự nhất quán và bền bỉ đến nguy cơ làm giảm lòng tin đối với khách hàng, sự vận động của dòng tiền trong dân hiện nay thì mới là minh chứng rõ nhất cho những nỗi lo thường trực, và tất nhiên, niềm tin chưa thể vững chắc của người dân.

Vừa mới đây, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) công bố một số dữ liệu đáng chú ý trong điều hành sau 4 tháng đầu năm 2014. Cụ thể, huy động vốn tiếp tục là điểm sáng trong 4 tháng đầu năm với mức tăng trưởng khá. Tính đến ngày 22/4/2014, huy động vốn của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 3,09% so với đầu năm, trong đó huy động vốn bằng VND (từ tổ chức và cá nhân) tăng 4,26%, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,98%.

Với người dân, lãi suất liên tục giảm, xuống thấp nhất trong gần cả chục năm qua, nhưng họ vẫn chọn gửi ngân hàng, một phần gắn với niềm tin vào VND như Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, một phần phản ánh họ bí bách, không có kênh đầu tư nào thực sự hấp dẫn và đại chúng để dùng vốn. Bởi gửi ngân hàng có lẽ là cách làm dễ nhất. Trong 4 tháng đầu năm, riêng tiền gửi bằng VND của người dân đã tăng tới 7,48%.

Nếu xem diễn biến dòng tiền gửi như một chỉ số, thì dường như một bộ phận lớn của đồng vốn trong dân cư đang “lười vận động” hơn.

Chỉ cách vài năm trước, hầu hết người dân chỉ chọn gửi các kỳ hạn ngắn để chủ động hơn, linh hoạt hơn trong sử dụng vốn nắm bắt các cơ hội đầu tư; đồng vốn của họ năng động, lỏng hơn trong cơ cấu tiền gửi - một khó khăn đối với các ngân hàng thương mại. Tỷ lệ tiền gửi dài hạn thường chỉ chiếm trên dưới 10% trong cơ cấu tại nhiều nhà băng.

Còn nay, ngay từ trong năm 2013 và cho đến đầu 2014, điểm nổi bật trong báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong mùa đại hội cổ đông vừa qua là sự dịch chuyển cơ cấu tiền gửi. Một mặt, lượng vốn huy động lãi suất thấp đã tăng lên, giảm bớt áp lực chi phí; mặt khác, tỷ trọng tiền gửi kỳ hạn dài đã tăng lên, có thể chiếm tới 30-40%.

Tuy nhiên, càng nhiều người dân gửi tiền kỳ hạn dài với lãi suất thấp, càng cho thấy họ không kỳ vọng nhiều vào sự khởi sắc của nền kinh tế trong tương lai gần; họ không dùng để đầu tư, sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tìm cách hạ lãi suất, nhiều khả năng tiền sẽ vẫn “lười vận động” khi chọn két nhà băng.

Niềm tin của người tiêu dùng tăng là một dấu hiệu đang mừng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, với mức tăng vẫn khá chậm, đặc biệt so với các nước trong khu vực, cộng với việc dòng tiền trong dân lười vận động.... một thách thức lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và từng DN nói riêng vẫn đang hiện hữu.

Niềm tin chưa vững


Chỉ số niềm tin người tiêu dùng VN chạm mốc 99 điểm trong quý I/2014, tuy chỉ tăng một điểm so với quý liền trước, nhưng đã ở mức cao nhất từ quý IV/2011 theo nghiên cứu mới công bố gần đây của Nielsen, Cty chuyên đo lường và phân tích hành vi người tiêu dùng. Chỉ số này đang nói lên điều gì ?

PGS TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội
(Viện Xã hội học): Cần định tính các chỉ số

Vấn đề chỉ số niềm tin người tiêu dùng chưa phải là mối quan tâm lớn. Niềm tin của cả xã hội lúc này mới là vấn đề đáng quan tâm hơn cả. Những thách thức về tiền tệ, thị trường vẫn chưa qua đi. Đây là những vấn đề chưa thể giải quyết trong ngắn hạn. Đặc biệt, nợ công ngày càng tăng cũng đang là vấn đề cần được khỏa lấp. Với cách nói nợ công trong tầm kiểm soát, rồi tăng lên hay giảm xuống thế nào... vẫn còn là nỗi băn khoăn của nhiều người.

Tuy nhiên, cần phải khẳng định, trong bối cảnh của nhiều sự kiện chính trị trong và ngoài nước như tình hình phức tạp ở Châu Âu, căng thẳng ở biển Đông… đang khiến dư luận phân tâm, rõ ràng, việc chỉ số người tiêu dùng “ấm lên” sẽ mang đến những động thái tích cực.

Bên cạnh đó, người dân đang cần hơn sự “ấm lên” đối với chỉ số niềm tin của toàn xã hội. Những việc làm cụ thể và hiệu quả như cải thiện chính sách, đổi mới trong điều hành sẽ làm dư luận và người dân quan tâm hơn.

Liên quan đến việc một tổ chức công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng “ấm lên”, dư luận đang quan tâm nhiều hơn vào hội nghị toàn quốc về chống tham nhũng vừa được triển khai. Đây có thể xem như một hiệu lệnh để giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội. Thực tế, tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp. Tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Niềm tin của cả xã hội đang trông đợi vào những hành động triển khai mạnh mẽ của hiệu lệnh nói trên.

Những vụ án tham nhũng và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng được đưa ra ánh sáng. Cùng với đó là việc xử lý những tài sản do tham nhũng, lợi dụng tín nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng một cách công minh và hiệu quả sẽ góp phần đáng kể để lấy lại niềm tin của người dân. Mạnh tay và quyết liệt với tham nhũng chắc chắn sẽ mang đến những dấu hiệu tích cực không chỉ niềm tin mà cả cho tăng trưởng.

Ông Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV:
Để niềm tin thực sự trở lại

Chỉ số niềm tin của VN tăng lên cho thấy người Việt lạc quan hơn về tình hình tài chính và dần thả lỏng việc chi tiêu sau gần 2 năm “thắt lưng buộc bụng”. Tuy nhiên, những lo lắng về tương lai vẫn thường trực khi con số này vẫn dưới ngưỡng 100 điểm. Về người dân thì vậy, còn nền kinh tế thì sao?

Kinh tế đang trở lại quỹ đạo dù tăng trưởng chậm trong khi niềm tin của người dân vào VND, niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường đều được củng cố cho thấy những tín hiệu lạc quan hơn. Khu vực tư nhân có xu hướng quay trở lại đầu tư vào sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Thị trường chứng khoán đã tăng trưởng khá trong những tháng đầu năm. Theo đó, thị trường bất động sản phần nào đã chuyển biến khá hơn với giá trị tồn kho giảm liên tục.

Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt như tổng cầu phục hồi chậm, tốc độ tăng tưởng kinh tế vẫn thấp so với tiềm năng; nông nghiệp chịu áp lực giảm giá nông sản; động lực tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài .

Trên cơ sở những nhận định, đánh giá trên, để niềm tin thực sự trở lại, song song với việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất; hỗ trợ cho nông dân về giá nông sản; giảm lãi suất và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tiếp cận vốn vay ngân hàng…

Đồng thời, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư ngân sách và trái phiếu Chính phủ; chủ động điều tiết giá hàng hóa cơ bản, dịch vụ và tỷ giá cũng như điều tiết tổng cầu của nền kinh tế thông qua phối hợp chính sách tiền tệ - tài khóa một cách thích hợp, theo tôi đấy chính là những cách để niềm tin thực sự trở lại không chỉ riêng với người tiêu dùng mà cả với nền kinh tế Việt Nam.



Theo Bá Tú - Phương Hà

Diễn đàn doanh nghiệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *