Dòng chảy vốn 05/11/2015 07:11

Lạm dụng kháng sinh, chất cấm sẽ giết chết ngành chăn nuôi!

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cho rằng, nếu người chăn nuôi cứ tiếp tục lạm dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là cả chất vàng ô thì nguy cơ phá sản cả ngành chăn nuôi của Việt Nam đang hiện rõ.

Một trong những tồn tại của ngành chăn nuôi hiện nay là vấn đề sử dụng bừa bãi chất cấm.
Một trong những tồn tại của ngành chăn nuôi hiện nay là vấn đề sử dụng bừa bãi chất cấm.

Sử dụng bừa bãi chất cấm

Tại Diễn đàn Chính sách Nông nghiệp thường niên 2015 diễn ra sáng 4/11, TS Trần Duy Khanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nhìn nhận, một trong những tồn tại của ngành chăn nuôi hiện nay là vấn đề sử dụng bừa bãi chất cấm.

Ông Khanh dẫn số liệu từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (NAFIQAD) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong số 65 mẫu thịt gà kiểm tra, có 9 mẫu phát hiện Salmonella, 11 mẫu có dư lượng kháng sinh Flofenicol và 11 mẫu có dư lượng Enrofloxacin.

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cho rằng, đây là vấn đề gây bức xúc xã hội cần phải được cảnh báo, nếu người chăn nuôi cứ tiếp tục lạm dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là cả chất vàng ô dùng trong công nghiệp đưa vào chăn nuôi gà... nguy cơ phá sản cả ngành chăn nuôi của Việt Nam đang hiện rõ.

"Ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam tồn tại, phát triển hay phá sản trước hết phụ thuộc vào chính các hộ chăn nuôi”, ông Khanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Khanh cũng cho rằng, tình trạng giết mổ tràn lan, giết mổ thủ công là chủ yếu, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm... làm giảm giá trị gia tăng và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Hiện, giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng lượng thịt…

Vấn đề kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự hiệu quả, một số bệnh nguy hiểm luôn có nguy cơ bùng phát (cúm gia cầm luôn là mối đe dọa và gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi). Chưa kiểm soát tốt được dịch bệnh trong chăn nuôi là một nguyên nhân chính làm cho sản phẩm gia cầm Việt Nam (thịt, trứng) không thể xuất khẩu được.

"Khi dịch cúm xảy ra đàn gia cầm phải tiêu hủy, đồng thời người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm gia cầm, kể cả sản phẩm có nguồn gốc và được cơ quan thú y kiểm soát cho phép tiêu thụ, làm cho sản phẩm gia cầm bị ứ đọng, thương lái ép giá nên giá giảm mạnh, người chăn nuôi thua lỗ lớn, nhiều cơ sở đứng trên bờ vực phá sản", ông nói.

Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý, sản phẩm gia cầm nhập khẩu và nhập lậu vào Việt Nam là các phụ phẩm, thải loại của các nước (đùi, cánh, chân, gà đẻ quá đát thải loại..), nhưng đối với Việt Nam vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng . Trong khi đó, sản phẩm nhập khẩu lậu không có nguồn gốc, kém chất lượng (gà đẻ loại thải) và mang mầm bệnh, không được kiểm soát của ngành thú y, nhập lậu qua biên giới, gây tổn hại cho người tiêu dùng và làm rối loạn thị trường.

Giá cao do thương lái thâu tóm

Chỉ ra thêm những tồn tại của ngành chăn nuôi, ông Khanh cho biết, thương lái là người điều tiết thị trường cả mua lẫn bán, khi sản phẩm ứ đọng thương lái ép giá mua, làm người sản xuất phải bán giá thấp dẫn đến thua lỗ đồng thời cũng chính thương lái lại ép giá bán, làm cho người tiêu dùng không được mua giá thấp, dẫn tới sức mua của người tiêu dùng giảm sút.

Bên cạnh chi phí sản xuất cao, các khâu trung gian trong phân phối, các thương lái đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Trung bình mỗi khâu đẩy giá thành sản phẩm lên 6 – 12%. Theo Hội Chăn nuôi, khâu trung gian trong phân phối con giống làm tăng 6-8% giá bán; hệ thống đại lý các cấp trong phân phối thức ăn chăn nuôi đang làm người chăn nuôi phải mua thức ăn đắt thêm 9 – 11%; các thương lái trung gian về giết mổ góp phần làm tăng giá 10 – 12%.

"Trong chuỗi phân phối sản xuất và lợi nhuận, người sản xuất chỉ thu được lợi nhuận 2- 5%, trong khi đó thương lái là 22%, người bán buôn, bán lẻ: 30-33%. Chính vì vậy, sản phẩm đến tay người tiêu dùng rất cao", vị chuyên gia lý giải.

"Một điểm cũng cần kể tới là chăn nuôi Việt Nam đang có năng suất lao động quá thấp. Một trang trại lợn sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ có 1 lao động, còn ở Việt Nam là 15 - 20 người. Một nhân công nuôi gà công nghiệp ở Thái Lan có thể quản lý chuồng gà công nghiệp với quy mô 20.000 con, trong khi công nhân Việt Nam chỉ nuôi bình quân 5.000 con", ông nói thêm.

Bên cạnh đó, giá con giống cho ngành chăn nuôi cũng ở mức cao nhưng chất lượng lại không đảm bảo, giá thức ăn chăn nuôi luôn cao hơn so với khu vực và thế giới khoảng 10 - 15%. Trong khi đó, Nhà nước vẫn chưa kiểm soát được giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường, giá thức ăn tăng tùy tiện trở thành nỗi ám ảnh của người chăn nuôi, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ cho xã hội mỗi năm.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *